Hội Xuân của người Tày-Nùng ở Phú Thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tết Bính Thân 2016, đông đảo bà con dân tộc Tày-Nùng quê Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn hiện đang sinh sống ở huyện Phú Thiện (Gia Lai) đã cùng nhau tổ chức một ngày hội Xuân độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Trò chơi ném còn thu hút đông đảo người tham gia.    Ảnh:Lê Văn Ngọc
Trò chơi ném còn thu hút đông đảo người tham gia. Ảnh:Lê Văn Ngọc

Từ tinh mơ ngày mùng 4 Tết, bà con người Tày-Nùng từ các xã: Chư A Thai, Ayun Hạ, Ia Piar… (huyện Phú Thiện) và cả những người Tày-Nùng từ huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) đã kéo nhau về khoảng sân rộng ở trung tâm huyện Phú Thiện. Ông Mã Văn Chức-Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương người Tày-Nùng tại huyện Phú Thiện cho biết: “Trên địa bàn huyện có khoảng hơn 1.000 đồng bào Tày-Nùng quê ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn sinh sống. Từ trước Tết, chúng tôi đã đi từng làng kêu gọi mọi người cùng nhau đóng góp để tổ chức ngày hội đầu Xuân này. Ai nấy đều hưởng ứng nhiệt tình vì cả năm mới có một dịp những người con xa xứ gặp gỡ nhau, vui chơi những trò chơi dân gian của dân tộc mình”.

Khi đã tề tựu đông đủ, không kể già trẻ, gái trai đều nô nức tham gia vào những trò chơi đầy sôi động như đánh cù, đi cà kheo, ném còn. Trong đó, ném còn là trò chơi mang đậm đặc trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc phía Bắc. Chiếc còn được buộc những sợi dây dài trang trí màu sắc sặc sỡ để có thể ném cao và xa. Người chơi được chia làm hai đội ném qua ném lại với mục tiêu là vòng tròn được dán giấy treo trên chiếc cột tre cao chừng 15 mét. Ai ném trúng vòng tròn này được nhận những lời tán thưởng, sự thán phục và cả phần thưởng bằng tiền mặt. Chị Hoàng Thị Nhâm (xã Ia Piar)-một trong những người ném trúng vòng tròn cho biết: “Tôi ở Cao Bằng vào đây đã hơn 15 năm. Tôi có về thăm quê một vài lần nhưng không vào dịp lễ nên đây mới là lần đầu tiên tôi được ném còn trong dịp Tết. Tôi thấy ở đây chơi vui không khác gì ở bản mình ngày xưa”.

 

 Trò chơi lày cỏ khiến không khí ngày hội thêm rộn ràng.  Ảnh:Lê Văn Ngọc
Trò chơi lày cỏ khiến không khí ngày hội thêm rộn ràng. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Ngoài ném còn, trò chơi thu hút đông đảo người tham gia và rộn ràng nhất ngày hội có lẽ là lày cỏ. Đây là một trò chơi giống như trò oẳn tù tì. Mỗi lượt chơi lày cỏ chỉ có hai người. Khi chơi, họ vừa cùng đồng thanh hô một con số do mình tự chọn vừa xòe ra mấy ngón tay tùy mình thích, miễn sao cộng các ngón tay hai người khớp lại, vừa đúng với số mà mình hô. Ai đoán đúng là người chiến thắng, còn ai thua thì bị phạt phải uống một ly rượu. Tưởng chừng đơn giản, nhưng lày cỏ có một sự thu hút đến kỳ lạ khiến không khí của ngày hội trở nên vui tươi. Với người Tày-Nùng, rượu không chỉ là một thức uống mà còn là văn hóa nên những cuộc lày cỏ này chỉ kết thúc khi một trong hai người đã chuếnh choáng say.

Bên cạnh những trò chơi, trong hội Xuân này, bà con người Tày-Nùng còn được thưởng thức một chương trình văn nghệ với những bài dân ca của dân tộc mình do các “nghệ sĩ” của làng thể hiện. Đa phần các bài dân ca đều thể hiện tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước và ca ngợi Bác Hồ. “Nghệ sĩ” Lương Thị Thân (người Tày) chia sẻ: “Nghe tin có hội Xuân của dân tộc mình, từ 4 giờ sáng, chúng tôi phải đi từ Sông Hinh-Phú Yên để lên đây. Hội Xuân này vừa là dịp để người Tày-Nùng chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu, vừa để những nét đẹp văn hóa truyền thống không bị mai một, để gìn giữ cho con cháu mai sau”.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm