Những công nhân vượt khó làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, giá mủ cao su xuống thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của công nhân các công ty cao su trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhiều công nhân người dân tộc thiểu số vẫn nỗ lực vượt khó để làm giàu bằng việc phát triển kinh tế vườn với nhiều cách làm hay và hiệu quả.

  Chị Siu Một là điển hình vượt khó làm giàu trong công nhân. Ảnh: H.Đ.T
Chị Siu Một là điển hình vượt khó làm giàu trong công nhân. Ảnh: H.Đ.T

Nhìn ngôi nhà khang trang rộng hơn 100 m2 mà anh Siu Ơn (công nhân Đội sản xuất số 19, Nông trường Cao su Đoàn Kết, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông) xây cách đây 3 năm trị giá hơn 300 triệu đồng, ai cũng trầm trồ khen đẹp. Siu Ơn cho biết, đó là kết quả tích lũy của những năm tháng làm công nhân cao su và phát triển kinh tế gia đình.

Năm 1998, Siu Ơn xin vào làm công nhân của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông. Lúc đầu, anh được giao nhiệm vụ chăm sóc, kiến thiết cơ bản vườn cây. Đến năm 2005, anh chuyển qua làm công nhân cạo mủ. Anh luôn tự ý thức trách nhiệm của mình, thường xuyên trao đổi, rèn luyện nâng cao tay nghề, khai thác đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt và đúng quy trình vườn cây giao khoán. Nhờ vậy, sản lượng giao khoán vườn cây khai thác của anh năm nào cũng vượt chỉ tiêu. Anh Trịnh Đình Năm-Đội trưởng Đội sản xuất số 19 cho biết: Siu Ơn là công nhân vượt sản lượng cao nhất đội. Ngoài ra, anh còn là tổ trưởng khai thác năng nổ và trách nhiệm với công việc nên sản lượng của tổ Siu Ơn lúc nào cũng cao nhất nông trường.

Không chỉ là một công nhân sản xuất giỏi, Siu Ơn còn đi đầu trong việc phát triển kinh tế gia đình. Tận dụng lợi thế đất đai sẵn có, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng cao su, cà phê, tiêu và chăn nuôi bò. Hiện nay, anh có 2 ha cao su đã cho thu hoạch, 300 trụ tiêu, 1.200 cây cà phê và 20 con bò. Siu Ơn cho biết, mỗi năm, trừ chi phí, anh thu nhập từ kinh tế gia đình hơn 300 triệu đồng. Từ nguồn thu này, anh tiếp tục tái đầu tư và phát triển thêm diện tích canh tác, lo cho con ăn học và mua sắm các vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình.

Giống như anh Siu Ơn, chị Siu Một (công nhân khai thác mủ của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah) cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, chị còn tích cực chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi ngoài giờ khai thác mủ, chị tập trung chăm sóc 800 cây cà phê, 400 trụ tiêu, gần 1 ha điều của gia đình. Hiện nay, vườn cây của gia đình chị cho thu nhập mỗi năm 250-300 triệu đồng. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, cộng với tiền lương công nhân, gia đình chị đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang và sắm sửa được nhiều tiện nghi sinh hoạt có giá trị.

Sinh ra và lớn lên ở làng Hnap (xã Kdang, huyện Đak Đoa), năm 2004, anh Nghinh xin vào làm công nhân cao su của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang. Nhờ chịu khó học hỏi và rèn luyện nên năm nào, sản lượng giao khoán vườn cây khai thác của anh cũng vượt chỉ tiêu. Đặc biệt, anh là một trong những công nhân đồng bào dân tộc thiểu số của nông trường tiên phong trong việc phát triển kinh tế gia đình. Gần 10 năm trước, anh đã đầu tư trồng cao su, cà phê và phát triển chăn nuôi. Thời gian gần đây, anh còn đầu tư trồng thêm cây chanh dây. Từ kinh tế vườn, mỗi năm, anh thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Sẽ không thể kể hết những tấm gương công nhân người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã vươn lên làm giàu nhờ phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên có thể thấy, điểm giống nhau giưa họ là sau những giờ lao động trên vườn cạo trở về nhà, mỗi người đều nỗ lực lao động để quyết tâm khuất phục đói nghèo, tăng thu nhập cho gia đình. Họ chính là những tấm gương sáng ở các công ty cao su trên địa bàn tỉnh.

 Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm