Người phụ nữ tận tụy với sự nghiệp giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 61 tuổi đời, 35 năm tuổi Đảng, bà Phạm Thị Trà My (trú tại 16/5 Trần Quang Diệu, tổ 14, phường Thống Nhất, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã có 42 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Dù ở cương vị nào, bà cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nghe tôi hỏi về quá trình công tác, bà cười nói: “Nhận quyết định nghỉ hưu năm 2011 là tôi chuyển thẳng về phường Thống Nhất giữ chức Chủ tịch Hội Khuyến học đến hôm nay chứ đã hưu ngày nào đâu”.

 

Bà Phạm Thị Trà My vẫn đang miệt mài với sự nghiệp giáo dục của phường Thống Nhất. Ảnh: N.D
Bà Phạm Thị Trà My vẫn đang miệt mài với sự nghiệp giáo dục của phường Thống Nhất. Ảnh: N.D

Bà kể, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bà rất hay nghĩ về câu nói của Bác Hồ “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và đã nuôi ước mơ trở thành cô giáo. Học xong phổ thông năm 1974, bà nộp đơn thi đại học sư phạm nhưng không đỗ. Trong thời gian ở quê (xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), bà đi dạy bổ túc văn hóa cho người dân trong xã. Cuối năm 1976, bà vào học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đak Lak. Ra trường, bà được điều về công tác tại Trường cấp I-II phường Thống Nhất (TP. Pleiku) và gắn bó với sự nghiệp giáo dục từ đó. Nhờ tích cực phấn đấu, năm 1980 bà được bổ nhiệm làm Hiệu phó. Năm 1982, bà vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở, sau này là Trường THCS Tôn Đức Thắng đến khi nghỉ hưu (2011).

Ngay khi có quyết định nghỉ hưu, bà được lãnh đạo phường Thống Nhất động viên về làm công tác tuyên giáo của Đảng ủy, ở trong tổ giúp việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và làm Chủ tịch Hội Khuyến học phường. Trong 2 năm (2014 và 2015), bà làm công tác tổ chức của Đảng ủy, ở trong tổ giúp việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Hiện bà vẫn là Chủ tịch Hội Khuyến học phường và là Chi ủy viên, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 14.

Những kinh nghiệm khi dạy học và quản lý giáo dục đã giúp ích rất nhiều cho công tác khuyến học của bà sau này. Nhờ thấu hiểu hoàn cảnh của học sinh có sự phân hóa khoảng cách giàu-nghèo nên trong công tác khuyến học, bà luôn quan tâm đến đối tượng học sinh nghèo. Bà cũng đã tuyên truyền để mọi người hiểu sự bình đẳng trong giáo dục không chỉ là các em được đến trường mà phải tạo điều kiện để các em được bình đẳng cả về cơ hội và điều kiện, tránh việc các em có hoàn cảnh khó khăn trở nên tự ti, xa lánh bạn bè. Bà cũng tuyên truyền để mọi người hiểu đúng về xã hội học tập là tất cả mọi người đều được học tập; đẩy mạnh việc học theo hướng phi chính quy.

Đồng chí Trần Thị Hồng Nguyệt-Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Thống Nhất nhận xét: Bà My là người rất nhiệt tình, tận tụy và có trách nhiệm cao trong công việc. Nhờ đó, công tác khuyến học của phường đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việc xây dựng tổ chức Hội, phát triển hội viên vượt 12% so với mặt bằng chung của thành phố. Hội đã triển khai thực hiện hoàn thành xuất sắc 5 tiêu chí lớn của Hội Khuyến học Việt Nam, tiếp tục vận động tốt quỹ khuyến học-khuyến tài, đáp ứng tốt phong trào xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều có cơ hội đến trường, góp phần thắp sáng ước mơ cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm, Hội đã trao hơn 100 suất học bổng cho các em học sinh nghèo. Khi giáo viên, học sinh của phường tham gia các cuộc thi có giải, Hội đều có quà tặng động viên kịp thời. Đặc biệt, trong năm 2017, Hội tiếp tục triển khai thí điểm mô hình “Gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập”.

Nguyễn Dung

Có thể bạn quan tâm