Tỷ phú cựu chiến binh Tô Văn Phước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Anh Tô Văn Phước là hội viên cựu chiến binh dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong phong trào cựu chiến binh sản xuất-kinh doanh giỏi của địa phương và luôn biết sống vì những người xung quanh”-đó là lời nhận xét của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Prông Mai Khắc Tuấn. Qua lời giới thiệu ấy, chúng tôi tìm về thôn Cát Tân (xã Ia Băng) để gặp cựu chiến binh tỷ phú.

Làm giàu từ… đất!

Không chỉ quản lý, khai thác 26 ha đất canh tác một cách hiệu quả, cựu chiến binh Tô Văn Phước còn có nhiều dự án mới về sản xuất-kinh doanh trong thời gian tới khiến nhiều người nể phục.

 

  Tỷ phú Tô Văn Phước. Ảnh: Anh Huy
Tỷ phú Tô Văn Phước. Ảnh: Anh Huy

Trò chuyện với chúng tôi ngay tại khu đất trống rộng gần 6 ha dự kiến xây dựng khu du lịch sinh thái, tỷ phú Tô Văn Phước cho biết: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về quê hương (huyện Phù Cát, Bình Định) tiếp tục nối nghiệp gia đình với nghề đi biển. Hơn một năm lênh đênh trên sóng nước, đối diện với vô vàn hiểm nguy ngoài khơi xa mà kinh tế gia đình cũng chẳng khá giả hơn đã khiến anh nghĩ đến việc rời quê, tìm mảnh đất màu mỡ khác để lập thân, lập nghiệp. Nơi đầu tiên anh nghĩ đến là Gia Lai, vì trong những chuyến hành quân dã ngoại khi còn phục vụ trong quân ngũ, anh đã có những trải nghiệm cũng như hiểu biết nhất định về vùng đất này. Khăn gói lên Tây Nguyên với 4 chỉ vàng làm vốn, lang thang hết vùng đất này đến vùng đất khác tìm vị trí “đóng đô”, đến khi số vàng vơi đi một nửa anh mới tìm mua được 1 ha đất trống giá 1 chỉ vàng. Số vàng còn lại, anh dùng vào việc “biến” đất trống thành vườn cà phê xanh tốt. Hết vốn trong khi vườn cà phê vẫn cần đầu tư lâu dài, việc làm thuê làm mướn khi đó lại không thường xuyên, khiến anh Phước phải đi-về giữa Gia Lai-Bình Định tiếp tục công việc đi biển để kiếm thêm thu nhập, đầu tư vào vườn cây. Gần 3 năm lên rừng, xuống biển, cơ cực bội phần, cuối cùng vườn cà phê cũng cho những “trái ngọt” đầu tiên.

Những tưởng, sau bao năm vất vả, gia đình anh sẽ đón nhận những “trái ngọt” đầu tiên ấy, thế nhưng, anh Phước lại quyết định bán hết 1 ha cà phê chưa kịp thu hoạch trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Giải thích về điều này, anh Phước cho hay: “Mình xác định lên Tây Nguyên lập nghiệp và làm giàu mà muốn làm giàu từ nông nghiệp thì trước hết phải có nhiều diện tích đất canh tác. Nếu chỉ “an phận” với 1 ha đất thì kinh tế gia đình cũng chỉ dừng lại ở việc đủ ăn, đủ mặc chứ không thể làm giàu được”.

Bán 1 ha cà phê với giá 8 cây vàng, anh Phước mua gần 5 ha đất trống và bắt tay vào tiếp tục “kiến thiết” những vườn cà phê mới, từ đào hố, xuống giống, ép xanh, bẻ chồi, bỏ phân… 3 năm sau, vườn cà phê cho thu hoạch bói, anh lại tiếp tục bán để mở rộng diện tích đất. Hiện tại, gia đình anh đang sở hữu 26 ha đất sản xuất, trong đó có 14 ha cao su, 4 ha hồ tiêu, 4 ha cà phê và 6 ha đất trống dự kiến mở khu du lịch sinh thái trong thời gian tới. Ngoài ra, năm 2008, gia đình anh còn thành lập doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng: cà phê, phân bón, thuốc trừ sâu… Theo tính toán của anh Phước, tổng thu nhập của gia đình bình quân mỗi năm đạt trên 2 tỷ đồng.

“Trả ơn những người đã yêu thương...”

Không chỉ làm giàu cho gia đình và có những đóng góp nhất định cho địa phương, nhiều năm qua, gia đình cựu chiến binh Tô Văn Phước còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10-12 lao động, với hình thức nuôi cơm ăn và trả lương 4-4,5 triệu đồng/tháng. Vào mùa vụ chính thì số lao động có thể tăng lên 20-25 người chủ yếu là lao động người địa phương và con em hội viên cựu chiến binh. Đặc biệt, một số lao động gắn bó lâu năm với gia đình, ngoài việc được trả lương đều đặn hàng tháng, anh Phước còn nhượng một phần diện tích cao su để làm vốn. Là một trong 3 lao động được cựu chiến binh Tô Văn Phước cho 1 ha cao su chuẩn bị thu hoạch, công nhân Lê Văn Dũng, chia sẻ: “Em gắn bó với gia đình anh Phước cũng gần 9 năm rồi. Anh chị ấy là người sống rất tình cảm. Cách đây 3 năm, anh chị ấy chia cho 3 đứa tụi em, mỗi đứa 1 ha cao su (giá mỗi ha vài trăm triệu đồng) khiến tụi em rất bất ngờ và không tin được”.

Ông Đặng Văn Hương-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Băng, cho biết: Anh Phước không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi mà còn nhiệt tình giúp đỡ hội viên và tâm huyết với các phong trào tại địa phương. Mỗi năm, gia đình cựu chiến binh Tô Văn Phước thường hỗ trợ gạo, tiền cho khoảng 10-15 hộ gia đình nghèo trong mùa giáp hạt và bán phân bón trả chậm không tính lãi cho nhiều người dân trong xã.         

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm