Dân làng Bờ quyết tâm giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làng Bờ (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) nằm chon von trên một quả đồi lớn. Là Ngày hội đại đoàn kết dân tộc nên ngay từ sáng sớm, tiếng cồng chiêng đã nhịp nhàng rộn rã. Ngay giữa làng, nhà rông văn hóa còn thơm mùi gỗ mới. Bên trong nhà rông, hàng chục ghè rượu đặt nối tiếp nhau. Mùi hương rượu bo bo đặc trưng thơm lừng tỏa khắp không gian rộng lớn. “Hôm nay là ngày đặc biệt, làng làm rượu ghè bằng hạt bo bo đãi khách. Đây là loại rượu quý của bà con Bahnar đấy”-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Bờ-ông Đinh Văn Đêm bày tỏ.

Tặng gạo cho hộ khó khăn ở làng Bờ. Ảnh: L.H
Tặng gạo cho hộ khó khăn ở làng Bờ. Ảnh: L.H

Vì là làng thuần nông nên đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Theo thống kê, cây mía chiếm diện tích nhiều nhất với 117 ha, tiếp đến là mì (32 ha), bắp (11 ha), lúa (4,3 ha)… Tổng đàn gia súc 205 con, chủ yếu là bò, dê, heo, trâu… “Làng có 62/64 hộ xây dựng được nhà kiên cố và bán kiên cố, 100% hộ sử dụng điện thắp sáng. Phấn khởi nhất là bà con trong làng đã tham gia thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn với 27 hộ đăng ký tổng diện tích 58,744 ha mía. Đến nay, thủ tục thành lập tổ hợp tác thực hiện mô hình cánh đồng lớn làng Bờ đã hoàn tất”-ông Đinh Văn Đêm phấn khởi nói.
 

Làng Bờ có 64 hộ với 248 nhân khẩu, trong đó người Bahnar chiếm 95%. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của làng đạt 14 triệu đồng, là làng có mức bình quân thu nhập cao thứ hai của xã Kông Lơng Khơng.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn là bước đột phá trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, ở các làng Bahnar, đây vẫn còn là mô hình mới mẻ. Làng Bờ là một trong những nơi tiên phong ở Kbang hưởng ứng chủ trương nhân rộng mô hình cánh đồng mía mẫu lớn. Điều đó cho thấy ý chí vươn lên, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu của người dân làng Bờ.

Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, người dân làng Bờ còn đoàn kết, chung tay xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục con em trong làng chăm lo học tập, biết đùm bọc, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn của cuộc sống. Chị Đinh Thị Blem được hỗ trợ xây nhà “Đại đoàn kết” từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” cho biết: “Nhà cũ xuống cấp, mưa gió dột tứ tung. Nay có nhà mới vững chãi, kiên cố, vợ chồng mình vui không gì bằng. Đây là động lực để vợ chồng mình phấn đấu làm ăn tốt hơn, để không phụ tấm lòng và sự quan tâm của mọi người”. Trong các năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, nhiều hoàn cảnh khó khăn ở làng Bờ cũng nhận được sự chia sẻ giúp đỡ kịp thời. “Làng Bờ thường bị thiếu nước sinh hoạt mỗi mùa khô hạn. Bởi vậy, mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tặng một bình chứa 3.000 lít; 38 hộ gia đình phụ nữ nghèo, khó khăn được nhận quà cứu trợ hạn hán; 61 hộ được cấp phát muối miễn phí… Những việc làm này giúp dân làng có thêm động lực để vươn lên”-ông Đêm cho biết thêm. Từ năm 2001 đến nay, làng Bờ luôn giữ vững danh hiệu làng văn hóa. An ninh chính trị ổn định là điều kiện quan trọng nhất để bà con chuyên tâm chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng thôn làng ngày càng phát triển.

Để tạo động lực cho bà con phát triển sản xuất, chính quyền địa phương đã mở các lớp tập huấn khuyến nông, dạy nghề ngắn hạn. Việc tuyên truyền, phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng được đẩy mạnh. Nhiều người đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải thiện thu nhập.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm