Pleiku xưa – Chuyện hối lộ và… cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một buổi sáng đầu tháng 3, tôi được ngồi hầu chuyện năm người đàn ông Pleiku, tuổi từ 65 trở lên. Vì công việc, tôi lái câu chuyện về với những năm tháng đã qua của họ. Ban đầu hơi e dè một chút nhưng sau rồi thì ai cũng hào hứng. Và, không thể khác, những câu chuyện cũ bao giờ cũng có rất nhiều điều thú vị. Trong bài này, tôi chỉ nêu lại vài chuyện nho nhỏ, liên quan đến thành phố thân yêu của mình.

Một đường phố Pleiku có nhiều cây xanh. Ảnh: N.Q.T
Một đường phố Pleiku có nhiều cây xanh. Ảnh: N.Q.T
Thứ nhất là chuyện hối lộ: Theo các cụ thì trước 1975, khắp miền Nam, trong đó có Pleiku, hối lộ nhiều đến mức người ta buộc phải coi đó là một sự… bình thường của xã hội. Một đôi khi, chính quyền đương thời cũng có cố gắng chống tham nhũng, bài trừ hối lộ nhưng xem ra không ăn thua, nếu không muốn nói là càng ngày càng trầm trọng. Hối lộ lan tràn khắp nơi, hiển hiện từ cao đến thấp, đủ mọi hình thức, mức độ. Chuyện đáng phê phán như vậy, thế mà hai, ba cụ bỗng phá lên cười, nói vui rằng: Nhưng cũng phải “cám ơn” cái xã hội cũ nhiều hối lộ ấy nữa đấy. Nếu không, có khi mình đã chết vì bom đạn lâu rồi… Hóa ra, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng đa số những người ngồi nói chuyện với tôi buổi ấy đều có dính dáng đến sự trốn lính. Muốn trốn lính, việc đầu tiên thường là khai thấp tuổi xuống, tất nhiên phải chi tiền. Khai nhiều lần như vậy, đến khi “người già giấy trẻ”, thấy không ổn nữa thì quay qua hối lộ người đi bắt lính trực tiếp và gián tiếp. Việc này mà vẫn không ổn nữa thì dốc thật nhiều tiền ra để mua giấy chứng nhận bệnh tật vĩnh viễn không thể đăng lính được. Và cuối cùng là nếu đã làm đủ mọi thứ nêu trên rồi mà vẫn bị bắt lính thì có thể mua chỉ huy để được làm lính kiểng – nghĩa là binh sĩ đó vẫn có tên trong danh sách nhưng gần như luôn ở nhà làm lụng kiếm tiền, nộp thượng cấp và đương nhiên là lương cũng đã có cấp trên nhận thay. Kể chuyện hối lộ xong rồi các cụ tự bình luận: Một xã hội như vậy, không thể không suy vi, một quân đội như vậy không thể không sụp đổ.

Người đàn ông này khoe với bạn bè tấm ảnh của mình 40 năm trước. Ảnh: N.Q.T
Người đàn ông này khoe với bạn bè tấm ảnh của mình 40 năm trước. Ảnh: N.Q.T
Chủ đề hối lộ còn được vắt sang việc một người kia chỉ có ba con nhưng đã khai tăng lên thành bảy để lãnh lương nhiều nhưng tôi xin tạm dừng ở đây để nói lại câu chuyện về cà phê xưa của các công dân cao tuổi Pleiku hôm ấy. Theo các cụ, thời trước ở Pleiku, quán cà phê không nhiều như ngày nay (bây giờ dễ đến 500, 600 quán chăng?). Người bảo trước kia chỉ có độ dăm bảy quán, người lại nói có khi đến một chục hoặc hơn, không giống nhau. Nhưng chung qui lại, các chàng trai trẻ của 30 - 40 năm trước đều thống nhất rằng: Pleiku xưa, cà phê Dinh Điền là nhất hạng. Sau 1975, tên cái quán nổi tiếng đã đi vào văn học một thời và kí ức của nhiều người ấy đã không còn nữa. Mảnh đất trống phía sau cơ quan Thanh tra tỉnh bây giờ (đường Hai Bà Trưng, cổng tổ dân phố số 3, phường Tây Sơn), nay cũng đã trở thành nơi cho những ngôi nhà cao tầng tọa lạc. Nhưng xưa kia, bất kì ai được cho là biết thưởng thức cà phê phố núi cũng đều phải tới đây, nơi chỉ có một mái nhà lụp xụp, những cái ghế gỗ cũ kĩ, dăm bảy cái bàn ọp ẹp và một người chủ quán không hề sắc nước hương trời, thậm chí có thể nói là hơi... mập. Đến muộn, nhất định là hết ghế, các cụ đồng thanh nói. Có hôm, tôi phải ngồi bên mé chuồng heo nhà bà ấy để uống cà phê đấy các ông ạ, một cụ bổ sung. Chuyện xảy ra đã mấy chục năm, yêu cầu các cụ tả cà phê Dinh Điền ngon thế nào là việc khó khăn. Chỉ biết rằng, nó đặc biệt ngon, ngon không hề giống bất kì một loại cà phê nào hiện có ở các quán. Ngon lắm, ngon không thể quên được, một cụ đăm chiêu, mơ màng rồi nói tiếp: Như là có á phiện ở trong ấy các ông ạ…

Pleiku xưa (và nay) không thể không có cà phê và sự thực thì ngoài quán Dinh Điền ra, ngày trước, người ta vẫn nhắc đến cà phê Văn và Kim Liên. Một trong hai quán cà phê này vẫn còn tồn tại cho mãi đến nay.
Nguyễn Quang Tuệ

Có thể bạn quan tâm