Chuyện về già làng A Riêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông tên là A Riêu, già làng Kon Jơdreh, xã Đak Bla, TP. Kon Tum. Hơn 40 năm qua, ông đã cứu chữa cho hàng ngàn người đau ốm qua cơn nguy kịch, góp phần đẩy lùi những suy nghĩ nặng nề lạc hậu tồn tại từ xa xưa của người Bahnar tại địa phương. Ông là biểu tượng của làng, như mái nhà rông đứng sừng sững bên dòng sông Đak Bla hùng vỹ.

Nửa đêm… cứu người

Làng Kon Jơdreh nằm nép mình bên quốc lộ 24, cách TP. Kon Tum 6 km theo hướng Đông. Tại đây, người ta gọi A Riêu là “bác sĩ già làng”, bởi ông là một bác sĩ nghỉ hưu, mấy chục năm qua, biết bao nhiêu người Bahnar đau ốm rơi vào hoàn cảnh thập tử nhất sinh đã được ông cứu chữa kịp thời thoát khỏi cái chết.
 

Già làng A Riêu. Ảnh: Nguyên Phi
Già làng A Riêu. Ảnh: Nguyên Phi

Năm 1992, sau thời gian 20 năm công tác tại Bệnh viện Đa khoa Kon Tum, ông nghỉ hưu về lại sống cuộc sống thanh tịnh của núi rừng. Tuy vậy, cuộc sống ông vẫn chưa được nhàn nhã như ý muốn. Là người uy tín trong thôn, ông được bà con tin tưởng bầu vào vị trí già làng, làm người lãnh đạo tin thần cho họ. Nghỉ việc ở cơ quan, nhưng khi về với bà con, ông lại thêm lần nữa sử dụng chuyên môn của mình vào công tác cứu người chữa bệnh. Dù tuổi cao, đường sá đi lại khó khăn, ông không quản ngày đêm mưa nắng đi đến các thôn làng xa xôi để khám-chữa bệnh cho bà con. Trò chuyện, ông vẫn nhớ như in những ca cấp cứu mà ông đã giành lấy sự sống ngay trong tay thần chết…

…Vào một buổi tối năm 2003, bà Y Tiên (ở thôn Kon Trei, xã Đak Bla) do không cẩn thận trong vệ sinh cá nhân đã bị viêm tử cung nặng mất máu trầm trọng, rơi vào trạng thái bất tỉnh nguy hiểm. Trong tình huống khẩn cấp ấy, già A Riêu đã ngay lập tức vượt núi băng rừng ngay giữa đêm khuya đến nhà bà Y Tiên để thực hiện các biện pháp cấp cứu cầm máu nhằm giành lại sự sống cho bệnh nhân. Sau khi được tiêm thuốc, bà Y Tiên dần qua cơn nguy kịch, 6 ngày sau bà đã bình phục hoàn toàn.

Tâm sự, ông nói: “Mình cứu họ là trách nhiệm thôi, không có tiền bạc gì đâu. Đồng bào mình nghèo lắm, không có tiền đâu, phải giúp họ thôi, “Lương y như từ mẫu” mà. Mình phải giúp mọi người cho đến khi mình chết thì thôi!”.

Góp phần bài trừ hủ tục

Già làng A Riêu sinh năm 1943 trong một gia đình nghèo bên dòng sông Đak Bla. Thuở nhỏ, A Riêu đã mang một ước vọng lớn lao đó là được học tập và mang những tri thức thời đại về thay đổi cuộc sống người Bahnar ở bản xứ. Dù gia đình nghèo khó nhưng A Riêu học rất giỏi, sau khi tốt nghiệp trường cấp II Pi Nos (nay là Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, TP. Kon Tum) ông thi đậu vào Đại học Y khoa Sài Gòn. Sau 7 năm học tập, ông tốt nghiệp loại giỏi và về làm việc tại Khoa Nội 2, Bệnh viện Quy Nhơn-Bình Định. Năm 1975, ông trở lại Kon Tum rồi ở lại làm việc tại Bệnh viện Quân y Minh Quý. Sau đó, Bệnh viện Minh Quý giải tán, do có bằng cấp chuyên môn nên ông được điều sang Bệnh viện Đa khoa Kon Tum. Ông công tác tại đây cho đến năm 1992 thì nghỉ hưu.

“Ngày ấy, đồng bào ở đây lạc hậu lắm, đau ốm gì cũng cho rằng do ma quỷ làm rồi mời thầy cúng về cúng để trị bệnh rất tốn kém. Mình phải đến để trị bệnh và tuyên truyền cho bà con để bà con hiểu”-ông tâm sự. Là một thầy thuốc, ông ý thức được trách nhiệm của mình là phải tận tâm chữa bệnh cứu người. Ông bảo: “Bà con mình nghèo lắm, tiền đâu mà mua thuốc!”. Trong gian nhà nhỏ đơn sơ, tủ thuốc chính là thứ giá trị nhất mà ông có. Ông cho biết, tất cả thuốc đó là do Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kon Tum hỗ trợ để giúp đỡ bà con.
 

Ảnh: Nguyên Phi
Ảnh: Nguyên Phi

Không chỉ tham gia chữa bệnh cứu người, ông còn tích cực tham gia các hoạt động bài trừ các tập tục lạc hậu. Ông quan niệm: “Mình trị bệnh cho bà con mà không phải tốn heo gà rượu để cúng Yàng nên người ta quý mình. Mình khuyên người ta chân thành nên cái gì họ cũng nghe cả. Thanh niên thì mình khuyên phải chạy xe cẩn thận, phải học lấy cái bằng lái rồi chạy xe cho đúng pháp luật, không được ăn cắp, đánh nhau bậy bạ, không tốt! Người lớn thì chỉ bảo cho họ cách dạy con cái, khi bé dạy thế nào, khi lớn thế nào, rồi phải quan tâm con cái, giáo dục con cái… Phải tin theo Đảng, theo chính sách Nhà nước. Không được nghe theo lời bọn phản động...”.

Già làng A Riêu hiện là Chi hội trưởng chi hội Người cao tuổi thôn Kon Jơdreh, Ủy viên Hội Người cao tuổi xã Đak Bla. Trưởng thôn Kon Jơdreh, ông A Của nhận xét về già A Riêu với sự ngưỡng mộ: “Già làng A Riêu là người luôn hết mình vì bà con dân làng, xứng đáng là tấm gương sáng cho mọi người noi theo”.

Nguyên Phi

Có thể bạn quan tâm