Plinh và chuyến "đi tắt đón đầu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thường thì với một việc gì đó, khi đã tính toán rõ đường đi nước bước, dự lường trước kết quả, người ta mới dám đi tắt đón đầu. Riêng với anh chàng người Bahnar-Plinh (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang), đó lại là sự tình cờ.

Sinh ra và lớn lên tại làng Đak Trang (xã Kon Thụp), cuộc sống xung quanh Plinh diễn ra đều đặn và lặp lại mỗi ngày với hình ảnh bố mẹ, người thân, người làng hoặc trồng lúa, trồng mì, hoặc đi làm thuê làm mướn. Vậy nên, nghỉ học sớm, Plinh cũng ở nhà làm nông phụ giúp gia đình. Bấy giờ, những năm 1998-1999, thanh niên người dân tộc thiểu số ở những làng nghèo, vùng sâu, vùng xa hầu hết đều chọn cuộc sống an phận như vậy. Nhưng khao khát vươn lên vẫn âm thầm nung nấu trong lòng cậu trai trẻ 17 tuổi. Song vươn lên bằng cách nào khi cả nhà chỉ mong không đói mùa giáp hạt thôi đã là điều xa xỉ?

 

Anh Pling chăm sóc vườn tiêu của gia đình. Ảnh: H.D
Anh Pling chăm sóc vườn tiêu của gia đình. Ảnh: H.D

Một lần, Plinh nghe người ta nói chuyện với nhau về việc trồng hồ tiêu thu được nhiều tiền, có nhiều người đã giàu lên nhờ hồ tiêu. Lại thấy trước đó trong làng có vài người Kinh từ huyện Chư Sê qua thuê đất trồng hồ tiêu. Plinh quyết luôn: “Mình sẽ trồng hồ tiêu”. Quyết là làm. Plinh suy nghĩ nhiều lắm, rằng mình lấy đâu ra giống để trồng bây giờ? Cứ nhiều ngày suy nghĩ như thế, rồi anh xin vào chăm sóc thuê cho vườn hồ tiêu của một người Kinh ở trong làng.

Làm thuê, nhưng Plinh yêu cầu chủ không trả công bằng tiền mà bằng dây hồ tiêu giống. Ngày công lúc đó là 20.000 đồng/ngày, một dây hồ tiêu giá 5.000 đồng. Vậy là làm 1 ngày, Plinh có được 4 dây hồ tiêu. Năng nhặt chặt bị, năm 2002, vườn nhà Plinh đã có 100 trụ hồ tiêu đầu tiên. Khỏi cần nói cũng biết niềm hạnh phúc của cậu trai Bahnar này lớn tới mức nào. Đó không chỉ là niềm vui, mà còn là đốm lửa nhen lên khát vọng đổi đời một cách mạnh mẽ, điều mà trước kia Plinh chỉ biết âm thầm nuôi dưỡng trong lòng.

 

KINH NGHIỆM KHỞI NGHIỆP CỦA PLINH:

* Xác định được hướng đi và quyết tâm thực hiện.
* Biết học hỏi những người xung quanh.
* Biết áp dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất.

Một năm sau, từ 100 trụ hồ tiêu đầu tiên, Plinh cắt giống và trồng thêm 200 trụ nữa. Tới năm 2004, khi phong trào trồng cao su tiểu điền đang phát triển, được xã vận động, anh vay ngân hàng 11 triệu đồng để trồng thêm 550 cây cao su tiểu điền. Những năm tiếp theo, cứ trung bình khoảng 2-3 năm, anh lại trồng thêm khoảng 300 trụ hồ tiêu. Đến năm 2009, Plinh trồng thêm 400 cây cà phê. Miệt mài, chăm chỉ và kiên nhẫn, ham học hỏi, biết vận dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật từ những lớp tập huấn do xã tổ chức, từ việc nuôi trồng nhỏ lẻ, Plinh dần dần tích lũy vốn và kinh nghiệm, mở rộng diện tích đất trồng, xây dựng một trang trại khá quy mô với 5 ha đất trồng cây công nghiệp, trong đó có 600 cây cà phê; 1.000 trụ hồ tiêu; 1,6 ha cao su và 8 sào trồng lúa. Thu nhập của gia đình hàng năm đạt 200 triệu đồng.

“Khó khăn nhiều chứ, nhất là những năm đầu. Chưa có giếng khoan, giếng đào thì cạn, tới khoảng tháng 12, tháng 1 là hết nước, không có nước tưới. Mình cũng không có tiền để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cứ bỏ công ra chăm sóc thôi. Cao su trồng hơn chục năm, mới thu được 1-2 mùa thì giá xuống quá thấp, chỉ thu được 20-30 triệu đồng, không đủ công chăm sóc bỏ ra. Nhưng mình cũng đã cố gắng hết sức rồi”-Plinh chỉ nói bấy nhiêu rồi cười nhẹ.

Hiện Plinh đã có nhà cửa khang trang, có xe máy, xe công nông, xe máy cày nhỏ và 1 ô tô con. Ngoài ra, gia đình còn nuôi thêm heo, gà phục vụ nhu cầu gia đình. Ngoài ra, anh còn tạo điều kiện cho 2 thanh niên tại làng có việc làm thương xuyên và 15 thanh niên có việc làm theo vụ mùa. Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên giúp đỡ thanh niên trong làng về kỹ thuật trồng cây, cho mượn vốn làm ăn, phát triển kinh tế. Năm 2014, Plinh vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn, và nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất giỏi của xã.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm