Cần tạo sinh kế cho bệnh nhân phong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương có tỷ lệ bệnh nhân phong cao so với các tỉnh thành khác trong cả nước. Việc giúp đỡ, chăm sóc y tế đối với bệnh nhân phong luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, ngoài chăm sóc về mặt y tế, việc tạo sinh kế để bệnh nhân phong-đặc biệt là bệnh nhân phong khuyết tật-có thể hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống là một vấn đề cần tính đến.

  Đào tạo nghề phù hợp giúp phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.    Ảnh: N.N
Đào tạo nghề phù hợp giúp phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ảnh: N.N

Cuối tháng 8 và đầu tháng 9-2016, Thạc sĩ Đỗ Thị Huyền-Hội Người khuyết tật Hà Nội, Trưởng nhóm nghiên cứu “Phục hồi chức năng hòa nhập cho người khuyết tật (NKT) do phong và NKT do những nguyên nhân khác tại tỉnh Gia Lai” cùng với các cộng sự đã tiến hành một cuộc khảo sát tại địa bàn 2 huyện Phú Thiện và Đak Đoa tỉnh Gia Lai. Cuộc khảo sát được tài trợ bởi Hiệp hội Cứu trợ Bệnh phong Hà Lan, tiến hành trên 212 đối tượng bao gồm cán bộ chính quyền các cấp, NKT do phong, NKT do các nguyên nhân khác, hàng xóm, thân nhân trong gia đình họ và các đối tác liên quan.
 

Ông Ksor Thuân (làng Dơ Măk, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện) chia sẻ: “Ở làng tôi ở có 32 bệnh nhân phong, trong đó có 4 bệnh nhân phong khuyết tật. Chính quyền địa phương luôn quan tâm tạo điều kiện giúp họ hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế nhưng do hỗ trợ chỉ tức thời nên cũng chưa cải thiện được gì nhiều. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ về học nghề cho bệnh nhân và gia đình, hỗ trợ giống, vật nuôi để gia đình bệnh nhân phong có điều kiện phát triển kinh tế cũng như tạo điều kiện để con em họ được học hành đến nơi đến chốn”.    

Khảo sát trên cho thấy, NKT do phong chủ yếu sống phụ thuộc vào gia đình và trợ cấp xã hội; khả năng làm kinh tế rất hạn chế. Đa số NKT do phong sống trong các gia đình thuộc hộ nghèo, không có đất hoặc thiếu đất sản xuất; nhiều đối tượng còn chưa đảm bảo được cuộc sống dù ở mức tối thiểu. Về đời sống tinh thần, dù sự kỳ thị đối với bệnh nhân phong đã giảm nhiều so với trước nhưng với trình độ dân trí thấp, sự mặc cảm, tự ti của bản thân nên NKT do phong rất hạn chế tham gia các hoạt động xã hội, sống khép kín…

Về giáo dục việc làm, theo khảo sát này hầu hết NKT do phong đều là người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn thấp; 95% là không biết chữ hoặc chỉ biết đọc biết viết ở mức hạn chế; cơ hội về học nghề, việc làm của nhóm NKT do phong hầu như không có. Đặc biệt, tại Gia Lai cũng chưa có một cơ sở dạy nghề nào cho NKT do phong.

Thạc sĩ Đỗ Thị Huyền nêu ý kiến: “Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng ngoài việc quan tâm phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong khuyết tật thì cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển sinh kế cho bệnh nhân phong nói chung NKT do phong nói riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai vì đây là hỗ trợ bền vững nhất. NKT do phong có ít các cơ hội về phát triển kinh tế do điều kiện khuyết tật nên vấn đề hỗ trợ sinh kế không chỉ dành cho NKT do phong mà nên theo hướng hỗ trợ gia đình có NKT do phong. Ngoài ra, cần tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, có các chính sách quan tâm, hỗ trợ NKT do phong trước khi tìm việc làm, học nghề để có thể chọn nghề phù hợp với dạng tật của bản thân…, chủ động để hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế ổn định cuộc sống”.

Ông Nguyễn Văn Đồng-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội Gia Lai cho biết: Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương và đặc biệt là Hiệp hội Cứu trợ Bệnh phong Hà Lan từ năm 1994 đến nay, tháng 11-2015, Gia Lai đã đạt mục tiêu loại trừ bệnh phong theo 4 tiêu chuẩn của Việt Nam. Tuy nhiên công tác phòng-chống phong cần tiếp tục được tăng cường để tiến tới thanh toán bệnh phong thời gian đến.

“Tiếp tục đồng hành trong công tác phòng-chống phong, Hiệp hội Cứu trợ Bệnh phong Hà Lan sẽ tiếp tục chuyển sang một giai đoạn mới nhằm giúp cho những NKT do phong nâng cao nhận thức, cải thiện về tình hình bệnh tật, đời sống vật chất cũng như tinh thần, giúp NKT do phong tái hòa nhập cộng đồng. Theo ước tính, ở Gia Lai có khoản gần 1 vạn NKT, trong đó NKT do phong chiếm gần 600 người. Việc hỗ trợ NKT do phong như trên sẽ có ý nghĩa vô cùng thiết thực, bền vững giúp bệnh nhân phong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và tự tin hòa nhập cộng đồng”-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội cho biết.

 Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm