Đổi thay ở làng Krêl

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đa số người dân của làng Krêl (xã  Ia Krêl, huyện Đức Cơ, Gia Lai) là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng bằng tình đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất  nên tỷ lệ hộ nghèo trong làng ngày càng giảm. Phong trào hiến đất làm đường, đóng góp tiền để lắp đèn chiếu sáng trên các trục đường đã tạo nên diện mạo của nông thôn mới nơi ngôi làng này.

Làng Krêl hiện có 92 hộ với 382 khẩu, trong đó dân tộc Jrai chiếm hơn 57%. Già làng Rơchâm Bôm vui vẻ kể về sự chuyển mình của làng sau mấy năm tham gia xây dựng nông thôn mới: “Từ khi xã phát động xây dựng nông thôn mới, bà con trong làng tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện. Bằng sự phát huy nội lực, bà con đã làm thay đổi diện mạo của làng. Bà con không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà đã có ý thức tự vươn lên, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, giúp nhiều hộ thoát nghèo, một số hộ đã giàu lên”.

Cũng theo lời già làng: “So với nhiều nơi khác, bà con trong làng chưa giàu, nhưng khi chính quyền cần họ đã tự nguyện hiến đất và đóng góp công sức xây dựng đường giao thông nông thôn, góp tiền lắp đặt đèn đường chiếu sáng, đóng góp 170 triệu đồng làm nhà văn hóa và hàng ngàn ngày công làm các công trình phúc lợi. Đường đẹp, sáng, giờ đi lại thuận tiện, an toàn, phấn khởi lắm”.
 

Đường về làng Krêl.     Ảnh: V.H
Đường về làng Krêl. Ảnh: V.H

Theo thống kê, hiện nay làng Krêl có trên 90% hộ thu nhập trên 40 triệu đồng/năm. Đây là con số khá ấn tượng. Như muốn chứng minh cho số liệu ấy, ông Nguyễn Tiến Sơn-Bí thư chi bộ làng khẳng định: Đa số gia đình trong làng có người làm công nhân ở các đội của Chi nhánh Công ty 75 (Binh đoàn 15). Ông đưa chúng tôi đến thăm gia đình Ksor Khên-một trong những người sản xuất-kinh doanh giỏi của làng. Với 7 ha vườn, mỗi năm trừ chi phí gia đình anh Khên còn thu nhập trên 100 triệu đồng.

Anh Khên cho biết: “Nhà mình có nhiều đất nhưng trước đây không biết tận dụng nên vẫn cứ nghèo. Từ khi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, mình cùng với dân làng làm theo và đã thành công. Hiện mình có hơn 2 ha cà phê đang thu hoạch cùng với mấy ha điều. Đến nay, bà con trong làng đều chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, giúp đỡ nhau để phát triển sản xuất nên đời sống ngày càng nâng cao”.  

Bên cạnh việc giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, phong trào khuyến học cũng là một trong những nét nổi bật ở ngôi làng này. Hiện nay, làng có 3 em đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng, 15 em học cấp III; trong làng không có học sinh bỏ học. Ông Nguyễn Tiến Sơn cho biết: Bà con trong làng bây giờ tiến bộ rồi, các hủ tục được xóa bỏ, còn những phong tục tốt đẹp của các dân tộc vẫn được duy trì, như lễ hội cồng chiêng, ăn Tết chung. Hiện nay, làng vẫn duy trì hoạt động của hai đội cồng chiêng. Làng còn có Hội tự quản gồm già làng, những người có uy tín đứng ra giải quyết việc chung của làng, hòa giải các mâu thuẫn; chuyện nào liên quan đến pháp luật thì mới đưa ra chính quyền. Từ đầu năm đến nay, làng đã thực hiện thành công 4 vụ hòa giải. Mới đây nhất, Mặt trận và các đoàn thể trong làng đã tiến hành hòa giải khi đàn bò của người dân trong làng sang làng Ngo Rông ăn lúa và bị bắt. Số tiền mà người dân làng Ngo Rông đòi bắt đền là gần 20 triệu đồng. Sau khi tích cực vận động, người dân 2 làng đã bắt tay đoàn kết và chỉ bồi thường một ít thiệt hại.

Chia tay làng Krêl, tôi vẫn ấn tượng với câu nói của già làng Rơchâm Bôm: Làng sẽ mãi nghèo nếu như người dân không thay đổi tập quán canh tác, không áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó là tinh thần đoàn kết vì cộng đồng, giúp đỡ nhau trong khó khăn và điều quan trọng là giữ vững lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền; tích cực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, không bao giờ nghe lời kẻ xấu xúi giục.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm