Nơi luôn thắp sáng lòng từ tâm…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một căn nhà nhỏ, đơn sơ nằm gọn trong con hẻm thuộc tổ 12, phường Trà Bá, TP. Pleiku (cách Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai khoảng 300 mét), nhưng lâu nay nó đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng như người nhà của họ... Ngôi nhà đó mang tên Cộng đoàn Đồng Tâm.
Chén cơm tình thương...
Thành lập từ năm 2005 bằng nguồn tài trợ chính do cha Nguyễn Văn Đông (Giáo xứ Thăng Thiên) huy động với sự cộng tác của Dòng mến thánh giá Quy Nhơn cùng với những người trong họ đạo Giáo xứ Thánh Tâm, Cộng đoàn Đồng Tâm là nơi giúp đỡ hàng trăm bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và người nhà bệnh nhân, cung cấp khoảng 100 suất cơm miễn phí mỗi ngày. Trong 5 năm qua, Cộng đoàn này cũng đã giúp cho hơn 2.500 lượt ca bệnh vào TP. Hồ Chí Minh chữa trị với khoản trợ cấp từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/bệnh nhân; riêng với những ca bệnh nặng, khoản trợ giúp này có thể tăng lên từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Các bệnh nhân và người nhà lấy cơm. Ảnh: K.H
Các bệnh nhân và người nhà lấy cơm. Ảnh: K.H
“Nhà mình nghèo, có 9 đứa con. Được các bác sĩ chỉ cho tới đây lấy cơm ăn mỗi ngày, mình cảm ơn nhiều lắm!”- đó là lời tâm sự của chị H’Hyir, 40 tuổi, ở làng Ngol (xã Hneng, huyện Đak Đoa), vợ và mẹ của hai bệnh nhân bị suy tim đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Còn anh Thê, 42 tuổi, ở làng Chuét 1 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku), một bệnh nhân suy tim nhập viện hơn 1 tháng nay cũng xúc động chia sẻ: “Nhà tui nghèo, vợ bán rau ở chợ, có 8 đứa con đều phải làm thuê kiếm tiền nên tui đến đây không ai chăm sóc. Từ ngày nhập viện tới giờ ngày hai bữa tui đều lấy cơm, lấy nước ở đây, không mất tiền mua”. Cùng với số tiền 20.000 đồng/ngày hỗ trợ cho mỗi bệnh nhân người dân tộc thiểu số của UBND tỉnh và các tổ chức xã hội, sự giúp đỡ của Cộng đoàn đã làm ấm lòng thêm hàng ngàn bệnh nhân và thân nhân của họ.
Ngôi nhà nhỏ này không chỉ phục vụ ngày hai bữa ăn chính mà còn là nơi cung cấp nguồn nước sạch giúp cho các bệnh nhân trong sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, giặt giũ... Các xơ còn trở thành những “phiên dịch viên” tận tình, chu đáo, hướng dẫn bệnh nhân tỉ mỉ, từ các thủ tục nhập viện đến dặn dò kỹ lưỡng phải uống thuốc đúng liều lượng theo đơn kê của bác sĩ. Thời gian rảnh các xơ lại tranh thủ đến động viên, an ủi và thăm hỏi bệnh nhân tại bệnh viện. Nhiều khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên khi các xơ tới thăm. Anh Jin, 38 tuổi ở huyện Phú Thiện- một bệnh nhân điều trị bệnh tiểu đường đã 5 năm xúc động: “Các xơ tốt lắm. 1 tháng nữa mình về, mình nhớ các xơ lắm…”.
…Và lòng từ tâm
Những bữa cơm dù đạm bạc nhưng tấm lòng của các xơ dành cho bệnh nhân nghèo thì ai cũng nhìn thấy. Trong nỗi nghẹn ngào, xót xa, xơ Dương Thị Hoài Bạch trải lòng với chúng tôi: “Họ quá khổ, đôi lúc chỉ là những căn bệnh thông thường nhưng vì thiếu hiểu biết, thiếu thốn đã khiến họ dễ dàng đánh mất tính mạng mình. Những trường hợp đặc biệt như sứt môi, hở hàm ếch, bị bệnh tim bẩm sinh, chúng tôi liên hệ tìm nguồn kinh phí để giúp họ chữa trị bệnh…”.
Các xơ đến với ngôi nhà này không cùng một lúc, song họ có cùng một suy nghĩ, một mong muốn là bệnh nhân mau khỏi bệnh. Họ cũng cùng đau nỗi đau của người bệnh khi mắc phải căn bệnh hiểm nghèo... Xơ Bạch kể lần đưa em Rơchâm Hyur, 4 tuổi, làng Bui (xã Ia Ka, huyện Chư Pah) bị não úng thủy và bị bỏng đi chữa bệnh. Trước đó, thấy con không được bình thường như những đứa trẻ khác, lại bị bỏng nên mẹ Hyur đã định vứt em xuống núi. Biết được hoàn cảnh đó, xơ đã lập tức đưa bé vào TP. Hồ Chí Minh và nhờ một người bạn với cái tên thường gọi là “cô Mến” ở quận Tân Phú- TP. Hồ Chí Minh giúp đỡ, chăm sóc. Cô Mến thường xuyên lui tới chăm nom em, giúp mẹ em cất giữ những món tiền mà những người hảo tâm giúp đỡ. Nhưng khi những người xung quanh hỏi về mối quan hệ giữa cô Mến với mình thì mẹ Hyur lại trả lời một cách hồn nhiên là… không biết. Vậy là cô Mến bị bắt giữ vì bị nghi ngờ là kẻ xấu. Nhận được tin, ngay trong đêm, xơ Bạch phải đón xe vào TP. Hồ Chí Minh để minh oan cho cô Mến. Từ đó cô Mến lại tiếp tục chăm sóc Hyur cho tới ngày hai mẹ con được ra viện.
Trong căn nhà này, ngoài dấu chân quen thuộc của các xơ, các bệnh nhân nghèo và người nhà bệnh nhân còn có các tình nguyện viên thường xuyên đến giúp lấy cơm cho bệnh nhân trong các bữa ăn. Chị Lê Thị Ly Ly trú tại xã Tân Bình, huyện Đak Đoa, chia sẻ: “Em  rất hạnh phúc khi được cùng với các xơ giúp đỡ bệnh nhân”.
Hướng ánh mắt trìu mến về những bệnh nhân nghèo đang lấy cơm, xơ Bạch lại thêm một lần giãi bày với chúng tôi về ước mong của mình: “Nhiều người làm việc thiện thì cuộc sống của người nghèo, bệnh tật sẽ nhẹ nhõm đi nhiều lắm”.
Ngọc Diệp- Ksor H’Bưi

Có thể bạn quan tâm