Thị trường vận tải hành khách: Khi "miếng bánh" chia phần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi nâng cấp đưa công suất vận chuyển lên đến 1 triệu hành khách/năm, Sân bay Pleiku đã trở thành một đối thủ “nặng ký” đối với tuyến vận tải hành khách đường bộ trên địa bàn tỉnh. Và khi “miếng bánh” thị phần chia nhỏ, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp vận tải là không tránh khỏi.

  Bến xe Đức Long Gia Lai.
Bến xe Đức Long Gia Lai.

Là một trong những doanh nghiệp vận tải hành khách lớn có thương hiệu trên địa bàn với trên 20 đầu xe khách chất lượng cao, chạy các tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh và Gia Lai-Đà Nẵng, thế nhưng hãng xe Hồng Hải cũng gặp không ít khó khăn sau khi thị phần vận tải bị san sẻ cho tuyến hàng không. Đặc biệt khi các hãng hàng không giá rẻ với công suất vận chuyển lớn tham gia khai thác thị trường,  “miếng bánh” thị phần càng chia nhỏ thì sự cạnh tranh càng khốc liệt. “Từ khi Sân bay Pleiku hoạt động trở lại (9-2015) thị phần của Công ty đã giảm đáng kể, nhất là vào dịp Tết vừa qua, giảm đến 30%. Với tình trạng này trong 3 năm tới, Công ty sẽ không dám đầu tư thêm, có lẽ chạy hết đời xe là bỏ”-ông Nguyễn Hồng Hải-Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hồng Hải chia sẻ.

Tại Bến xe Đức Long sau kỳ nghỉ Tết, lượng khách từ Gia Lai đi các tỉnh thành trong cả nước hiện không biến động nhiều. Tuyến Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh mọi năm vốn rất đông đúc thì năm nay nhiều xe chỉ có quá nửa số giường nằm được đăng ký. Theo ông Đỗ Chiến Đấu-đại diện Bến xe Đức Long Gia Lai thì lượng khách đi tại bến dịp Tết giảm 10% so với những năm trước. Chỉ mới mùng 8 Tết mà khách đã vãn, tình trạng “xe thừa khách thiếu” là điều chưa từng xảy ra. Theo nhận định của nhiều người, thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ “điêu đứng”, nhất là doanh nghiệp nhỏ, lẻ.

Doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn do khách giảm cũng khiến thu nhập của tài xế, nhân viên phục vụ bị giảm theo. Anh Lê Văn Tuân-một tài xế xe khách cho biết: “Bình thường dịp Tết tôi chạy mười mấy chuyến, mỗi chuyến được trả 800.000 đồng. Nhưng Tết năm nay chỉ chạy được 5-6 chuyến, thu nhập giảm đi một nửa”. Còn với anh Hùng-nhân viên phục vụ thì điều lo lắng là công việc trong thời gian tới sẽ bấp bênh, nếu thu nhập không đảm bảo anh buộc phải tìm kiếm công việc khác.

Trong khi các doanh nghiệp vận tải đường bộ đang “vật vã” vì cạnh tranh với đường hàng không thì giữa các hãng hàng không cũng có sự cạnh tranh không nhỏ. Nếu trước thị trường vận tải khách hàng không tại Sân bay Pleiku chỉ có Vietnam Arilines “độc quyền” thì nay đã có thêm VietJet Air, Jestar Pacific với nhiều vé giá rẻ. Và sự cạnh tranh này đã mang đến nhiều thuận lợi cho khách hàng. Chị Đinh Thị Thanh Hải-đại lý vé máy bay Đức Hải (TP. Pleiku) nói: Ngày trước khi chưa có các hãng hàng không giá rẻ như VietJet Air và Jestar Pacific khai thác thị trường thì giá vé Vietnam Arilines khá cao. Tuy nhiên, hiện hãng này đã mở rộng biên độ giá hơn nhằm cạnh tranh. Chẳng hạn, trước giá Pleiku-TP. Hồ Chí Minh từ 800 ngàn đồng đến 1,7 triệu đồng/vé thì bây giờ có thể xuống thấp 550-600 ngàn đồng/vé. Ngay tuyến Pleiku-Hà Nội biên độ cũng mở rộng hơn, trước 1,8-2,7 triệu đồng/vé, nay từ 550 ngàn đồng đến trên 3 triệu đồng/vé (có đủ hạng từ phổ thông đến thương gia). Ngoài ra, để cạnh tranh các hãng VietJet Air và Jestar Pacific liên tục có các chương trình khuyến mãi như chương trình giá vé 0 đồng hay bán một chiều đi khuyến mãi chiều về và đôi khi mức giá vé của các hãng này có thể xuống thấp chỉ còn 300-350 ngàn đồng/vé.    

Với những diễn biến trên của hoạt động vận tải sau Tết Bính Thân, rõ ràng năm 2016 sẽ là năm có nhiều thách thức đối với doanh nghiệp vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh. Sự tham gia khai thác của các hãng hàng không giá rẻ tại Pleiku tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách. Song, đây cũng chính là áp lực đòi hỏi mỗi doanh nghiệp vận tải cần nhanh chóng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hơn nữa để có thể tồn tại và phát triển.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm