"Để thành công cần có niềm đam mê"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chia sẻ chân thành của doanh nhân Trần Văn Trong-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thùy Dương (số 72B-Lê Quang Định-phường Yên Thế-TP. Pleiku). Là một kỹ sư xây dựng với niềm đam mê đặc biệt với những công trình, anh đã bất chấp mọi khó khăn để tự mình thành lập công ty về lĩnh vực xây dựng...
 
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Hải Dương, nhưng doanh nhân Trần Văn Trong (SN 1974) lại bắt đầu sự nghiệp của mình tại Gia Lai-mảnh đất mà với anh nó đã khơi dậy niềm đam mê xây dựng trong anh. Xa quê hương, năm 1995, chàng trai gốc Bắc bắt đầu theo đuổi niềm đam mê của mình khi xin vào làm công nhân tại Công ty cổ phần Sông Đà 11. Đến năm 1997, anh quyết định ra Hà Nội theo học Trường Đại học Bách khoa. Sau khi tốt nghiệp ra trường với tấm bằng kỹ sư, anh về lại Gia Lai làm việc cho Nhà máy Thủy điện Sê San 3A (tại huyện Ia Grai).

 

Vị giám đốc trẻ giản dị tại công trình đang thi công. Ảnh Trần Dung
Vị giám đốc trẻ giản dị tại công trình đang thi công. Ảnh Trần Dung

Nhận thấy lĩnh vực xây dựng công trình thủy điện, thủy lợi, xây dựng công trình đường bộ đang trong giai đoạn phát triển, cùng với niềm đam mê, ý chí và mong muốn tạo dựng thương hiệu cho riêng mình, anh Trong đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và quyết định mở Công ty TNHH một thành viên Thùy Dương vào năm 2010. “Phải nói rằng, đây là quyết định vô cùng mạo hiểm của tôi vào thời điểm đó. Khi mà bản thân hoàn toàn tay trắng, một mình tạo dựng Công ty. Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều rằng làm thế nào để huy động được nguồn vốn? Làm thế nào để mua về được các trang-thiết bị phục vụ cho công trình? Làm thế nào để thu hút được nhân lực?”-anh Trong chia sẻ.

Những trăn trở của anh dần được tháo gỡ khi Công ty anh nhận được những công trình xây dựng đầu tiên. Với anh, dù là những công trình nhỏ, mình cũng phải tạo được hiệu quả cao nhất, giữ được chữ tín cho Công ty. Anh cũng không ngần ngại kể về những ngày đầu “ra quân”. Vì Công ty của anh lúc đó mới thành lập, chưa có danh tiếng nên việc nhận được hợp đồng đã khó, mà việc thuê nhân công lại càng khó hơn. Đa phần người lao động đều buộc anh phải trả tiền lương theo ngày. Thời gian này với anh-người chèo lái Công ty-không hề dễ dàng chút nào. Nhớ lại thời điểm đó, anh cười bảo: “Thực sự lúc đó rất đuối”.

 

Hệ thống đo đếm điện năng của Nhà máy Thủy điện Plei Krông (Kon Tum) do công ty lắp đặt. Ảnh: Trần Dung
Hệ thống đo đếm điện năng của Nhà máy Thủy điện Plei Krông (Kon Tum) do công ty lắp đặt. Ảnh: Trần Dung

Những khó khăn cũng dần qua đi khi Công ty dần xây dựng được tên tuổi của mình bằng những công trình hiệu quả. Khi đã tạo được niềm tin, Công ty của anh nhận được những dự án xây dựng lớn, như: xây lắp đường dây 220 KV Đak Nông-Phước Long-Bình Long (Bình Phước); lắp đặt hệ thống đo đếm điện năng của Nhà máy Thủy điện Plei Krông (Kon Tum); thiết kế dự toán dự án phòng chống mối, dự án sửa chữa nâng cấp hồ chứa nước Ayun Hạ (Gia Lai); thi công dựng cột kéo dây ĐZ 500 KV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông... Tính từ thời điểm thành lập đến nay, Công ty TNHH một thành viên Thùy Dương của anh đã thực hiện được trên 30 công trình trọng điểm với giá thầu từ 2 tỷ đồng đến gần 30 tỷ đồng. Hiện nay, Công ty đang mở rộng quy mô và ngành nghề kinh doanh, phát triển, hợp tác với đối tác các nước bạn như Lào, Campuchia...
 

An toàn lao động cho công nhân luôn là mối quan tâm hàng đầu của doanh nhân Trần Văn Trong. Ảnh: Trần Dung
An toàn lao động cho công nhân luôn là mối quan tâm hàng đầu của doanh nhân Trần Văn Trong. Ảnh: Trần Dung

“An toàn lao động cho công nhân” luôn là mối quan tâm hàng đầu của vị Giám đốc trẻ. Dù thực hiện công trình dễ hay khó, ngắn hay dài thì việc trang bị bảo hộ cho công nhân của mình là việc làm trước tiên. Theo anh, công nhân ngành xây dựng chủ yếu là lao động phổ thông, phần nhiều chưa được đào tạo bài bản nên ý thức bảo hộ lao động còn kém. Bởi vậy, các nhà thầu luôn phải quan tâm tới công tác an toàn vệ sinh lao động. “Đối với công nhân làm việc tại Công ty, khi thi công trên cao hoặc ở những nơi nguy hiểm thì ngoài trang phục bảo vệ cá nhân, Công ty còn rất chú trọng hướng dẫn cho anh em những quy tắc an toàn. Tất cả các thiết bị điện sử dụng trên công trường đều được kiểm tra định kỳ...”-anh Trong cho biết.

Anh Trần Văn Trong cũng là một trong những doanh nhân trẻ của Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai. Ngoài việc nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập thì anh đã cùng các doanh nghiệp trẻ đã tham gia nhiều hoạt động phúc lợi xã hội ở các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Đằng sau sự nổi tiếng của một thương hiệu, thì con đường lập nghiệp của doanh nhân là cả một hành trình. Với doanh nhân Trần Văn Trong thì hành trình ấy được bắt nguồn từ đam mê.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.