Ký ức Pleiku: Thiên nhiên tươi đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi sinh ra và lớn lên ở đồng bằng Bắc bộ. Vừa giải phóng miền Nam được 6 tháng, tôi theo cha vào Pleiku. Theo lời kêu gọi của Đảng, cha tôi đến Gia Lai để xây dựng quê hương mới. Trong hình dung của mọi người, Pleiku là một nơi rất xa, xung quanh là rừng núi. Nhà cách nhà cả ngọn đồi. Bước chân ra khỏi cửa có thể nghe tiếng chim kêu, vượn hót, có thể thấy thú rừng chui luồn trong các bụi cây.

  Đường phố Pleiku.
Đường phố Pleiku.

Và rồi thị xã Pleiku đã hiện ra trong sự ngỡ ngàng của tôi. Thị xã có mấy trục đường chính. Rải rác vài căn nhà hai, ba tầng ở đường Hoàng Văn Thụ, Hùng Vương, xung quanh cổng chợ. Theo cha đi mua nhà, tôi thích ngay căn nhà ở đường Phan Đình Phùng. Cả dãy đều là những căn nhà thấp lợp tôn, tường táp-lô, dáng vẻ đơn giản tuềnh toàng. Nhưng bù lại không gian rất thoáng mát. Trung bình nhà nào cũng rộng từ 11 mét trở lên, dài đến cả trăm mét. Vườn nhà nào cũng đầy cây ăn quả. Tôi mê mẩn nhìn những cành xoài la đà ngay trước mặt. Những cây mận nở hoa trắng xóa, những cây vú sữa đầy quả chín, những cây bơ trĩu trịt quả xanh lấp ló sau tán lá...  Cha đã chọn nhà theo ý tôi. Trưa nào đi học về tôi cũng ra vườn, trồng cây, ngó nghiêng tìm các loại quả chín. Đất ở đây tơi xốp. Chỉ cần đặt xuống hom mì, dây khoai, trỉa bắp... là chỉ mấy tuần sau cả khu vườn đã xanh um những màu xanh khác nhau.

Tôi vô cùng yêu thích thiên nhiên ở Pleiku. Chiều chiều, tôi tha thẩn đạp xe đi dọc đường Trần Hưng Đạo. Hàng cây cổ thụ hai bên đường đan cành lá vào nhau như một vòm nhà râm mát. Tôi ngắm mưa rơi, ngắm ánh trăng, ngắm những chiếc lá vàng rơi xuống từ vòm lá đó. Thỉnh thoảng, có cây muồng nở hoa vàng chen giữa thảm lá xanh đó. Những khi buồn, tôi tạt vào vườn thông bên chùa (nay là Bảo tàng Cổ vật ở Quảng trường Đại Đoàn Kết). Thông mọc rải rác ở các đường nhưng tập trung nhiều nhất nơi này. Lá thông rụng thành thảm dày như một chiếc chiếu nâu sẫm, rất êm, rất sạch. Từng tốp học sinh hay đến đây nhặt quả thông, nói chuyện gẫu. Có khi vừa hóng gió chúng tôi vừa ngẩng đầu ngắm trời xanh. Chẳng hiểu sao ngày ấy, trời Pleiku xanh thế. Mùa khô, bầu trời cao thăm thẳm. Những dải mây trắng nõn dạt hết về chân trời. Và bất chợt đâu đó trong không gian tĩnh lặng bỗng rộ lên tiếng chim hót líu ríu. Đi thêm một đoạn nữa ra cầu số 3, có thể gặp hoa cúc quỳ nở khắp nơi. Hết triền đồi này đến triền đồi kia. Cái màu vàng rực rỡ, ấm áp ấy khiến người vui thấy vui hơn, người buồn thấy đỡ buồn. Ngày ấy, hầu hết các con đường đều chưa có vỉa hè. Hai bên đường đầy cây dại mọc tự nhiên. Có khi một buổi sáng nào đó thức dậy ta bỗng thấy xung quanh mình khác khác. Không gian bỗng dưng dìu dịu, thơm thơm. Thì ra cây cỏ ven đường đua nhau nở hoa. Bướm vàng, bướm trắng dập dờn lượn gần lượn xa...

Bây giờ Pleiku có nhiều đổi thay. Từ thị xã đã lên thành phố loại II, những con đường gập ghềnh đá sỏi được mở rộng thành những tuyến đường trải nhựa phẳng lỳ, rộng thênh thang, những căn nhà mái tôn cũ kỹ nhường chỗ cho nhà cao tầng... Dấu vết của một thị xã cao nguyên xa xưa đang phai mờ dần trong trào lưu đô thị hóa. Nhưng một thời thiên nhiên hoang dã, cỏ cây thân thuộc trong đời sống hàng ngày thì vẫn còn sâu đậm trong ký ức nhiều người. Bao người đến Pleiku thì không muốn đi đâu nữa. Bao người vì hoàn cảnh phải rời xa Pleiku thì vẫn nhớ đau đáu vùng đất cao nguyên nhỏ bé này. Một phần chính vì thiên nhiên tươi đẹp, không dễ gì nơi nào có được.

Thu Loan

Có thể bạn quan tâm