Chuyện về người phi công anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuy ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Khoa vẫn còn minh mẫn. Giọng ông vẫn sang sảng khi nói về những năm tháng tuổi trẻ với “cánh én bạc” mặc sức “tung hoành” trên bầu trời Tổ quốc, cùng đồng đội đưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm nhân dân trên mọi miền đất nước hay dũng cảm chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, chiến đấu cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bọn Pôn-pốt Iêng-xa-ri hoặc “xé” màn đêm đi cứu viện đồng đội ra khỏi tình huống nguy cấp…

Những năm tháng hào hùng

Tôi vinh dự được gặp ông Nguyễn Đình Khoa khi ông cùng đoàn Cựu chiến binh 3 chiến dịch (chiến dịch Điện Biên Phủ-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ trên không-1972 và chiến dịch Đường 9 Khe Sanh-1972) đến thăm Gia Lai hồi tháng 4 vừa rồi.

 

Ảnh: Nguyễn Dung
Ảnh: Nguyễn Dung

Mặc dù rất mệt sau chặng đường dài “hành quân” từ Bắc vào nhưng ông vẫn ân cần, niềm nở kể cho tôi nghe về cuộc đời binh nghiệp của mình. Qua lời kể của ông, cuộc đời người anh hùng hiện lên thật sống động và rất đáng tự hào. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Quỳnh Xuân, Quỳnh Lưu, Nghệ An, học xong phổ thông, khi 18 tuổi ông xung phong nhập ngũ.

Nhờ có sức khỏe tốt, ông được tuyển vào lái máy bay trực thăng ở Quân chủng Không quân làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Những năm 50, 60 của thế kỷ trước, ông được giao lái máy bay Mi-4 và nhiều lần chở Bác Hồ đi thăm, chúc Tết cán bộ, quân và dân các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên… “Hiện chiếc máy bay này được đặt trang trọng trên bệ cao nhất trong Bảo tàng Không quân”-ông nói.

Sau đó, ông được cử sang Liên Xô học lái máy bay MiG 21-đây là loại máy bay được trang bị đầy đủ vũ khí, trang-thiết bị. Năm 1975 giải phóng Đà Nẵng, ông được giao đi tiếp quản máy bay UH1A của Mỹ và dùng máy bay này làm nhiệm vụ truy quét FULRO ở Lâm Đồng và Đak Lak. Sau đó, ông lại cùng đồng đội sang Campuchia chiến đấu chống bọn Pôn-pốt Iêng-xa-ri, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng (1977-1979).

 

Ảnh: Nguyễn Dung
 

Ông luôn được đồng đội tin tưởng giao dẫn đầu đội hình chiến đấu. Với tinh thần quả cảm, không sợ gian khổ, hy sinh, ông đã cùng đồng đội lập được nhiều thành tích trong chiến đấu. Kết thúc chiến tranh Campuchia, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1979). Năm 1980, theo yêu cầu nhiệm vụ, ông lại sang Học viện Ga-ga-rin (Nga) để học.

Học xong, ông về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 916 ở Hòa Lạc đến năm 1987. Những năm 1987-1997, ông làm Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân. Từ 1997 đến 2000 làm Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 18 (Binh đoàn Không quân trực thăng Việt Nam). Năm 2000, ông về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá-“đây là quân hàm cao nhất ở đơn vị trực thăng vận tải”.

Ăm ắp kỷ niệm về Bác Hồ

Đang kể chuyện về cuộc đời binh nghiệp, ông Khoa bỗng dừng lời. Mãi một lúc lâu, ông mới trải lòng: “Cuộc đời binh nghiệp của tôi có rất nhiều kỷ niệm nhưng dấu ấn về lần đầu tiên vinh dự được chở Bác Hồ đi chúc Tết đồng bào Quảng Ninh và lần được Bác gọi cho ăn cơm cùng rồi lần cuối cùng gặp Bác là tôi không thể nào quên”.

Giọng trầm ấm, ông kể: Tháng 2-1965, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ chở Bác Hồ đi thăm, chúc Tết đồng bào Quảng Ninh. Tổ bay của chúng tôi gồm 3 người, tôi lái chính, 1 lái phụ kiêm dẫn đường và 1 cơ giới trên không. Đoàn xe hộ tống Bác ra đến Sân bay Bạch Mai thì tổ lái đã sẵn sàng. Đến Quảng Ninh, máy bay hạ cánh, Bác gọi tôi vào hỏi: “Cháu quê ở đâu”. “Dạ thưa Bác cháu quê Nghệ An”. Bác cười bảo: “Vậy là cùng quê với Bác rồi”. Rồi Bác ân cần hỏi thăm về gia đình, con cái… Bác lại hỏi: “Cháu lái máy bay được bao nhiêu năm rồi?”. “Kính thưa Bác, cháu lái máy bay đến nay là năm thứ 7 rồi ạ. Nhưng đây là lần đầu tiên cháu vinh dự được đưa Bác đi”. Bác cười hiền hậu và vỗ vai tôi trìu mến.

Sau đó, tôi đã nhiều lần đưa Bác đi Thái Nguyên, Hải Phòng và các địa phương khác. Có lần, Bác gọi cả tổ lái đến ăn cơm cùng Bác. Hôm đó, có cả bác Phạm Văn Đồng cùng đi. Địa phương chuẩn bị một mâm cơm để Bác, bác Đồng và đồng chí bảo vệ dùng nhưng Bác đã gọi cả tổ bay đến cùng ăn. Chúng tôi không thể nào diễn tả hết nỗi xúc động trước sự quan tâm của một vị lãnh tụ dành cho mình. Trong bữa ăn, Bác nói chuyện rất vui giúp chúng tôi cảm thấy vô cùng gần gũi. Đó là bữa cơm ngon nhất trong cuộc đời tôi.

 

Ảnh: Nguyễn Dung
Ảnh: Nguyễn Dung

Kỷ niệm thứ 3 là vào tháng 8-1968, khi ấy tôi đang làm Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917 được báo về gặp Bác Hồ khi Bác đến thăm Quân chủng. Hôm đó, Bác gọi Anh hùng Nguyễn Văn Cốc lên hỏi: “Chú Cốc bắn rơi mấy chiếc máy bay?”. “Thưa Bác cháu bắn rơi 9 máy bay của Mỹ”-anh Cốc trả lời. “Chú đánh nhau có sợ hy sinh, sợ chết không?”. “Kính thưa Bác, kẻ thù đến xâm lược đất nước ta nên khi chiến đấu cháu không sợ hy sinh, chỉ sợ không tiêu diệt được nhiều địch”. “Bác hoan nghênh tinh thần của chú”-Bác bảo.

Bác nói rồi gọi một chị phụ nữ lớn tuổi ngồi phía dưới lên hỏi: “Cháu làm gì?”. “Kính thưa Bác cháu làm anh nuôi”. Bác cười bảo: “Sao cháu làm anh nuôi được. Cháu chỉ làm chị nuôi được thôi”. Mọi người cùng cười vui vẻ. Sau đó, Bác căn dặn chúng tôi 4 điểm, đó là: Các chú là không quân-lực lượng nòng cốt của cuộc chiến tranh này, phải phát huy tài năng, dũng cảm, mưu trí để đánh rơi nhiều máy bay của địch, tiêu diệt nhiều quân sĩ địch. Phải trung thành với Đảng, với nhân dân, khi Tổ quốc cần các chú phải là những người gương mẫu, trung thành.

Quan hệ với nhân dân, với địa phương những nơi đơn vị hoạt động phải quý dân, bảo vệ dân để dân quý, dân yêu. Khi chiến tranh, các nước xã hội chủ nghĩa, bầu bạn thế giới bảo vệ mình, ủng hộ mình nên phải củng cố quan hệ quốc tế rộng rãi, làm sao phát huy tính ưu việt của Việt Nam, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Rồi Bác quay sang Đại tướng Văn Tiến Dũng-Tổng Tham mưu trưởng ngồi bên cạnh bảo: “Chú Dũng nhắc lại 4 điểm của Bác cho mọi người nghe”. Chúng tôi ngồi phía dưới ai cũng lo lắng vì khi Bác nói, Đại tướng quay sang nói chuyện riêng với anh Lê Trọng Tấn. Vậy mà Đại tướng vẫn nhắc lại được hết 4 điểm của Bác.

Tôi không ngờ đó cũng là lần cuối cùng được gặp Bác. Tài năng, đạo đức và tác phong của Bác đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình làm chỉ huy, lãnh đạo sau này. Vì thế, tôi được anh em rất quý mến, nhiều năm liền bầu là chiến sĩ thi đua, được nhiều lần đi dự Hội nghị thi đua toàn quân, toàn quốc.

Nguyễn Dung

Có thể bạn quan tâm