Ghi ở làng Bạc anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Trong kháng chiến, xã E5 (Ia Phìn) nói chung, làng Bạc nói riêng được coi là “bức tường thép” của ta. Trước mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, dân làng Bạc vẫn kiên cường, quyết một lòng theo Đảng, theo Cách mạng, quyết tâm bảo vệ quê hương. Ngày nay, làng Bạc (gồm Bạc 1 và Bạc 2) đang vươn lên phát triển từng ngày, chung sức cùng các thôn, làng trong xã dựng xây một cuộc sống mới, đủ đầy hơn, ấm no hơn…”-ông Kpă Geo-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phìn khẳng định.

Mìn của Kpă Ó có mắt

Chuyện về bà Kpă Ó-nữ anh hùng của làng Bạc, của Ia Phìn nói riêng, của Chư Prông, của tỉnh nói chung, tôi nghe đã nhiều nhưng mỗi lần được trực tiếp nghe bà kể, tôi lại không thể nào giấu được niềm cảm phục đối với bà-một người bình dị, rất đỗi dịu dàng và mộc mạc đến từng lời nói. Nhưng, cứ theo cách nói của bà thì việc bà vinh dự được tuyên dương Anh hùng cũng là do được Đảng, Nhà nước dành cho nhiều sự yêu mến, bởi: “Công sức của mình có được là bao so với sự hy sinh của biết bao anh em, đồng đội”. Nhắc đến trận càn tháng 10-1962, giọng bà như nghẹn đắng: “Lúc sáng sớm, có người còn chưa kịp ăn cơm thì bọn giặc đã kéo đến làng, dồn bà con xếp thành hàng rồi… bắn. Người chết, người bị thương nằm la liệt. Máu chảy như suối. Tôi thoát chết nhờ nằm gọn trong lòng người bác. Mẹ tôi lúc đó đang chuẩn bị sinh, dính đạn bị thương, mấy ngày sau cũng không qua khỏi. Nhà tôi có 11 người, trừ bố và anh đi vắng, còn lại đều bị địch giết…”.

 

  Vườn cà phê nhà già Kpă Sinh.   Ảnh: Thái Bình
Vườn cà phê nhà già Kpă Sinh. Ảnh: Thái Bình

Vậy là, trận càn tàn khốc ấy đã hằn sâu trong tâm trí của cô bé lên 10 và biến thành lòng căm thù như một lẽ tự nhiên. Sang tuổi 12, cô bé Kpă Ó đã vào đội văn nghệ của làng, học múa, học hát những bài ca cách mạng để động viên các anh chị du kích và bộ đội. 3 năm sau, Kpă Ó được làm du kích. Đội du kích có 30 người, là người nhỏ tuổi và cũng nhỏ con nhất nhưng Kpă Ó không chịu thua ai. Các anh, chị lớn mỗi người cắm 1 gùi (200 chông), Kpă Ó cũng cắm đủ chừng ấy. Chông Kpă Ó, địch dính rất nhiều. Riêng gài mìn, Kpă Ó lại có một biệt tài riêng, đã gài là kẻ thù không có cách nào thoát được. Ngày ấy, anh em trong đội cứ bảo nhau: “Lũ giặc thì ngu còn mìn của Kpă Ó có mắt!”. Bởi vậy, cái cách đánh địch tài tình của bà mãi mãi còn trong ký ức của đồng đội.

Thắp lên những mùa xanh

Đã hẹn từ trước nên Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phìn Kpă Geo-người con của làng, giờ thì có thêm trách nhiệm phụ trách làng Bạc 1 đón tôi ngay tại sân UBND xã. Vừa mới dừng xe trước cổng nhà già Sinh, chưa kịp cất lời chào tôi đã nghe tiếng Rmah Huy vọng ra từ phía vườn tiêu trước mặt: “Chuyện với già làng rồi thì nhớ sang nhà mình chơi đấy, mình kể chuyện làm tiêu cho mà nghe”.  Thì ra, Rmah Huy vẫn còn nhớ câu chuyện cách đây khoảng gần 2 năm khi tôi tìm đến anh để viết về gương thanh niên sản xuất giỏi. Nhà Rmah Huy bây giờ, mảnh vườn ngay sát đường là những trụ tiêu đang lên màu xanh mướt; xa hơn là những hàng cà phê trái trĩu cành; hai vợ chồng, người chăm vườn, người làm công nhân của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai, bảo ban nhau gầy dựng cuộc sống. Chẳng cứ nhà Huy, nhà Kpă Xuar, Kpă Klip, Kpă Nhơng, Kpă Phi… cũng đều đã ghi tên mình vào danh sách 70% hộ khá, hộ giàu của làng rồi.

Trong trí nhớ của già Sinh, ký ức về những ngày ông cùng bà con dân làng rời nhà từ ngọn Chư Mê Yah về nơi này lập làng xây dựng cuộc sống mới hồi những năm cuối thập kỷ 70 thật vô cùng sống động, như vừa diễn ra mới hôm qua đây. Ngày ấy, cuộc sống của bà con chủ yếu nhờ vào cây đậu phộng và lúa rẫy; đến những năm 1980-1982 thì một số hộ chuyển sang trồng lúa nước 2 vụ; và phải cộng thêm đến hơn 10 năm nữa thì công cuộc chuyển đổi cây trồng vật nuôi để xây dựng một cuộc sống ấm no mới được mở rộng trên bình diện cả làng. Cũng trong khoảng thời gian này, dân làng cũng bảo nhau học cách trồng cây cà phê, trồng tiêu, lớp thanh niên thì được nhận vào làm công nhân của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai và Công ty Cao su Chư Prông. Và, bắt đầu từ đây, làng Bạc (gồm 2 làng: Bạc 1 và Bạc 2) có một sự đổi thay rõ rệt, cuộc sống của đồng bào Jrai nơi đây ngày một khởi sắc, tươi mới hơn, ấm no hơn. Cả làng, hiện có khoảng 70 ha lúa nước, hơn 100 ha cà phê, 1.000 trụ tiêu; bên cạnh đó bà con còn nhận khoán chăm sóc cà phê cho Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai với trung bình 1 ha/hộ. Những gia đình như Rmah Huy, Kpă Klip, Kpă Nhơng (làng Bạc 1), Kpă Ngol, Rơ Lan Pen, Rơ Lan Pat (làng Bạc 2) không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành những tấm gương làm giàu điển hình để bà con trong làng học theo khi thu nhập năm sau cao hơn năm trước, trung bình khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm.

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm