Chuyện về Rơ Châm Bơng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vào những ngày tháng 4 lịch sử, một số Cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 320-Binh đoàn Tây Nguyên, những người lính một thời tham gia mặt trận phía Tây tỉnh Gia Lai trong kháng chiến chống Mỹ, hiện đang sinh sống ở thủ đô Hà Nội đã tìm về chiến trường xưa, xã E3, huyện 5 (nay thuộc xã Ia Lang-huyện Đức Cơ). Nơi họ đã từng gắn bó với quân dân địa phương lập nên những chiến công oanh liệt trong chiến đấu chống quân thù xâm lược. Trong chuyến đi ấy, họ có một ước muốn tìm lại một cậu bé du kích địa phương, người đã có hành động dũng cảm trong 1 trận đánh địch cách đây gần 42 năm, khi cậu bé đó khoảng 13-14 tuổi. Trong thời gian về thăm xã Ia Lang, qua câu chuyện với lãnh đạo xã, tìm đến những đồng đội cũ, các cựu chiến binh đã nhận ra cậu bé đó không ai khác, chính là đương kim Bí thư Đảng ủy xã Ia Lang-Rơ Châm Bơng.
 

  Đồng chí Rơ Châm Bơng (bên trái) cùng đồng đội từng là du kích xã Ia Lang trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ảnh: Trần Quốc Trung
Đồng chí Rơ Châm Bơng (bên trái) cùng đồng đội từng là du kích xã Ia Lang trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ảnh: Trần Quốc Trung

Đồng chí Rơ Châm Bơng sinh ngày 15-4-1958, trong một gia đình nông dân nghèo, thuộc dân tộc Jrai ở làng Gào-xã Ia Lang-huyện Đức Cơ, một vùng quê nổi tiếng với truyền thống kiên cường trong kháng chiến. Thời kỳ chống Mỹ, đồng bào nơi đây thể hiện niềm yêu kính lãnh tụ Hồ Chí Minh bằng việc tự đúc tượng bằng đồng về Bác Hồ để chuyền tay nhau và cùng nguyện một lòng theo Đảng, theo cách mạng, đoàn kết đứng lên chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược; vùng quê đã sinh ra người con ưu tú, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Siu Blễh.

Đối với Rơ Châm Bơng, một cậu bé người dân tộc thiểu số sớm biết vượt lên hoàn cảnh khó khăn của gia đình, mẹ mất sớm vì bệnh hiểm nghèo, lớn lên khi chứng kiến cảnh giặc Mỹ cùng bè lũ tay sai vô cùng tàn ác giết hại dân lành, đốt phá quê hương, làng mạc. Thời đó, giặc đến từng làng đốt phá nhà cửa, đuổi bắt  gà heo, trâu bò; đốt kho thóc, phá ruộng lúa, nương bắp; bắt bớ, đánh đập người dân, dồn vào cái gọi là "Ấp chiến lược" do chúng dựng sẵn. Bà ngoại của Bơng bị chết do trúng bom của đế quốc Mỹ; người chị gái cũng bị bọn địch hãm hại khi đã có chồng...

Với lòng căm thù giặc sâu sắc, sớm giác ngộ cách mạng, Bơng được tổ chức dìu dắt tham gia hoạt động đội du kích xã năm 1969 khi mới 11 tuổi. Ngay trong năm đó, cậu bé đã tham gia trận đánh đầu tiên và lập công, Bơng cùng đồng chí Kpuih Te-Tiểu đội trưởng du kích xã Ia Lang đến khu vực Hàm Rồng-Pleiku (đầu nguồn suối Ia Grăng xã Gào hiện nay) để gài mìn. Khoảng 30 phút sau khi bọn địch tới trận địa  mai phục, mìn nổ làm phá hủy 1 chiếc xe tăng M18, đồng thời tiêu diệt 20 tên lính Mỹ, Ngụy.

Trận đánh thứ hai diễn ra ác liệt trong ngày 19-11-1972 giữa bộ đội chủ lực và du kích địa phương đánh địch, khi chúng đổ bộ bằng máy bay trực thăng từ đồi Chư Yẽh xuống cánh đồng của làng Gào và làng Yẽh, bọn chúng khá bất ngờ vì bị rơi vào vòng phục kích của quân dân ta, trận đánh này quân ngụy chết rất nhiều, xác địch đầy đồng... Khi địch thất bại, lực lượng bộ đội chủ lực Sư 320 rút  lui, làm nhiệm vụ ngăn chặn địch ở khu vực Thanh An. Lúc đó, 1 đội quân du kích xã Ia Lang gồm Trung đội trưởng Rơ Lan Pek và các đồng chí Rơ Mah Ol, Rơ Châm Khui, Rơ Châm Hem, Rơ Châm Bảy, Rơ Châm Bơng bám trụ tại Làng Yẽh, đề phòng địch trở lại. Đúng như dự đoán của đội du kích xã, ngày hôm sau, 1 đội quân lính Mỹ đổ bộ xuống khu vực “Nhà Lá”, cạnh nơi ở của bộ đội Sư 320 đóng quân, chúng tiếp tục trúng trận địa của ta, quân địch bị thãm bại. Trận đánh đó, diễn ra lúc 9 giờ sáng 20-11-1972. Trận đánh thể hiện được hành động anh hùng của một cậu bé thiếu niên, Bơng đã dùng súng và lựu đạn tiêu diệt được 3 tên lính Mỹ, thu 1 khẩu ER 15, 1 khẩu súng ngắn và 1 máy bộ đàm của địch. Sau khi tiêu diệt địch, cậu bé đã chạy đi tìm các anh bộ đội để báo cáo, sự kiện đó Bơng được Đại đội trưởng Sâm và đồng chí Nga thuộc Đại đội Đặc công-Sư đoàn 320 chứng nhận và biểu dương khen ngợi.

 

Xe tăng quân giải phóng trong Chiến dịch Tây Nguyên. (ảnh tư liệu)
Xe tăng quân giải phóng trong Chiến dịch Tây Nguyên. (ảnh tư liệu)

Hai trận đánh tiếp diễn ra trong ngày 15-12-1972: Buổi sáng sớm, Rơ Châm Bơng và đồng chí Kpuih Thi-Xã đội phó đánh địch tại khu vực suối Ia Blong thuộc làng Gào, tiêu diệt 3 tên lính Mỹ; bắt sống 2 tên lính Ngụy thu được 3 khẩu ER 15. Trận đánh buổi chiều, Rơ Châm Bơng và đồng chí Rơ Lan Pêk-Trung đội trưởng dân quân xã thảo luận, bàn bạc phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực Sư 320. Bơng được cử mang lựu đạn ném vào địch ở khu vực suối Ia Krum làng Yẽh, kết quả 4 tên lính Ngụy bị tiêu diệt, thu 2 khẩu súng ER 15, cũng trong trận đánh đó Rơ Châm Bơng đã bị một số vết thương ở vùng mặt.

Do lập được những chiến công đánh địch, tháng 12-1972 anh được tổ chức cử đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua cấp huyện. Tại Đại hội, đồng chí Bí thư Huyện ủy Kpah Phák, đồng chí Lơ-Huyện đội trưởng và đồng chí Siu Tem-Huyện đội phó đã tuyên dương anh là dũng sĩ diệt Mỹ, lúc này Rơ Châm Bơng mới 14 tuổi. Tháng 3-1973 Rơ Châm Bơng được bình chọn đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua của Bộ Tư lệnh B3, Bơng vinh dự được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng 3, 1 Huy chương Kháng chiến hạng nhất, 1 danh hiệu chiến sĩ thi đua. Đến ngày 20-4-1973 Bộ Tư lệnh B3 cử Rơ Châm Bơng đi học văn hóa tại Trường Phổ thông A Ma Trang Lơng. Sau 4 năm học tập tại trường, tháng 12-1976 vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh xin nghỉ học về quê và tích cực tham gia các hoạt động công tác ở địa phương.

Suốt từ năm 1976 đến nay, trải qua các lĩnh vực công tác từ cán bộ thôn, cán bộ Văn phòng Đảng ủy đến các cương vị chủ chốt của xã như Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Đảng ủy và hiện nay là Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã, cương vị nào anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần cùng Đảng bộ, quân và dân các dân tộc xã Ia Lang thu được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, dựng xây quê hương  ngày càng đổi mới, phát triển.

Trần Quốc Trung

Có thể bạn quan tâm