Mở lối cho hộ nghèo vươn lên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn do Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tài trợ đã và đang giúp nhiều hộ nghèo ở huyện Kông Chro có cơ hội vươn lên thoát nghèo…

Đak Pơ Pho là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Kông Chro dù có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi. Vì vậy, căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng thực tế của bà con nơi đây, Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã hỗ trợ thành lập các nhóm chung sở thích như: nuôi dê, trồng bắp… giúp nhiều hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn, phương pháp canh tác, chăn nuôi mới và biết tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

 

Cán bộ Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện Kông Chro hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ cho các hộ chăn nuôi dê, bò. Ảnh: L.H
Cán bộ Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện Kông Chro hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ cho các hộ chăn nuôi dê, bò. Ảnh: L.H

Tại thôn 2, xã Đak Pơ Pho, Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã hỗ trợ thành lập một nhóm chăn nuôi dê. Ông Nguyễn Văn Hậu-trưởng nhóm cho biết: “Nhóm nuôi dê thôn 2 có 10 hộ thành viên, trong đó có 8 hộ nghèo và cận nghèo; tất cả hộ nghèo đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ 40 triệu đồng của Quỹ CDF xoay vòng và 10 triệu đồng vốn đối ứng do thành viên trong nhóm đóng góp thêm, nhóm đã mua được 25 con dê chia cho các hộ nuôi. Đến nay, đàn dê đã tăng 7 con. Trước đây, các hộ người dân tộc thiểu số rất ít khi nuôi dê và càng không quen với tư duy chăn nuôi để đem bán lấy tiền phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế gia đình nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác rất nhiều”. Là hộ có điều kiện kinh tế tương đối khá, ông Hậu tham gia nhóm vừa để giúp việc quản lý, điều hành nhóm thuận lợi, vừa để làm mẫu, hỗ trợ cho các hộ thành viên. “Có dê nuôi, các hộ rất phấn khởi. Bà con chủ động làm chuồng trại nuôi nhốt chắc chắn chứ không thả rông như tập quán lâu nay.

Nhờ thế, đàn dê phát triển ổn định. Hơn nữa, Đak Pơ Pho có nhiều đồi núi, phụ phẩm từ trồng trọt phong phú nên nguồn thức ăn tự nhiên cho dê rất dồi dào. Dê là loại động vật dễ nuôi, sinh trưởng và phát triển nhanh, rất phù hợp với điều kiện kinh tế của bà con, có cơ hội nhân rộng trong tương lai. Hầu hết hộ thành viên đều có nhu cầu muốn tiếp tục tham gia dự án. Đây thực sự là mô hình phù hợp, đem lại cơ hội thoát nghèo cho các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số”-ông Hậu cho biết thêm.

Kông Chro là một trong 5 huyện trên địa bàn tỉnh tham gia Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn do IFAD tài trợ. Theo ông Trần Khương Vũ-Phó ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện Kông Chro: Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn huyện Kông Chro được thực hiện tại 33 thôn, làng của 5 xã gồm: Đak Pơ Pho, Chư Krey, Đak Tơ Pang, Sró và Đak Pling với các nhóm chung sở thích: nuôi bò lai, heo, dê, gà, trồng bắp, mì và chanh dây. Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện đã phát triển được thêm 62 nhóm chung sở thích, nâng số nhóm chung sở thích toàn huyện lên 162 nhóm với 1.282 thành viên; trong đó, hộ nghèo và cận nghèo là 1.005 hộ; có 1.178 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Vũ chia sẻ thêm, chăn nuôi bò, dê hay trồng mì, bắp… vốn không xa lạ với bà con nông dân Kông Chro. Tuy nhiên, do tập quán chăn nuôi, canh tác còn lạc hậu, lại không có vốn để mở rộng sản xuất nên dù sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi nhưng nhiều hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thoát nghèo. “Tham gia dự án, ngoài việc được hỗ trợ kỹ thuật, được lựa chọn cây-con giống để trồng và chăn nuôi, người dân còn được hỗ trợ vốn, các kỹ năng tìm kiếm thị trường, giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, người nông dân từng bước biết điều tiết sản xuất-tiêu thụ, nắm bắt và chọn lọc đơn vị thu mua đầu ra để có lợi nhất. Đây chính là những điều người nghèo tại Kông Chro còn thiếu trong quá trình sản xuất. Hơn nữa, tham gia sản xuất nhóm, các hộ còn có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và cộng đồng trách nhiệm với nhau, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ những hạt nhân là các nhóm chung sở thích, chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra được sức lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng dân cư”-ông Vũ nhấn mạnh.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm