Gia Lai: Nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng để nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật, nhất là các văn bản pháp luật mới ban hành. Đây cũng là cơ sở giúp người dân nâng cao khả năng tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Gia Lai là tỉnh có địa bàn rộng với trên 45% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn nên việc tiếp cận kiến thức pháp luật vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác đưa kiến thức pháp luật đến với người dân, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.

 

Tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc ở các buôn làng tham gia phòng-chống cháy rừng trong tháng cao điểm mùa khô.
Tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc ở các buôn làng tham gia phòng-chống cháy rừng trong tháng cao điểm mùa khô.

Theo bà Lê Thị Ngọc Lam-Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, để pháp luật đi vào đời sống, thời gian qua, Hội đồng đã thông qua các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai phổ biến, thông tin kịp thời những nội dung trọng tâm, nhất là các văn bản pháp luật mới ban hành. Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức như: tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật; biên soạn, cung cấp miễn phí sách, tài liệu, tờ gấp pháp luật; tổ chức các đợt phổ biến, tư vấn pháp luật lưu động; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh ở cơ sở, pa-nô, áp-phích, băng rôn, biểu ngữ; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, đơn vị; tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật; thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan, đơn vị; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở…
 

Năm 2016, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 43.483 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với 1.065.094 lượt người tham dự; tổ chức 279 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 60.234 lượt người tham dự; cấp phát 183.199 tài liệu tuyên truyền các loại (trong đó có 17.856 tài liệu tiếng dân tộc thiểu số); phát sóng 13.990 bản tin, bài, phóng sự, chuyên mục trên sóng truyền thanh cấp xã; đăng tải 8.793 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Nhiều cơ quan, ban ngành có cách làm hay, thiết thực gắn liền với đời sống sinh hoạt cộng đồng. Cụ thể như năm 2016, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội thi “Nhà nông đua tài lần thứ III”, “Nông dân với công nghệ thông tin”, “Chủ tịch cơ sở giỏi lần thứ III”; “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về bảo vệ tài nguyên-môi trường”; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật về biên giới quốc gia”; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên”; Tỉnh Đoàn tổ chức sân chơi “Ngày hội cử tri trẻ”; Công an tỉnh phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, tội phạm hình sự, ma túy...

Tuy nhiên trong thực tế, việc triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn những khó khăn nhất định. Trong đó, một số đề án góp phần đưa pháp luật vào đời sống phải tạm dừng hoặc có duy trì nhưng không đạt hiệu quả như: Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2013 đến năm 2016; Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn. Nguyên nhân theo bà Lê Thị Ngọc Lam là do thiếu kinh phí; đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật tuy được đào tạo cơ bản về chuyên môn nhưng đa phần còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa được bồi dưỡng nhiều về kỹ năng, nghiệp vụ. Trong khi đó, hệ thống pháp luật đồ sộ, đa lĩnh vực, đội ngũ này kiêm nhiệm nên chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hơn nữa, “dân tộc Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ cao nhưng khả năng nói hiểu tiếng Jrai, Bahnar của đa phần người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế, một bộ phận người dân lại không biết tiếng phổ thông, do đó khả năng truyền đạt và tiếp nhận thông tin cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ dân trí của người dân nhìn chung còn thấp, người dân chưa tích cực chủ động tìm hiểu pháp luật, tự trang bị kiến thức pháp luật cho bản thân; một bộ phận người dân có hiểu biết pháp luật nhưng cố tình lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để có lợi cho bản thân”-bà Lam cho biết.

Trước thực trạng này, trong thời gian tới, để nâng cao nhận thức pháp luật cần có sự nỗ lực của nhiều cơ quan, ban, ngành và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp. “Văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành cần được phổ biến đến tổ chức, cá nhân thông qua các kênh như: đăng tải trên website của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền với hình thức phù hợp…”-bà Lam đề xuất.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm