Nghị lực của một vận động viên khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bị sốt bại liệt từ năm 3 tuổi khiến cho đôi chân không được mạnh khỏe như người bình thường, thế nhưng anh Nguyễn Văn Thành (SN 1982, ở đường Phan Đình Giót, TP. Pleiku) vẫn không đầu hàng số phận. Với niềm đam mê và sự khổ luyện không ngừng nghỉ, anh Thành đã trở thành một lực sĩ cử tạ và nhiều lần mang huy chương về cho tỉnh nhà tại Giải Thể thao Người khuyết tật toàn quốc.

  Lực sĩ cử tạ khuyết tật Nguyễn Văn Thành rất siêng năng tập luyện. Ảnh: T.B
Lực sĩ cử tạ khuyết tật Nguyễn Văn Thành rất siêng năng tập luyện. Ảnh: T.B

Lúc chào đời, anh Thành cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng khi 3 tuổi, anh bị sốt bại liệt. Mặc dù được gia đình chạy chữa ở nhiều nơi, song di chứng để lại với cậu bé Thành là đôi chân không lành lặn, mọi di chuyển phải nhờ đến đôi nạng gỗ. “Suốt những năm tháng đi học, phải nhờ bố chở đến trường, thấy các bạn tung tăng chạy nhảy, nô đùa, tôi tủi thân lắm; chỉ quanh quẩn trong nhà, không dám đi đâu. Sự lo lắng, những giọt nước mắt thương con của bố mẹ khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và tự hứa phải xóa bỏ mặc cảm, yếu chân thì vẫn còn đôi tay, phải cố gắng khẳng định mình để còn lo cho cuộc sống chứ đâu có thể dựa dẫm bố mẹ mãi được”-anh Thành chia sẻ.

Để có sức khỏe, anh Thành chọn môn cử tạ vì đơn giản là nhà có rất nhiều quả tạ đúc bằng bê tông mà mấy anh hàng xóm vẫn thường tập để rèn luyện sức khỏe. Hàng ngày, anh Thành dành thời gian đến câu lạc bộ thể hình của một người anh họ để luyện tập. Những ngày đầu mới tập, do chưa quen nên cơ thể anh đau nhức, bởi với người bình thường, muốn nâng được tạ thường phải lấy 2 chân làm trụ. Nhiều lần anh sơ sẩy, tay yếu nên quả tạ rơi xuống gây thương tích. Khó khăn là vậy nhưng anh không bao giờ bỏ cuộc, tiếp tục khổ luyện để có sức khỏe. Nhờ luyện tập thể dục thể thao đều đặn, đôi chân yếu ớt phải đi nạng gỗ của anh giờ có thể đi lại được, sức khỏe cũng tăng lên.

Không chỉ tìm lại được niềm vui trong cuộc sống, năm 2002, sau khi tốt nghiệp THPT, anh tham gia một lớp học thiết kế đồ họa ở Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai. Ra trường, anh Thành mở một cửa hàng chuyên nhận làm thiết kế đồ họa, in ấn, vẽ quảng cáo. Có công việc ổn định, anh Thành có điều kiện thuận lợi để theo đuổi niềm đam mê thể thao. Anh bắt đầu tham gia giải thể thao người khuyết tật toàn quốc từ năm 2005. Khi biết tin anh được tham gia thi đấu thể thao, gia đình anh rất ủng hộ. Từ đó đến nay, anh đã giành được 3 huy chương đồng, 2 huy chương bạc. Tấm huy chương bạc gần đây nhất anh giành được là ở Giải Thể thao Người khuyết tật toàn quốc năm 2016, nội dung cử tạ ở hạng cân 65 kg với thành tích 130 kg. Anh Thành tâm sự: “Tôi tập luyện thể thao vừa để có sức khỏe, có thể xóa bỏ mặc cảm về khiếm khuyết cơ thể, vừa để đền đáp lại công lao của bố mẹ. Tham gia các giải đấu thể thao, tôi cũng được giao lưu, kết bạn với nhiều người cùng cảnh ngộ ở các tỉnh thành khác. Hiện tại, tôi chỉ mong ở tỉnh mình có một câu lạc bộ cử tạ dành cho người khuyết tật để được luyện tập, thi đấu cọ xát, nâng cao thành tích”.

Với những thành tích đạt được cùng ý chí vươn lên, hình ảnh anh Thành ngày ngày chống nạng đến phòng tập thể hình ở Câu lạc bộ Thể hình Hồng Tây (đường Cù Chính Lan, TP. Pleiku) đã trở nên quen thuộc và thành tấm gương của rất nhiều người. Anh Nguyễn Phước Thanh-một người tập tại Câu lạc bộ Thể hình Hồng Tây cho biết: Anh Thành là người khuyết tật duy nhất và cũng là người tập luyện siêng năng nhất ở câu lạc bộ. Mọi người ở đây ai cũng nể phục ý chí và nghị lực vươn lên của anh ấy.

 Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm