Những gương sáng của làng…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tuy điều kiện sống, vị thế xã hội khác nhau… nhưng ở họ có một điểm chung là: Hết lòng, hết sức vì cuộc sống cộng đồng. Họ chính là biểu tượng của sự phấn đấu vươn lên, là tấm gương sáng cho đồng bào các dân tộc thiểu số Chư Sê nói riêng, của tỉnh Gia Lai nói chung.

Anh hùng PUIH THU: Vì dân quên mình

Ông Puih Thu
Ông Puih Thu

Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng Anh hùng lực lượng vũ trang Puih Thu ở làng Tel Yố (xã Ia Hlốp) không quên một thời hào hùng của mình… Vào một buổi trưa năm 1963, Puih Thu đang trên đường từ làng Gran về làng Tel Yố thì gặp máy bay địch lượn trên đầu. Và, chỉ có khẩu súng trường trên tay, Puih Thu bắn cháy tên “giặc trời” ấy. Rồi sau đó là những đêm không ngủ để “săn” xe tăng địch hay phục kích xe cơ giới trên quốc lộ 14 và tham gia trận đánh Plei Me lịch sử… Với những chiến công ấy, ông được chọn tham dự Đại hội Chiến sĩ thi đua miền Nam tại Quân khu V và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang ngày 5-5-1965.

Chiến tranh kết thúc, về với cuộc sống đời thường, Anh hùng Puih Thu luôn quan tâm dạy bảo thế hệ trẻ ở làng rằng: “Đất nước được độc lập, tự do rồi nhưng chúng ta vẫn luôn phải đặt tinh thần cách mạng lên trên hết”. Anh hùng Puih Thu còn là người có uy tín, là người hòa giải giỏi nhất làng.

Ông SIU MIÊN- nguyên Bí thư Huyện ủy Chư Sê: Vui khi dân hiểu và làm theo

Ông Siu Miên
Ông Siu Miên

Năm 2008, ông Siu Miên nghỉ hưu về sinh sống ở làng O Bung, xã Ia Ko. Cả cuộc đời ông gắn liền với cách mạng, nên ông hiểu được niềm vui, nỗi buồn của dân. Năm 2003, tại xã Ia Glai một số phần tử xấu kích động thanh niên trong xã trộm cắp mủ cao su. Biết chuyện, ông Siu Miên gặp gỡ dân làng và phân tích: Đảng, Nhà nước ta đã đầu tư điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ cây giống, vật nuôi… để bà con có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Còn việc trồng cao su, Công ty đã vào đây khai hoang, rồi tạo việc làm cho mình. Mình phải biết giữ gìn của chung, chịu khó lao động thì mới nhanh thoát nghèo. Từ xưa, trong cộng đồng Jrai không có thói trộm cắp. Thấy ông Siu Miên nói vậy, đám thanh niên hiểu ra và không còn trộm cắp mủ cao su nữa.

Năm 2006, xã Ia Tiêm rộ lên chuyện “ma lai”. Người dân làng Khôi Yố đồn bà Kiu biết “thuốc thư” nên đòi giết bà và đốt nhà. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Siu Miên đã phân tích cho dân làng hiểu rõ hơn bản chất sự việc. Từ đó, mọi người không còn nghĩ đến lời đồn thổi tai hại kia.

Tuy đã về hưu, nhưng có chuyện gì dân làng cũng tìm đến nhờ ông giúp. Ông bảo phải sống thật lòng, hết lòng với họ thì việc gì dân cũng tin và làm theo.

Bà RƠ LAN H’THANH- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Dun: Đi đầu trong việc giúp hội viên thoát nghèo

Bà Rơn Lan H’Thanh
Bà Rơn Lan H’Thanh

Suốt 5 năm qua, bà Rơ Lan H’Thanh- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Dun là tấm gương sáng trong việc vận động chị em phụ nữ gia nhập Hội và giúp các hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Để làm được điều đó, bà luôn bám sát cơ sở, tuyên truyền rộng rãi đến với chị em chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, những kiến thức chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Nhờ vậy, toàn xã có 2.336 chị từ 18 tuổi trở lên thì có hơn 70% chị vào Hội. Nhiều hội viên nghèo được các chị em trong Hội góp tiền, công sức làm nhà ở, tặng bò cái sinh sản để có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Nhiều hội viên nghèo đã biết cách làm ăn, vươn lên khá giả, điển hình có chị Hoai, làng Queng Thoa, chị Lếch làng Queng O…

Đinh Yến

Huyện Chư Sê có 19 xã, 2 thị trấn, với 15 dân tộc anh em cùng chung sống. Toàn huyện có 188 làng đồng bào dân tộc thiểu số, với 77.271 người.

Có thể bạn quan tâm