Đak Pơ: Phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đak Pơ hiện có 4/7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt 11-13 tiêu chí. Đây là cơ sở để huyện phấn đấu sớm trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong những năm tới.

Quả ngọt của sự nỗ lực

Khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (năm 2011), toàn huyện chỉ có 1 xã có 11 tiêu chí, 6 xã còn lại có từ 2 đến 6 tiêu chí đạt chuẩn. Song, đến hết năm 2016, Đak Pơ đã có 4 xã là Hà Tam, Tân An, Cư An và Phú An được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đak Pơ vận động bà con xã Yang Bắc làm kinh tế hộ gia đình.           Ảnh: Đức Thụy
Cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đak Pơ vận động bà con xã Yang Bắc làm kinh tế hộ gia đình. Ảnh: Đức Thụy

Đạt được kết quả trên là nhờ ngay từ đầu triển khai thực hiện, Đak Pơ đã xác định Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là đòn bẩy đưa kinh tế-xã hội của huyện phát triển theo hướng công nghiệp hóa. Từ đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020; UBND huyện ban hành kế hoạch tổng thể 2011-2020 và kế hoạch cụ thể hàng năm làm cơ sở để chỉ đạo thực hiện. Cùng với đó, huyện thành lập các tổ công tác làm nhiệm vụ rà soát, đánh giá, hướng dẫn các giải pháp thực hiện chương trình.

Đặc biệt, các địa phương tổ chức lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án vào chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với huy động nguồn lực tại chỗ; tranh thủ sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn; phát huy vai trò chủ thể của người dân để xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, phong trào “Đak Pơ chung sức xây dựng nông thôn mới” đã tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân, từ đó tình nguyện hiến đất, góp công, góp của làm tăng nguồn vốn để chủ động tổ chức đầu tư các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Từ năm 2011 đến năm 2016, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đak Pơ đạt trên 190,319 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp ngày công quy đổi thành tiền gần 7,236 tỷ đồng; đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu hơn 13 tỷ đồng; hiến 5.366,4 m2 đất xây dựng trụ sở thôn, trường mẫu giáo và trạm y tế xã.

Nguồn vốn được đầu tư trên nhiều lĩnh vực, song nổi trội hơn cả là đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Quá trình xây dựng, củng cố mạng lưới hạ tầng cơ sở điện-đường-trường-trạm, công trình công cộng theo tiêu chí nông thôn mới, vai trò chủ thể của nhân dân được khẳng định rõ ràng. Ngoài việc chung tay bảo vệ môi trường, xây mới nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà rông văn hóa, người dân xã Hà Tam, Tân An tự giám sát thi công đường giao thông, góp tiền mua máy trộn bê tông đẩy nhanh tiến độ làm đường. Đến nay, hệ thống đường giao thông từ trung tâm xã đến các thôn, làng được cứng hóa làm tăng sức lưu chuyển hàng hóa, đặt tiền đề thúc đẩy hoạt động thương mại-dịch vụ phát triển từ khu vực trung tâm huyện đến vùng nông thôn. Đến nay, 7/7 xã của huyện có điện lưới quốc gia; 80% số xã có chợ nông thôn đạt chuẩn của Bộ Xây dựng; 98% hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia. Hệ thống trường học, trạm y tế được kiên cố đạt tiêu chí nông thôn mới; 5,8% hệ thống kênh mương nội đồng kiên cố hóa…

Là vùng đất thuần nông với cơ cấu cây trồng chủ lực là mía, mì, lúa nước, rau đậu và chăn nuôi nên sản xuất nông nghiệp giữ vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện tiêu chí thu nhập bình quân đầu người và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới. Để khơi thông thế mạnh lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã tiến hành rà soát xây dựng đề án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Địa phương chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, khuyến khích người dân liên kết sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ra địa bàn tỉnh Bình Định và vùng phụ cận.

Đến nay, Đak Pơ đã xây dựng 34 cánh đồng mía lớn, quy mô 5-10 ha tại các xã: Hà Tam, An Thành, Cư An, Tân An, Phú An, Yang Bắc, tổng diện tích trên 394 ha, thu hút 361 hộ nông dân tham gia. Năng suất mía cánh đồng mẫu lớn bình quân đạt 100 tấn/ha, tăng 30 tấn/ha so với phương pháp sản xuất truyền thống. Huyện khuyến khích hộ cá thể phát triển kinh tế trang trại; nhân ươm giống các loại rau cung cấp cho người dân trong và ngoài địa bàn. Ưu tiên vốn đầu tư các mô hình cây trồng, vật nuôi  phù hợp với đặc điểm địa phương. Từ năm 2011 đến nay, Đak Pơ đã xây dựng gần 100 mô hình, một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như khảo nghiệm giống mía, giống lúa mới; nuôi hươu sao, gà sao, cá điêu hồng… được nông dân nhân rộng, góp phần định hình sản xuất nông nghiệp đa dạng theo hướng thị trường. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nhất là nâng tỷ lệ bò lai, bò thể trọng lớn so với tổng đàn để tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi. Nhờ kết quả đầu tư phát triển đồng bộ trên, đến cuối năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn huyện Đak Pơ  đạt 25,92 triệu đồng/năm.

 

Để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Đak Pơ dự kiến nguồn vốn đầu tư là 142,516 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động từ người dân và cộng đồng là 12,963 tỷ đồng; ngân sách nhà nước 123,053 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư trực tiếp của chương trình xây dựng nông thôn mới là 50,579 tỷ đồng); vốn lồng ghép 72,474 tỷ đồng; vốn tín dụng 7,5 tỷ đồng và vốn đầu tư phát triển là 47,544 tỷ đồng.

Hướng đến mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Những kết quả đạt được là nền tảng để Đak Pơ hướng đến mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, trong những năm tới, huyện sẽ tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn một cách đồng bộ. Đẩy mạnh các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng quy mô cánh đồng mía lớn, đổi mới các hình thức sản xuất. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn nông thôn với phát triển công nghiệp, dịch vụ giữ gìn bản sắc văn hóa  dân tộc, giữ vững an ninh chính trị.

Lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn, chương trình để thực hiện các tiêu chí khó (thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư) ở 3 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới; cứng hóa hệ thống giao thông nội đồng phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung đồ án quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch hàng năm. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền các chủ trương về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tiêu chí. Tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn và các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; hướng đến mục tiêu cao nhất là đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày một nâng cao.

Trước mắt, trong năm 2017 này, huyện Đak Pơ tập trung nguồn lực đầu tư, phấn đấu đưa xã An Thành đạt thêm 2 tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa và giáo dục đào tạo. Xã Yang Bắc phấn đấu đạt thêm 1 tiêu chí tổ  chức sản xuất; xã Ya Hội phấn đấu đạt 3 tiêu chí gồm: cơ sở vật chất văn hóa; nhà ở dân cư và tiêu chí hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Tổng nguồn lực đầu tư thực hiện năm 2017 dự kiến 23,097 tỷ đồng, trong đó vốn huy động cộng đồng đóng góp là 792 triệu đồng.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm