Người góp phần quảng bá văn hóa bản địa ra thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mọi người biết đến anh không đơn thuần chỉ với vai trò Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông (trước kia là Sở Bưu chính-Viễn thông) mà còn bởi anh là người luôn “cháy” hết mình với những đam mê nghiên cứu. Để rồi, chính những đam mê ấy, Nguyễn Ngọc Hùng đã góp phần quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống của người dân bản địa ra thế giới…

Sáng tạo trong công việc

Gần 8 năm trong vai trò là Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông (trước kia là Sở Bưu chính-Viễn thông)-quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và báo chí, xuất bản, Nguyễn Ngọc Hùng luôn chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh cũng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đến nay đã đạt tỷ lệ 4 máy tính/100 dân (tăng khá nhiều so với năm 2003-chỉ dưới 1 máy tính/100 dân). Mạng lưới bưu chính đã phủ kín địa bàn tỉnh với bán kính phục vụ bình quân là 4,17 km/điểm, có 96% xã, phường, thị trấn có báo đến trong ngày, việc cung cấp phát báo đến vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được thực hiện kịp thời và đầy đủ…
 

Anh Nguyễn Ngọc Hùng. Ảnh: Phương Dung
Anh Nguyễn Ngọc Hùng. Ảnh: Phương Dung

Hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh ngày càng phong phú và có chiều sâu, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng. Đặc biệt, anh còn chủ trì triển khai thực hiện nhiều dự án như: “Hệ thống Hosting phục vụ phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh”; “Cổng thông tin điện tử tỉnh”; “Hệ thống hội nghị qua truyền hình của tỉnh”; “Hệ thống bảo mật thông tin cho các huyện, thị xã, thành phố”;… Đồng thời, anh cũng chỉ đạo liên kết tổ chức 30 lớp đào tạo về công nghệ thông tin cho công chức, viên chức các cơ quan nhà nước cấp huyện, xã nhằm nâng cao kỹ năng hành chính trong thực thi công vụ; 10 lớp ứng dụng công nghệ thông tin cho nông dân và phối hợp với Hội Nông dân triển khai thành công dự án “Hỗ trợ nông dân ứng dụng internet”…

Ngoài ra, với trách nhiệm là Bí thư Chi bộ, Nguyễn Ngọc Hùng đã cùng Chi bộ giữ vững vai trò là hạt nhân lãnh đạo trong mọi công việc, nhiệm vụ ở cơ quan, xây dựng Chi bộ đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh, công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc…

Quảng bá văn hóa bản địa ra thế giới

Ngay từ khi còn là chuyên viên Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Gia Lai, Nguyễn Ngọc Hùng đã ấp ủ việc xây dựng bộ từ điển điện tử phương ngữ Jrai-Việt với mong muốn được quảng bá những nét đẹp cũng như bản sắc văn hóa của người bản địa ra thế giới. Song, để xây dựng bộ từ điển này cần phải có thời gian cũng như các cộng sự đắc lực am hiểu về làng, rành tiếng địa phương… nên phải mất khá lâu, đề tài mới được triển khai thực hiện. Anh chia sẻ: “Ban đầu, đề tài chỉ đăng ký nghiên cứu trong thời gian một năm nhưng rồi phải kéo dài thêm một năm nữa. Bởi, ngay cả quá trình đọc tiếng, lọc âm cũng rất mất thời gian rồi phải tổ chức các buổi hội thảo dưới làng để lấy ý kiến góp ý của những người hiểu biết…”. Dù chưa đầy đủ nhưng bộ từ điển điện tử khá tương đối và nhiều từ hơn bộ từ điển giấy (nếu từ điển giấy có 8.000 từ thì từ điển này tới mười mấy ngàn từ)… Mặt khác, từ điển điện tử cũng tập hợp hơn 80 video clip nói về truyền thống, văn hóa đặc trưng của người Jrai với các lễ hội: Pơthi, Cưới chồng, Mừng lúa mới, lễ Tạ ơn cha mẹ hay Kể khan...

Theo Nguyễn Ngọc Hùng thì tiếng Jrai có 5 phương ngữ chính song anh và nhóm cộng sự đã chọn ngôn ngữ của vùng thị xã Ayun Pa làm phương ngữ chính trong quá trình biên soạn. Tuy nhiên, khi tra cứu một từ trong bộ từ điển điện tử, mọi người cũng có thể tìm được nghĩa trong các phương ngữ khác nhau nên rất thuận tiện. Hơn thế, bộ từ điển gồm hai bảng chính, một dùng để học sinh và cán bộ dùng trong học tập, nghiên cứu; một để dùng trên internet để mọi người cùng tra cứu, góp ý thêm để sửa chữa cho bộ từ điển thêm phong phú, hoàn chỉnh hơn.

Để hoàn thành đề tài trên, anh và nhóm cộng sự đã phải rất kỳ công và thành quả của cả nhóm là đề tài được đánh giá cao và ứng dụng thực tế mang lại hiệu quả thiết thực. Anh tâm sự: “Trong 54 dân tộc anh em thì đây là dân tộc thiểu số đầu tiên được xây dựng từ điển điện tử phương ngữ có quảng bá về truyền thống, văn hóa. Từ điển này đã mở ra một kho cơ sở dữ liệu số đầu tiên về ngôn ngữ, phong tục tập quán và văn hóa truyền thống của đồng bào Jrai tại Gia Lai và là một biện pháp hữu hiệu nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập, phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng địa phương.Và sau thành công của từ điển điện tử phương ngữ Jrai-Việt, anh cũng tham gia nghiên cứu và biên soạn từ điển điện tử phương ngữ Bahnar-Việt”.

Ngoài ra, anh còn chủ động liên hệ và phối hợp với Sở Thông tin-Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh thực hiện dự án “Hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa qua mạng”. Dù không thuộc chuyên ngành mình quản lý, song dự án lại là điều mà anh rất tâm huyết và tự hào. Và dù hệ thống mới được triển khai giai đoạn đầu song đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân nghèo.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm