Gia Lai: Chuyển biến trong công tác bình đẳng giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 2007 đến nay, Luật Bình đẳng giới đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự thành công của Chiến lược quốc gia “Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam”. Trong quá trình đưa Luật vào cuộc sống, Gia Lai đã có những chuyển biến tích cực.

  Phụ nữ vùng sâu được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Ảnh. H.T
Phụ nữ vùng sâu được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Ảnh. H.T

Phát biểu tại lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới (15-11 đến 15-12), bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, cho biết: Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2011-2015 có 7 mục tiêu và 22 chỉ tiêu cụ thể. Những năm qua, công tác bình đẳng giới đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo; cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện. Nhờ đó, các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới của tỉnh được Trung ương đánh giá cao, nằm trong tốp đầu của cả nước. Toàn tỉnh có 9 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, ở mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo tham gia các cấp ủy Đảng, nữ lãnh đạo UBND các cấp đều đạt và vượt chỉ tiêu. Đối với mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, các chỉ tiêu giải quyết việc làm cho lao động nữ, đào tạo nghề, phụ nữ nông thôn nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm đạt cao. Hàng năm, tỷ lệ lao động nữ trong tổng số người được tạo việc làm mới của tỉnh đạt trên 54%; tỷ lệ phụ nữ được vay vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, việc làm tăng từ 67% (năm 2011) lên 83% (năm 2015), vượt 2% so với chỉ tiêu kế hoạch; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị đối với lao động nữ giảm xuống còn dưới 3,4%; tỷ lệ lao động nữ trong tổng số lao động được đào tạo tăng từ 30% lên 33%, trong đó đào tạo nghề tăng từ 26% lên 28%.

Các mục tiêu về bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác bình đẳng giới vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, một số chỉ tiêu đạt chưa cao.

 

Hiện tỉnh ta có 1 cán bộ nữ là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 21 cán bộ nữ là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy; 99 cán bộ nữ là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã, phường, thị trấn. Số nữ đại biểu Quốc hội là 2/7 đại biểu; nữ đại biểu HĐND tỉnh là 23 người (chiếm 28,75%), cấp huyện là 167 người (chiếm 27,5%), cấp xã là 1.595 người (chiếm 26,65%). Riêng tỷ lệ nữ giữ chức vụ trưởng, phó phòng thuộc các sở, ngành cấp tỉnh và huyện chiếm 34,1%.

Để thực hiện thắng lợi 7 mục tiêu, 22 chỉ tiêu về kế hoạch hành động bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, ngày 7-10-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 742. Theo đó, 7 mục tiêu được thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp đã được tỉnh ta chú trọng. Đó là  tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị với giải pháp thực hiện là đề xuất những chính sách cán bộ, công chức, viên chức nữ trong xây dựng quy hoạch cán bộ thực hiện lồng ghép giới vào chỉ tiêu đào tạo, tuyển dụng, cơ cấu, đề bạt cán bộ lãnh đạo. Bên cạnh đó, chú trọng việc giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động, tập trung vào chính sách đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến ngư để thu hút học viên nữ tạo tiền đề để giúp phụ nữ làm giàu...

Trao đổi với P.V xung quanh việc thực hiện các giải pháp, bà Trần Thị Hoài Thanh khẳng định: “Tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm từng bước bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội tham gia và thụ hưởng bình đẳng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, từng bước xóa bỏ bạo lực gia đình. Từ những kết quả đạt được, tỉnh sẽ tập trung khắc phục những hạn chế để tiếp tục phát huy những mặt mạnh tăng cường vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội; phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới, huy động các nguồn lực để hỗ trợ nạn nhân của bạo lực, phụ nữ và trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn.... Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn các vụ bạo lực gia đình, tổ chức điều tra xử lý nghiêm minh đối với các vụ việc liên quan đến buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, các vụ bạo lực, bạo hành, quấy rối tình dục, hiếm dâm phụ nữ, trẻ em gái...”.

Hà Tây

Có thể bạn quan tâm