Cô giáo như mẹ hiền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Mặc dù là một thầy giáo dạy ở bậc Tiểu học nhưng tôi nhìn nhận số giáo viên là nam giới ở bậc học này không thể làm tốt vai trò một người mẹ của học sinh như các đồng nghiệp nữ. Với học sinh Tiểu học, môi trường giáo dục rất quan trọng vì các em bắt đầu luyện tập những nét chữ đầu tiên và nét người luôn luôn cần được uốn nắn. Các cô giáo với sự mềm mỏng, dịu dàng, kiên trì có sẵn sẽ giúp các em học sinh thấy gần gũi như chính trong ngôi nhà mình với tình thương của mẹ. Bởi thế mà đồng nghiệp của chúng tôi đa phần là nữ”-thầy Phạm Bích Giang-Chủ tịch Công đoàn Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) bày tỏ khi được hỏi về vai trò của những nữ giáo viên Tiểu học.

  Các cô giáo Tiểu học luôn kiên nhẫn, dịu dàng với học trò. Ảnh: Cao Nguyên
Các cô giáo Tiểu học luôn kiên nhẫn, dịu dàng với học trò. Ảnh: Cao Nguyên

26 năm gắn bó với học sinh Tiểu học là 26 năm cô giáo Nguyễn Thị Hoan (Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, thị trấn Kbang, huyện Kbang) trải qua hàng trăm cung bậc cảm xúc cùng học trò. Qua nhiều năm uốn nắn từng nét chữ cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, cô hiểu rằng ở mỗi lứa tuổi, các em cần được đối xử phù hợp, không thể mang cách dạy của lớp 1 lên dạy lớp 5 và cũng không thể mang cách cư xử với một đứa trẻ 6 tuổi áp dụng cho một đứa trẻ đã lên 10. Là một giáo viên Tiểu học, các thầy các cô sẽ phải đối diện với những cô cậu lớp 1 còn ngượng ngùng, sợ hãi, đau đầu, sổ mũi và cả đi vệ sinh. Lên lớp 2, lớp 3 các em sẽ bắt đầu quen nền nếp trường lớp và hình thành tính cách của riêng mình nên buộc các thầy cô phải hiểu rõ từng cá tính. Còn đối với học sinh lớp 4, 5 các em đã bắt đầu biết lý sự và tranh luận như người lớn.

Còn nhớ ngày đầu mới vào nghề khi nhận công tác ở một trường vùng sâu của xã Krong (huyện Kbang), cô Hoan chẳng có nhiều thời gian dạy cái chữ cho học trò. Thời gian của cô phần lớn dành để cõng từng đứa trên lưng đi từ làng đến trường và ngược lại. Mỗi lần như thế cô đều tâm sự với các em về mong muốn chúng sẽ chăm chỉ đến trường, được học chữ như bao đứa trẻ thành thị. Ở nhà, cô yêu thương cậu con trai đầu lòng ra sao thì lên trường, vào làng cô cũng yêu học trò như thế. Lâu dần, khi các em cảm nhận được tình cảm của cô giáo, chúng tự đi đến trường đều đặn và chăm chỉ. Những tưởng, mọi khó khăn như thế là đã qua đi nhưng khi rèn cho các em từng nét chữ, dạy các em phát âm những chữ cái đầu tiên thật không dễ dàng gì. Bởi thế sự kiên trì, nhẫn nại với học trò là điều không thể thiếu của một giáo viên Tiểu học.

“Những giáo viên Tiểu học phải là những người 3 trong 1 của học trò. Chúng tôi vừa là cô giáo, vừa là mẹ và phải vừa là một người bạn đồng hành chia sẻ cùng các em trên con đường thu nhận tri thức và hoàn thiện nhân cách. Ở lứa tuổi này, các em rất nhạy cảm và dễ dàng nhận ra tình cảm của người khác dành cho mình qua cách dạy dỗ nên ngoài kiến thức, các giáo viên Tiểu học phải biết yêu thương học trò thực sự, yêu như yêu con mình thì mới mong chinh phục được các em. Khi ấy, sự gắn kết giữa cô và trò mới bền chặt”-cô Hoan chia sẻ.

Cô giáo Minh Thủy (Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, TP. Pleiku) thì chia sẻ những kỷ niệm trong suốt 21 năm đứng trên bục giảng trường Tiểu học luôn gắn với học trò. Ngày còn độc thân, cô cảm thấy làm một cô giáo Tiểu học thật khó, sao có thể yêu thương chúng khi suốt ngày chúng ồn ào, tố cáo nhau, khóc cười vô cớ… Nhưng từ ngày mang thai và nuôi nấng cô con gái đầu lòng, cô Thủy hiểu thế nào là tình thương của một người mẹ. Cô dịu dàng với từng đứa học trò như với đứa con gái cưng của mình. Cô thừa nhận: “Không có gì chinh phục được các em bằng chính tình yêu thương chân thành của mình”.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm