Tô Văn Tảng-"Kiện tướng" cựu thanh niên xung phong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Toàn thành phố hiện có 465 hội viên Cựu thanh niên xung phong thì có khoảng 6 hội viên có mức thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên, duy chỉ có mình hội viên Tô Văn Tảng là có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm”-ông Ngô Hồng Tư-Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Pleiku cho biết.

Gần 50 tuổi-cái tuổi chẳng còn trẻ để khởi đầu cho một công việc mới-thế mà ở tuổi ấy, cựu thanh niên xung phong Tô Văn Tảng mới bắt tay vào làm giàu. Vẫn giọng Hà Tây (nay là Hà Nội) đặc sệt, ông Tảng nhớ lại những cột mốc của đời mình. Từng là thanh niên xung phong rồi tham gia quân đội (năm 1975), trở thành người lính trên mặt trận Tây Nguyên. Rồi từ người lính chiến trường, tham gia cầm súng giết giặc, hết chiến tranh, ông lại tiếp tục “đấu tranh” với giặc đói, giặc dốt trên mặt trận kinh tế. Năm 1983 ông được điều động sang Binh đoàn 15 và là Bí thư Đảng ủy của Trung đoàn 706-nay là Công ty 75, rồi Giám đốc của Nông trường 706 và đến năm 1991 thì nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá.

 

Ở tuổi 70, niềm vui của ông là được vui vẻ bên con cháu và chăm sóc cây kiểng. Ảnh: Anh Huy
Ở tuổi 70, niềm vui của ông là được vui vẻ bên con cháu và chăm sóc cây kiểng. Ảnh: Anh Huy

Thế nhưng, đồng lương Thiếu tá quân đội về hưu lúc ấy chỉ hơn 400 ngàn đồng không thể nuôi nổi gia đình với 5 miệng ăn. Và rồi, ông bàn với vợ trồng thêm cây khoai, cây mì để cải thiện cuộc sống nhưng cây khoai-cây mì cũng chẳng thể giải quyết nhu cầu cuộc sống, không đủ nuôi các con ăn học. Cuối cùng, ông bà “vét sạch” số tiền dành dụm trong nhà với 1 chỉ vàng và vay mượn thêm anh em, bạn bè được 4 chỉ vàng nữa rồi khăn gói lên đường ra tỉnh Lạng Sơn-theo lời chỉ dẫn của người anh họ- mua máy chế biến bún khô từ gạo. Có máy móc nhưng lại chẳng được chuyển giao công nghệ đến nơi đến chốn nên thời gian đầu, hì hụi cả ngày mà “chẳng làm được sản phẩm nào nguyên vẹn”. Nhưng với tính kiên trì, chịu khó vừa làm vừa học, cuối cùng, ông cũng thành công với nghề làm bún khô.

Sau 4 năm, từ 5 chỉ vàng ban đầu, gia đình ông đã mua được gần 30 ha đất sản xuất, nhưng vì không có nhân công lao động nên ông bà lại chuyển nhượng hết. Năm 1995, khi thấy nhiều hộ lân cận cũng mua máy chế biến bún khô, ông bà quyết định sang nhượng toàn bộ hệ thống máy móc lẫn công nghệ và chuyển hướng sang mua đất trồng cà phê, cao su. Lúc đầu, ông  bà mua 5 ha cà phê và đăng ký với Binh đoàn 15 trồng 8,37 ha cao su theo chủ trương 327 về phủ xanh đất trống đồi trọc; khai hoang, trồng mới thêm được hơn 3 ha cao su nữa”. Thời gian đầu, để đầu tư và duy trì vườn cây 17 ha (gồm 5 ha cà phê đang kinh doanh, 12 ha cao su (trong đó có 8,37 ha cao su nằm trong chủ trương 327 phủ xanh đất trống đồi trọc)), gia đình ông cũng đã gặp không ít khó khăn về lao động, phân bón… và rồi ông phải bán bớt vườn cà phê-mỗi năm cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng để tập trung phát triển vườn cây cao su. Năm 2001, cây cao su bắt đầu cho sản lượng mủ đầu tiên nhưng mãi đến những năm 2009-2012 mới được coi là thời điểm “vàng” của giá mủ cao su và lúc này, mỗi năm gia đình ông cũng thu bình quân từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng (đã trừ chi phí).

Dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia công tác tại địa phương trong vai trò Phó Bí thư Đảng ủy phường Yên Thế (năm 2001). Vừa làm cán bộ, vừa chăm lo phát triển kinh tế gia đình, có thời điểm 1 giờ đêm, ông phải chạy xe máy xuống vườn cao su-cách nhà 7 km để quản công, quản sản lượng rồi sáng lại chạy xe máy về đi làm. Ông bảo: “Dù có khó khăn, vất vả nhưng con cái được ăn học đến nơi, đến chốn là mình vui rồi”. Không phụ lòng cha mẹ, ba người con của ông đều chăm ngoan, học giỏi và hiện đều có công việc ổn định. Cô gái lớn đang là giáo viên Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Pleiku); con gái thứ hai cũng là giáo viên, dạy tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám; còn con trai út đang làm việc tại Công ty 74 (Binh đoàn 15).

Điều đặc biệt, “kiện tướng” Tô Văn Tảng luôn biết sống và quan tâm đến những người xung quanh. Tuy nhiên, sự quan tâm, giúp đỡ ấy cũng có quan điểm rõ ràng, đối với những người thực sự khó khăn, cần giúp đỡ thì gia đình ông sẵn sàng cho vay mà không hề tính lãi, khi nào bớt khó khăn thì trả lại; còn người nào vay để phát triển kinh tế thì ông lấy lãi nhưng thấp hơn lãi suất ngân hàng. Ông Tảng cho biết, hiện tại ông đang cho khoảng 9 người vay với số tiền hơn 1 tỷ đồng, trong đó 400 triệu đồng không có lãi.

Giờ đây, bước sang tuổi 70, sức khỏe đã yếu hơn, con cái đều trưởng thành, lập gia đình và chẳng ai chăm sóc, quản lý vườn cây nên ông đành sang nhượng lại cho người khác. “Cách đây vài ngày tôi còn là “kiện tướng” chứ giờ thì chẳng còn cây cao su hay cà phê gì đâu”-ông cười hiền.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm