Thầy Trần Vẽ: "Được đứng trên bục giảng là niềm hạnh phúc, là đam mê"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 34 năm giảng dạy và gắn bó với nghề giáo, “bộ sưu tập” giải thưởng cá nhân của thầy giáo Trần Vẽ-giáo viên Trường THPT Pleiku (TP. Pleiku)-ngày một dày thêm với bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng ba và mới đây là danh hiệu Nhà giáo Ưu tú do Chủ tịch nước phong tặng.

Chặng đường để đến với niềm vinh dự ngày hôm nay không dễ dàng chút nào, và cũng không phải “một sớm một chiều” mà có được danh hiệu này, nhất là đối với một thầy giáo dạy bộ môn thường được xem là “môn phụ”-môn Địa lý.

Vượt qua những khó khăn

Ấn tượng đầu tiên của tôi với thầy là một nụ cười dễ mến, cách nói chuyện gợi mở đến thân thiện và đầy lôi cuốn. Bắt đầu câu chuyện kể về mình, thầy Vẽ chia sẻ: Thầy sinh năm 1955 tại Thừa Thiên-Huế. Năm 1959, rời bỏ quê nhà cùng gia đình vào Gia Lai sinh sống. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên lần lượt các anh em phải bỏ học nửa chừng để phụ giúp bố mẹ, chỉ có mỗi mình tôi vì đau ốm thường xuyên, sức khỏe yếu nên được bố mẹ “đặc cách” cho tiếp tục đi học. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, năm 1981 tôi về dạy tại Trường Sư phạm cấp II Gia Lai, năm 1982 chuyển về dạy cấp III Pleiku (nay là trường THPT Pleiku) đến nay.

 

  Thầy Vẽ trong vòng vây yêu thương của học trò. Ảnh: Minh Triều
Thầy Vẽ trong vòng vây yêu thương của học trò. Ảnh: Minh Triều

Thầy Vẽ bồi hồi nhớ lại: Bản thân tôi trước năm 1975 cũng là học sinh của Trường THPT Pleiku nên khi được trở về làm giáo viên ở trường, điều tôi tâm niệm nhất là phải làm sao dạy cho thật tốt. Vì thế tôi luôn cố gắng yêu nghề, yêu học sinh, dù cuộc sống có những lúc rất khó khăn. Để đảm bảo cho cuộc sống gia đình, có khoảng thời gian ngoài giờ lên lớp tôi còn đi lấy đá lạnh giao cho khách hàng lúc rảnh rỗi.

Dù vậy, với thầy “giảng dạy là một niềm hạnh phúc, là đam mê”, do đó thầy luôn tự động viên mình vượt lên mọi hoàn cảnh. Nói về thầy Vẽ, đồng nghiệp và học trò lập tức nghĩ ngay đến sự sôi nổi, hứng khởi cũng như sự gần gũi. Thầy Nguyễn Chương-Hiệu trưởng nhà trường-đã ưu ái khen tặng người đồng nghiệp: “Thầy Trần Vẽ là giáo viên đã gắn bó rất lâu năm với trường, là người có tinh thần trách nhiệm cao, có kinh nghiệm giảng dạy tốt. Đối với một bộ môn thường được xem là môn phụ nhưng thầy Vẽ là người rất quan tâm đến học sinh cũng như việc đào tạo học sinh giỏi”.

“Chờ từng tiết dạy của thầy”

Hỏi thầy về bí quyết để học sinh yêu thích môn học của mình, nhất là môn Địa lý lâu nay vốn được xem là một “môn phụ”, thầy Vẽ cười nhẹ nhàng chia sẻ: Phải thật sự yêu ngành, yêu nghề thì mới ra sức tìm tòi những kiến thức Địa lý ngoài thực tế để liên hệ, minh họa cho những bài giảng trong sách giáo khoa. Thật sự yêu mến học trò, xóa bỏ được ranh giới giữa người thầy và học trò, từ đó tạo sự gần gũi, không khí lớp học luôn sôi nổi, hào hứng thu hút các em học sinh.

Đặc biệt hơn, phương pháp giảng dạy của thầy Vẽ là rất ít khi cho điểm xấu khi kiểm tra bài cũ hay phát biểu chưa đúng nội dung đối với các học sinh.

“Nhiều em có thể nợ lại những câu trả lời chưa đúng, thậm chí nợ lần 2, làm như vậy nhằm khuyến khích học sinh trả lời đúng hơn ở những lần sau. Đối với những em này, ở lần gọi sau dù chỉ trả lời được 50% nội dung câu hỏi nhưng thầy vẫn sẵn sàng cho 7 hoặc 8 điểm và lúc nào cũng kèm theo câu nói “lần sau em trả lời tốt hơn thầy sẽ cho điểm 10”. Đây chính là cách tạo điều kiện cho những học sinh “ngán ngại” môn Địa lý dần trở thành yêu mến môn học này, bởi người thầy giáo luôn biết nâng niu sự tiến bộ của từng em.

Để các học sinh yêu mến môn học nhiều lý thuyết này, thầy Vẽ đã không ngừng đổi mới, cải tạo phương pháp giảng dạy để giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và nhớ lâu hơn nội dung bài giảng. Học cùng thầy, học sinh không phải chép bài nhiều mà chủ yếu là các em tự tìm hiểu theo những nội dung, đề mục mà thầy đưa ra, chỉ được hỏi thầy những vấn đề thật sự chưa hiểu, rồi sau đó thầy và học sinh cùng trả lời. Em nào trả lời được, sẵn sàng cho điểm tối đa.

Theo thầy Vẽ, trong dạy học cần có một chút nghệ thuật hài hước, tạo không khí vui vẻ, không tạo áp lực nặng nề trong các tiết dạy. Đưa thơ ca, ca dao, tục ngữ, bài hát liên hệ và những câu chuyện hài hước liên quan vào trong bài giảng, tìm rất nhiều ví dụ từ thực tiễn... với cách liên hệ từ thực tiễn vào bài học, giúp học sinh “nhớ muôn đời”. Tuy vậy, để làm được điều này không phải là việc dễ làm mà đòi hỏi phải có sự tích lũy lâu dài, mỗi ngày một ít, mỗi năm thêm chút và không phải một sớm một chiều mà có được điều này.

Chính vì vậy, khi nói về thầy, các em học sinh đã dành tặng người thầy của mình những lời rất xúc động. Em Nguyễn Trần Phương Hải, học sinh lớp 10A1, đưa ra cảm nhận: “Cách dạy của thầy rất dễ hiểu, đơn giản, hấp dẫn và hài hước nên học sinh dễ gần gũi với thầy hơn. Tụi em luôn chờ đợi để được học những giờ học của thầy”.

Không những làm tốt công tác ở trường, thầy Vẽ còn là người chồng, người cha mẫu mực và đáng kính hết lòng vì gia đình. Đáp lại tấm lòng của người cha, những đứa con của thầy không những học giỏi mà còn thành đạt, người con gái đầu giờ đã trở thành  đồng nghiệp với cha hiện đang giảng dạy ở Trường Đại học Quy Nhơn; người con trai vừa học xong thạc sĩ Công nghệ Thông tin Trường Đại học Khoa học Tự nhiên dự định sẽ ở lại TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp.

Chia sẻ về niềm vinh dự khi được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú ngay trong dịp 20-11 năm nay, thầy Vẽ phấn khởi nói: “Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú đối với tôi là một vinh dự. Để có được vinh dự này, đầu tiên tôi muốn được cảm ơn Hội đồng sư phạm nhà trường đã tạo điều kiện cho tôi phấn đấu, trưởng thành, cống hiến. Cảm ơn học sinh đã tạo nguồn động lực cho tôi trong mỗi tiết dạy. Và cảm ơn các đồng nghiệp đã luôn động viên, giúp đỡ tôi trong cuộc sống, trong chuyên môn để tôi có thể nuôi dưỡng tình yêu với nghề”.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm