Gia Lai: Nhiều nông dân đổi đời nhờ Dự án IFAD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện từ năm 2011, tại 26 xã của 5 huyện: Đak Đoa, Kbang, Kông Chro, Ia Pa và Krông Pa, đến nay, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã giúp bộ mặt nông thôn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh được hưởng lợi từng bước đổi thay; nhiều hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số đã biết áp dụng phương thức sản xuất mới vào thực tiễn.

Những cách làm hay

Với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (IFAD) được thực hiện tại 231 thôn, làng ở 26 xã của 5 huyện: Đak Đoa, Kbang, Kông Chro, Ia Pa và Krông Pa với kinh phí 287,1 tỷ đồng. Các hợp phần của dự án gồm: tăng cường năng lực thể chế để thực hiện Nghị quyết Tam nông; phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo; xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội có sự tham gia theo định hướng thị trường. Mỗi hợp phần lại có nhiều tiểu hợp phần khác nhau.

 

  Đưa giống bắp mới vào sản xuất đại trà.       Ảnh: Đức Thụy
Đưa giống bắp mới vào sản xuất đại trà. Ảnh: Đức Thụy
Ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Chỉ đạo dự án tỉnh: Dự án IFAD thực hiện tại các địa phương rất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân được hưởng lợi, giúp nâng cao năng lực, trình độ sản xuất của người dân trong phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao ý thức sử dụng, quản lý nguồn vốn, sản xuất theo thị trường… nhất là giải quyết đầu vào, đầu ra sản phẩm nông nghiệp ổn định cho người dân. Trong thời gian còn lại của dự án, các sở, ngành tham gia cùng các địa phương tiếp tục tổ chức các hội thảo bàn giao những sản phẩm, phương pháp sản xuất hiệu quả, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch áp dụng vào các chương trình của tỉnh, như chương trình xây dựng nông thôn mới và nhân rộng các mô hình đã thử nghiệm thành công…

Theo Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh, sau hơn 5 năm thực hiện, dự án đã mang lại những kết quả rất tốt, được người dân các địa phương hưởng lợi nhiệt tình tham gia. Đến nay đã có 21.554 hộ gia đình được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, đạt 101,8% mục tiêu đề ra, trong đó có 8.811 hộ nghèo (đạt 167,8%); 12.743 hộ cận nghèo và khó khăn (đạt 79,3%). Một trong những kết quả thiết thực được các địa phương đánh giá cao là có 12/26 xã vùng dự án đạt trên 50% tiêu chí nông thôn mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh. Nhiều cách làm mới như: thành lập các nhóm chung sở thích mua chung bán chung các sản phẩm nông nghiệp từ đầu vào đến đầu ra; tổ chức các hội thảo liên kết ngành hàng giữa nông dân với doanh nghiệp… Đặc biệt, dự án đã xác định được 5 chuỗi giá trị chính ở các địa phương gồm chuỗi bò (Krông Pa), mì (Ia Pa), bắp (Kông Chro), mía (Kbang) và cà phê (Đak Đoa), chưa kể các chuỗi ngắn ngày khác được người dân đánh giá cao.

Ông Đinh Hơi (làng Vẻh, xã Chư Krey, huyện Kông Chro) phấn khởi nói: “Nhóm trồng bắp lai của chúng tôi có 12 hộ tham gia. Các thành viên trong nhóm được dự án hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bắp và một số cây trồng, vật nuôi khác. Điểm khác biệt so với trước đây là cả nhóm được mua chung các sản phẩm vật tư nông nghiệp đầu vào, đến khi thu hoạch bắp được doanh nghiệp thu mua bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra, nhờ đó, giảm áp lực bị tư thương ép giá. Đây là cách làm rất hay giúp bà con không còn nợ hàng quán trong làng vào mỗi vụ sản xuất. Hiện nay, một số bà con trong làng rất thích hoạt động theo mô hình phát triển kinh tế mới này để có nguồn thu nhập ổn định.

Hiệu quả thiết thực

 

  Đường vào khu sản xuất làng Vẻh (xã Chư Krey, huyện Kông Chro) do Dự án IFAD tài trợ. Ảnh: N.D
Đường vào khu sản xuất làng Vẻh (xã Chư Krey, huyện Kông Chro) do Dự án IFAD tài trợ. Ảnh: N.D

Theo ông Lê Viết Phẩm-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa, Dự án IFAD có những cách làm hay và hiệu quả. Các hợp phần và tiểu hợp phần rất thiết thực và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, nhất là các nhóm chung sở thích. Mối quan hệ nông dân dạy nông dân rất tốt. Sau khi dự án kết thúc, huyện sẽ bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp theo các mô hình của dự án IFAD đang hoạt động hiện nay để nhân rộng sang tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn.

Còn ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá: Dự án IFAD được các địa phương thụ hưởng thực hiện rất hiệu quả khi xác định được các chuỗi giá trị chủ lực của địa phương mình. Các xã lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng thị trường có sự tham gia của cộng đồng; hình thành các tổ nhóm sản xuất xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần rất lớn vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại các địa phương.

 Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm