Gia Lai: Pleiku Hiện đại và bản sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thành phố Pleiku Giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 14% trở lên. Phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người tăng 1,9 lần so với năm 2010. Phấn đấu đến trước năm 2020 là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Tháng mười này, Pleiku tưng bừng hoa sữa nở và như đang khoác lên mình áo mới.
Tôi không nghĩ rằng mình đã ở xứ này đến ba mươi năm. Ba mươi năm chưa phải là dài, chỉ là một chớp mắt của lịch sử, nhưng với đời người, nó là một định lượng thời gian đáng kể. Và cái định lượng thời gian ấy đang định hình trong tôi những khoảnh khắc xen lẫn dằng dặc kỷ niệm và dư ba.
Gia Lai: Pleiku Hiện đại và  bản sắc ảnh 1
 
Ba mươi năm trước, chẳng phải khó khăn lắm, ta cũng có thể hình dung Pleiku nó như thế nào. Lứa như chúng tôi không phải là những người sớm đến Pleiku, bởi ai cũng biết, Pleiku đã có đến hơn tám mươi năm tuổi. Tính từ sau giải phóng thì trước đó đã có hàng bao nhiêu người lấy đất này làm quê hương. Thăng trầm dâu bể, bồi lở thiên di, rất nhiều người sau một cơn sốt đã không bao giờ trở dậy, bao nhiêu người ngã xuống vì hòn tên mũi đạn dù đang sống trong thời bình, kể cả nhiều người đi phép và dằng dặc không trở lại vì nghĩ đến cái cảnh vượt hai con đèo về lại nơi heo hút ấy nó ảm đạm quá, buồn bã quá... rồi mà tặc lưỡi, ở lại quê... Tất cả những người ấy, bây giờ có dịp trở lại, hẳn đều ngơ ngác trước một Pleiku khang trang hiện đại và vẫn cố giữ được bản sắc của mình.
Đến giờ, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 15%, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng tăng từ 38% năm 2005 lên 41,5% năm 2010 này. Nhắc thế lại nhớ cái ngày từng cơ quan phải cho xe đi chở nước về phân phối cho cán bộ, công nhân viên sử dụng. Thời gian làm việc chuyên môn phải xen kẽ thời gian đi trồng mì, cấy lúa cải thiện, mà nào năng suất có được là bao. Một thành phố phát triển là một thành phố mà tỷ trọng giữa sản xuất công nghiệp, tiểu-thủ công nghiệp hài hòa với các ngành thương mại dịch vụ. Theo thống kê giá trị của các ngành dịch vụ Pleiku tăng trưởng bình quân hàng năm là 12,8%, đóng góp trên 60% nguồn thu ngân sách trên địa bàn. Chất lượng các loại hình thương mại-dịch vụ được nâng lên và phân bổ tương đối hợp lý trên địa bàn thành phố.
 
Mới đây tôi bỏ ra một ngày đi chơi, loanh quanh mãi mà chưa chắc đã hết địa phận Pleiku. Thì ra Pleiku rất rộng mà khi kể với nhiều người đã ở Pleiku khá lâu họ đều thú nhận là... chưa biết hết Pleiku. Những là Tân Sơn, Chư Á, những là Diên Phú, xã Gào... miên man và ngờm ngợp màu xanh xen lẫn các khu đô thị đang mọc lên, hiện đại và tiện nghi. Được biết công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch được thành phố rất quan tâm, quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2020 đã được phê duyệt, hiện đang quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 ở 14 phường và 4 xã. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị được đặc biệt chú ý.
Thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng phúc lợi xã hội như trường học, trạm y tế, công sở và chỉnh trang đô thị như điện chiếu sáng, nâng cấp vỉa hè, trồng cây xanh đường phố, đặc biệt là những công trình trọng điểm về giao thông, đô thị do Trung ương và tỉnh đầu tư như Quảng trường Đại Đoàn Kết, quốc lộ 14, 19 đi qua thành phố, cải tạo nâng cấp sân bay khiến cho việc thông thương Pleiku với hai đầu Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh bây giờ đơn giản như... đi chợ, làm cho bộ mặt thành phố thay đổi rõ rệt. Một loạt các dự án đang triển khai xây dựng như Khu Phố mới Hoa Lư- Phù Đổng, Khu Đô thị Cầu Sắt, Trung tâm Thương mại Hội Phú, sân vận động, Bệnh viện Hoàng Anh... các dự án chuẩn bị triển khai như khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh, đường Nguyễn Chí Thanh... cùng với các dự án đã hoàn thành như Hội sở Hoàng Anh, chung cư cao tầng, Bến xe Đức Long (đây là bến xe đầu tiên trên cả nước do tư nhân lập ra, hiện đại và tiện lợi, trở thành mô hình mới, được nhân tiếp ở nhiều nơi), Siêu thị Co.op Mart, Trường Nguyễn Văn Linh... khiến cho Pleiku mỗi ngày một mới. Nay mai, tượng Bác hoàn thành sẽ biến cả khu vực trung tâm Quảng trường thành một quần thể kiến trúc đẹp và sầm uất với quảng trường, bảo tàng, công viên, khu liên cơ... làm cho Pleiku có tầm hơn, sang trọng hơn mà vẫn là Pleiku với những đường nét kiến trúc của riêng nó...
Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác
Ai ở Pleiku lâu một tí đều nhớ cái cảnh người Pleiku hồi ấy gù lưng trên những chiếc xe đạp, và những chiếc xe đạp ấy là phương tiện để người thành phố ra ngoại ô làm rẫy, làm ruộng. Bây giờ xe ô tô biển trắng 81 đông nghìn nghịt ngoài đường, và người Việt Nam đầu tiên mua máy bay riêng là một người Pleiku. Và cũng nói luôn điều này, là các cháu sinh viên người Pleiku đi học ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều rất tự hào khi mang theo xe máy biển số 81 để đi. Pleiku đã là một thương hiệu cả về sự học giỏi và sự giàu. Nó là nỗ lực rất lớn của từng người dân cho đến cả tập thể Đảng bộ. Tuy thế, cũng phải thấy rằng, còn rất nhiều điều phải nói về Pleiku. Sự phát triển bao giờ cũng kèm những cơn sốt vỡ da. Ví như dân trí chưa theo kịp đà phát triển. Ý thức thị dân của một bộ phận dân Pleiku còn yếu. Sự phát triển của thành thị bao gồm cả hai yếu tố phải đồng đều phát triển là đô thị và thị dân. Ngay sự phát triển đô thị không khéo cũng dễ dẫn đến sự mất bản sắc, đến sự tự phát trong quy hoạch và thiết kế, dẫn đến nguy cơ nhôm nhoam nhôm kính, lộn xộn ăn theo. Và sự giàu lên nhanh chóng của một bộ phận dân cư là điều đáng mừng song không phải là kèm theo nỗi lo, ấy là sự coi nhẹ các giá trị tinh thần, là sự băng hoại đạo đức, nhân cách, là sự làm giàu bằng mọi giá, mà quên đi một điều rằng, cái còn lại cuối cùng của mỗi cuộc đời, của mỗi con người, chính là tình yêu, là tính nhân văn, là sự cao thượng, trong sạch thanh thản của tâm hồn và nhân cách...

Hoàng Hương Giang

Có thể bạn quan tâm