Những câu chuyện kỳ khôi,vui nhộn về những con khỉ tinh khôn ở Bình Tân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Địa danh Bình Tân đang đề cập không phải ở Sài Gòn mà là một xã nằm dưới chân núi Thình Thình và núi Phượng Hoàng thuộc huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Đàn khỉ ở đây đã tồn tại hơn 50 năm và đang quậy phá tưng bừng thay cho đơn kiện về “Hoa Quả Sơn” bị thu hẹp.
Nhưng bên cạnh việc đại náo là những câu chuyện kỳ khôi, vui nhộn về những con khỉ tinh khôn, có thủ lĩnh giống thần khỉ Hanunman trong sử thi Ấn Độ.  
Tao thua mày!
Bà Nguyễn Thị Huần ở thôn Diên Lộc xã Bình Tân (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) ra đồng bẻ ngô. Hai sào ngô trồng cạnh con đường dẫn lên đỉnh núi Thình Thình nếu thu hoạch thì phải chở vài chuyến xe máy. Bàn tay chạm vào những trái ngô đầu tiên, bà đã giật mình vì “quái lạ, ai đó đã khéo léo lấy mất lõi quả ngô, chỉ để lại vỏ”. Bà cười ha ha vì ngay góc ruộng đã hiện ra kẻ trộm là những con khỉ tinh khôn. Xót ruột nhưng cũng không nhịn được cười, vì cách đàn khỉ đang náo động ruộng ngô là con khỉ chúa đang đu trên một ngọn cây để cảnh giới cho cả đàn. Ngọn cây oằn cong dưới sức nặng của thân hình khỉ chúa. Một cơn gió lùa nhẹ khiến nó ngã lộn cổ xuống đất nhưng mắt vẫn không rời mục tiêu.
 
Bà Huần xót vì khỉ ăn ngô, nhưng vẫn không nhịn được cười vì nó quá nghịch ngợm (Ảnh: Văn Chương)
Đàn khỉ trên núi kéo xuống như trẩy hội. Bà Huần đuổi phía trước thì nó xông vào phía sau. Đống ngô chưa kịp bỏ vào bao đã bị đàn khỉ cuỗm sạch. Con nào cũng cố ôm thật nhiều quả ngô trước ngực rồi tháo chạy. Suốt nửa buổi sáng vừa đuổi khỉ vừa bẻ ngô, cuối cùng bà Huần nói “thôi tao thua mày, nhưng mùa sau thì đừng có tới đây quậy nữa”. Bà Huần cho biết, khỉ rời núi xuống xóm làng, đàn khỉ trên núi Thình Thình rất tinh khôn, hiểu được tiếng người, nếu ai nặng lời la hét và chửi bới thì nó sẽ phá cho bằng hết như: nhổ đậu, đào củ mì, những cây không ăn được như keo, bạch đàn, khổ qua thì nó sẽ bẻ gốc, xới tung…
Khoảng thời gian 1 tháng trở lại đây, khắp xã Bình Tân râm ran chuyện con khỉ. Vì đây là địa phương chuyên làm nghề nông và khỉ luôn nhanh tay cướp phần. Những người nông dân không nhịn được cười khi chứng kiến từng con khỉ đi thu hoạch củ lang bằng cách quấn dây khoai lang quanh người, sau đó bỏ chạy để củ bật lên mặt đất. Còn củ mì thì được vài con đào gốc, sau đó chúng xúm nhau lay ngọn và kéo bật cả rễ lẫn củ. Tức khỉ, nhưng nói về chúng thì ai cũng cười vì đàn khỉ tinh khôn. Có một người dân đặt bẫy và ngồi rình đã chứng kiến con khỉ nhỏ kẹt chân trong bẫy thì 7 con khác xúm vào bật lẫy để giải thoát.
Ông Phạm Trung Việt là chủ một trang trại sát mé rừng từ năm 1991 nên hiểu rõ nhất về cuộc sống của bầy khỉ. Hơn 500 gốc chuối trồng ở các hẻm núi ông xem như “chuối cúng khỉ”. Dừng chân bên dốc núi và chỉ vào đám lá tranh, ông Việt nói khẽ “có đây, nó mới đi qua”. Dấu vết của con đường mà bà Huần và ông Việt chỉ cũng có thể ước tính “binh đoàn khỉ” hành quân ở mỗi khe núi khoảng 200 con. Bao gồm khỉ lông vàng và khỉ mặt đỏ đít đỏ. Ông Việt quyết định dẫn tôi đi sâu vào núi để tìm bầy khỉ, tới thăm thung lũng “Hoa Quả Sơn”.  
Đường vào 'Hoa Quả Sơn'
Đường lên núi Thình Thình rợp mát bóng cây. Những cây keo lai thẳng tắp và khá xinh đẹp trong mắt người nông dân. Nhưng keo là thứ cây chắc chắn đang bị bầy khỉ ghét cay ghét đắng. Vì trong quá khứ, núi Thình Thình hoang dã đầy ắp hoa thơm trái ngọt, cứ tới mùa hè, khắp sườn núi chín vàng quả chùm chài, mủ dẻ, ổi rừng, sim, mua… Còn giờ đây, dưới tán cây keo chỉ còn sót lại một số cây mà khỉ làm thức ăn như: cây chóp xôi, sặc, lách. Ông Việt có vẻ ngậm ngùi thương bầy khỉ và cho biết, “tới mùa nắng hết thức ăn thì cả bầy khỉ bẻ đọt lách, tước vỏ, ăn phần lõi, thấy rất tội nghiệp”.
 
Ông Việt và ông Bình trước lối vào “Hoa Quả Sơn” (Ảnh: Văn Chương)
Con đường đầu tiên dẫn đến khu bầy khỉ hay tập hợp vui chơi, nhảy nhót và đánh đu nằm cạnh một dòng suối cạn, tiếp giáp giữa 2 sườn núi phía bắc. Ông Việt cho biết, cứ nhìn lên ngọn cây, nếu thấy lúc lắc là bầy khỉ cả trăm con đang có mặt, nhưng hôm nay có lẽ chúng đã rút sang hướng khác. Tại khu vực sườn núi phía đông nam, nằm gần một hồ nước thiên nhiên, bầy khỉ chỉ còn để lại dấu vết là con đường mòn vẹt, lau sậy ngã rạp và in hằn một lối đi. Đây là nơi bầy khỉ uống nước, tắm rửa, sau đó leo trèo lên vườn chuối để kiếm ăn.
Đi qua nhiều con đường vẫn chưa tìm thấy bóng khỉ, ông Việt quyết định vào thẳng thung lũng “Hoa Quả Sơn” mà cả đời ông cũng chỉ đặt chân đến mé thung lũng vài lần. Đứng ở con dốc cao trước khi tụt xuống thung lũng “Hoa Quả Sơn”, ông Việt chỉ thẳng sang núi Phượng Hoàng nằm nối tiếp và cho biết “99% rừng biến thành rẫy trồng keo, vì vậy bầy khỉ chỉ còn lại khe Hố Sâu là nơi trú ngụ cuối cùng của khỉ”.
Anh Bình dẫn đoàn đi xuyên qua rừng tỏ ý tiếc rẻ vì quên không mang theo dao rựa để phát quang và đề phòng rắn độc. Đánh dấu lãnh thổ Hoa Quả Sơn là một loại cây thân gỗ cao vút và thẳng tắp rất giống cây so đũa. Trong quá khứ, ngọn núi Thình Thình dày đặc loại cây này và giờ gần như đã tuyệt chủng. Trước khi vào “Hoa Quả Sơn”, ông Huỳnh Hữu (80 tuổi) chia sẻ, đời ông biết đàn khỉ này đã hơn 50 năm. Thời trước, nếu ai tiến sâu vào rừng thì bầy khỉ sẽ xông ra bảo vệ. Ông mô tả “nó dọa người, nhảy từ cành này sang cành kia, nghiến răng, hú, lượn trước mặt mình, đánh đu sau lưng, rung cây rào rào. Nếu nó nhận ra người đó là phụ nữ thì thôi rồi, nó dọa dữ hơn để bỏ chạy”.
Hoa Quả Sơn trước mặt tôi tĩnh lặng. Thỉnh thoảng chỉ có một ngọn cây lắc nhẹ. Đài truyền hình Quảng Ngãi trước đó cũng chỉ quay được loáng thoáng lưng con khỉ, vì mỗi khi thấy ống kính là khỉ chúa hú gọi cả bầy rút lui.  
Thủ lĩnh khỉ
Anh Miền, một trong nhiều người từng tận mắt trông thấy thủ lĩnh khỉ ở núi Thình Thình. Anh kể, do trên núi trồng keo và bạch đàn nên hết cây hoa quả, vậy là nó kéo xuống tới sát nhà và lần đó anh giật mình khi “chạm” mặt khỉ chúa. Anh trố mắt nhìn vì con đầu đàn to như con chó béc giê. Cả đàn khỉ chạy nhảy bằng 4 chân, riêng con chúa thì cứ đi bằng 2 chân như con người. Anh kể: “Khi nó bước đi thì mông lắc qua lắc lại trông buồn cười nhưng cũng oai lắm. Mình đuổi nó không thèm chạy mà chỉ lững thững đi thôi. Nó đi nhưng luôn quay đầu quan sát phía sau liên tục. Lúc đó tôi thấy bộ lông mày khỉ chúa rất dài và bạc trắng như một ông già. Vì thấy nó quá bình tĩnh nên tôi cũng đâm ra hoảng sợ”.
 
Khỉ ở núi Thình Thình được mô tả là loại khỉ vàng và khỉ mặt đỏ (Ảnh: Viết Hảo)
Không chỉ có anh Miền mà rất nhiều người địa phương khác cũng từng “giáp mặt” khỉ chúa. Anh Hải, một nông dân cho biết, hôm đó anh đi kiếm bò thì kinh ngạc nhìn thấy một người lùn đi giữa bầy bò bằng 2 chân và thân hình thẳng đứng. Quan sát kỹ thì anh nhận ra con khỉ đầu đàn có bộ lông vàng. Nó như một con người và đi lại thẳng đứng. Gần đó là những con khỉ nhỏ đang cố sức trêu chọc bầy bò và anh hiểu rằng, bầy bò đi lạc là do những con khỉ tinh nghịch quá mức.
Ông Phạm Trung Việt kể lại, những con khỉ có tính cách nghịch ngợm này xuống tận trang trại để trêu chọc bầy lợn, xong rồi quay sang trêu chọc bầy chó ầm ĩ. Nhưng có lần con chó tốt nhất đi cùng ông vào gần khu vực Hoa Quả Sơn này thì nó bị khỉ tấn công. Con chó kêu lên đau đớn và vội vã tháo lui với chiếc chân cà nhắc, vẻ mặt hoang mang, hoảng sợ.

Ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đã nhận được phản ảnh về việc đàn khỉ xuất hiện ở thôn Nhơn Hà 1 và thôn Nhơn Hà 2, hiện nay chưa xác định được bao nhiêu con, nhưng đây là bầy khỉ đã từng tồn tại rất lâu tại khu vực này. Trên đỉnh núi Thình Thình có khu vực thấp, cây cao 3-4 mét là nơi đàn khỉ sinh sống. Đơn vị cùng địa phương đã khuyến cáo người dân là tìm cách đuổi khỉ ra khỏi rẫy chứ không được có những biện pháp gây hại.

Lê Văn Chương (Nông nghiệp Việt Nam/Kiến thức gia đình số 9)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…