Làm giàu nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vốn là một hộ nghèo nhưng nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm sản xuất, chăm chỉ lao động và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên anh Blum (làng Hlang, xã Hnol, huyện Đak Đoa) đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Cũng như nhiều hộ dân khác trong làng, trước đây, gia đình Blum chỉ chăn nuôi bò, trồng lúa và các loại cây ngắn ngày. Do không biết cách chăm sóc nên hiệu quả sản xuất thấp. Nhận thấy trồng hồ tiêu cho hiệu quả kinh tế cao, anh đã dành nhiều thời gian đến các xã lân cận để học hỏi kinh nghiệm. Cùng với đó, anh tham gia các hội thảo về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cà phê, hồ tiêu do xã tổ chức. Khi đã có được một số kinh nghiệm, anh chuyển đổi 8 sào đất trồng mì sang trồng hồ tiêu. Ngoài ra, anh còn vay vốn trồng gần 2 ha cà phê và rau xanh. “Năm 2012, 8 sào hồ tiêu cho thu bói, bán được trên 100 triệu đồng. Từ đó, mình mạnh dạn mở rộng diện tích cà phê và hồ tiêu. Đến nay, gia đình mình có trên 900 trụ tiêu, 1,3 ha cà phê và 5 sào rau xanh, mỗi năm cho thu nhập 400-450 triệu đồng”-anh Blum vui vẻ cho biết.

 

Anh Blum kiểm tra vườn tiêu của mình. Ảnh: H.T
Anh Blum kiểm tra vườn tiêu của mình. Ảnh: H.T

Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Blum tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay, người dân trong làng đã trồng được 70 ha cà phê, 10 ha tiêu. Năng suất các cây trồng tăng theo từng năm. Đời sống của người dân được cải thiện đáng kể, số hộ nghèo giảm còn 55 hộ, cận nghèo còn 5 hộ, hộ khá và giàu tăng lên trên 20 hộ.

Ngoài tích cực vận động bà con phát triển kinh tế, với cương vị Trưởng thôn, anh Blum vận động bà con trong làng nghiêm túc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, anh thường xuyên nhắc nhở mọi người không tham gia các hoạt động gây rối, đánh nhau, trộm cắp.

Bà Phạm Thanh Thủy-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hnol, nhận xét: “Hộ gia đình Blum đi đầu trong chuyển đổi cây trồng. Anh cũng là một trưởng thôn gương mẫu, luôn biết lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất giúp các hộ dân trong làng phát triển kinh tế cũng như vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Bởi vậy, anh luôn được bà con trong làng kính trọng, được chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao, thực sự là tấm gương để người dân học tập và làm theo”.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm