Họa sĩ già bên phố nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày áp Tết, mỗi lần ngang qua đường Trần Hưng Đạo (TP. Pleiku), đoạn gần trụ sở Hội Văn học-Nghệ thuật, tôi lại thấy người họa sĩ già khi thì thư thái ngắm phố phường, trời mây, lúc lại cặm cụi với giấy, với tranh và chuyện trò thân tình với khách đến xem tranh, mua câu đối. Ông là họa sĩ Bạch Ngọc, Xuân này tuổi đã 80.

  Họa sĩ Bạch Ngọc (bên phải) đang trao bức thư pháp chữ Thọ cho khách. Ảnh: T.N
Họa sĩ Bạch Ngọc (bên phải) đang trao bức thư pháp chữ Thọ cho khách. Ảnh: T.N

Với những người làm văn học-nghệ thuật Gia Lai thì từ lâu, họa sĩ Bạch Ngọc đã được nhắc đến trong niềm thương quý-thương một người cuộc đời có nhiều vất vả và quý một người, dẫu tuổi cao, sức cạn nhưng vẫn luôn say mê với nghề, vẫn muốn sống được bằng nghề. Trong các cuộc gặp gỡ của giới văn nghệ sĩ hàng năm, những câu chuyện về ông, với ông vẫn thường diễn ra khá rôm rả. Anh em bạn bè vẫn thường tìm đến ông mà chuyện vãn về nghề, về đời. Thậm chí, ông đã trở thành nguyên mẫu, là “nhân vật lý tưởng” trong hàng loạt các truyện ngắn, tạp bút của tác giả Chử Anh Đào như: Lão Bạch, Học trò U80, Người bán hàng Tết, Lòng tốt… “Ông là người sống tốt với bạn bè và rất đam mê với hội họa, cho dù những sáng tác của ông còn có những hạn chế nhất định. Khoảng 5 năm trở lại đây, vào những ngày áp Tết, ông chọn cách ra phố ngồi bán tranh, bán câu đối, thư pháp. Bạn bè, người quen ai thương thì mua giúp. Đó là một cách kiếm sống chính đáng, phù hợp với ông”-nhà văn Chử Anh Đào chia sẻ.

Quả đúng như những lời nhà văn Chử Anh Đào nói, những tác phẩm của họa sĩ Bạch Ngọc không đủ khiến người xem phải trầm trồ khen ngợi nhưng cũng đủ chạm được đến tâm hồn của người yêu tranh. Cùng tôi ngồi xem những tác phẩm mà họa sĩ tuổi 80 này đang trưng bên góc phố, họa sĩ Nguyễn Văn Chung tươi cười: “Bác Bạch Ngọc thường vẽ tranh phong cảnh, hoa, tĩnh vật trên chất liệu thạch cao, màu sắc hài hòa, đường nét sắc sảo. Tranh của bác giàu tình yêu người, yêu đời, đem đến cho người xem sự yên bình, tĩnh tại”. Còn nói như anh Nguyễn Văn Thuận (thôn Thanh Bình, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) thì: “Mấy năm nay, hầu như năm nào tôi cũng ghé chỗ bán tranh này của ông để mua, năm ngoái là đôi câu đối, năm nay là bức thư pháp có chữ Thọ, đem về treo Tết cho vui”.

Giữa tiết trời se lạnh, ngồi bên góc phố nhỏ, vừa nhìn ngắm phố phường đang ngời lên sức Xuân, vừa nghe ông rỉ rả chuyện trò về nhân tình thế thái, tôi thấy lòng thư thái lạ. Hướng mắt nhìn sang những chậu mai vàng tươi sắc nắng được bày bán khá nhiều ngay bên phố, tôi buột miệng đọc đôi câu đối đã thuộc nằm lòng: “Đêm Ba mươi, đếm tờ lịch, ba mươi tờ buồn xa tháng cũ. Sáng mồng Một, ngắm cành mai, đơn một cánh vui đón năm mới”. Nhìn tôi, người họa sĩ già nhoẻn miệng cười-cái cười ấm và tươi màu nắng.

Tuệ Nguyên

Có thể bạn quan tâm