Sống ở xóm ngụ cư: Những mảnh đời trôi dạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xóm ngụ cư là một thế giới khác giữa Sài Gòn phồn hoa.
1 - 2 giờ sáng, bà cháu bà Nhu mới về tới khu Hương Quê. ẢNH: LAM NGỌC
Những căn lều tạm, dãy nhà trọ xập xệ được dựng lên san sát nhau. Trẻ con không giấy khai sinh, vợ chồng không đăng ký kết hôn, thanh niên giải trí bằng đánh bạc, đá gà... Xóm ngụ cư là một thế giới khác giữa Sài Gòn phồn hoa.
Vừa qua cầu Xóm Củi (đường Nguyễn Văn Linh, H.Bình Chánh) hướng về miền Tây, bên tay trái có con hẻm nhỏ kéo dài gần 1 km. Đây là khu sắp giải tỏa, được gọi bằng cái tên Hương Quê bởi người sống ở đây đều là dân tỉnh lẻ, hầu hết gốc miền Tây. Có người vừa dọn đến vài tháng nhưng có người đã ở đây… mấy chục năm.
Dân thợ hồ, kết cườm, người nhặt ve chai trong xóm này thường thuê trọ với giá từ 400.000 - 1 triệu đồng/tháng. Những người thu nhập không ổn định, dân xì ke, đá gà thì cứ thế dựng chòi trên những nền đất trống mà chủ chưa xây nhà để tá túc. Cuộc sống ở những khu giải tỏa này dù thiếu thốn nhưng khá thoải mái bởi cơm ai nấy ăn, việc ai nấy làm, rất ít ai nhòm ngó hay can thiệp vào cuộc sống của nhau.
Đôi khi là hàng xóm sát vách, chứng kiến cảnh vợ chồng vác dao búa đánh nhau, những đứa trẻ bị cha mẹ hành hạ nhưng họ cũng chẳng quan tâm bởi chuyện đó… diễn ra hằng ngày. Họ cũng không báo chính quyền bởi: “Cán bộ không muốn bước vào khu này. Họ mà chịu thì chẳng lẽ một ngày vào cả 100 lần”, một bà nhiều tuổi sống ở đây cho hay.
Nhờ hàng xóm nhốt để… trốn nợ
Trong vai một giáo viên dạy chữ, dạy hát từ thiện, tôi đến khu Hương Quê tá túc một thời gian ở nhà bà N.T.H (56 tuổi, gốc Bến Tre). Khi tôi mời ly cà phê đen và ngỏ lời xin ở nhờ, bà H. quẳng cho tôi cái ghế đẩu nhựa mời ngồi ngay cửa bởi trong phòng trọ chật kín đồ đạc. Chỉ vào mấy thứ đồ hư, cũ ngập tới nóc trong căn trọ lụp xụp, rộng chừng chục mét vuông, bà bảo đang sống bằng nghề nhặt và thu mua ve chai.
Căn trọ bà H. đang ở có giá 400.000 đồng/tháng, hầu hết diện tích để chứa đồ, chỉ chừa một khoảnh hẹp vừa đủ một người nằm. Thêm tôi, chỗ nằm đó sẽ càng chật hơn. Bà H. kể nền này lúc thuê là nền đất, sau đó bà xin thêm xà bần đôn cao lên, nhờ vậy mà lúc mưa đỡ bị ngập.
Tới ngày đóng tiền nhà, bà H. nhờ hàng xóm khóa cửa ngoài, “nhốt” bà trong nhà để tránh gặp mặt chủ nợ và người thu tiền góp

"Cán bộ không muốn bước vào khu này. Họ mà chịu thì chẳng lẽ một ngày vào cả 100 lần"

Một người dân ở khu Hương Quê

Cuộc đời của người phụ nữ bất hạnh được thổ lộ theo những lần phà khói thuốc. “Trước khi về xóm Hương Quê, tôi từng đi tù”, bà H. kể, đôi mắt nhăn nheo chìm vào quá khứ xa xăm. Năm 18 tuổi bà lấy chồng, do bệnh hen suyễn và tim bẩm sinh của bà ảnh hưởng nên sau khi sinh thì con bà chết. Mặc cảm bệnh tật, bà bỏ chồng, rời quê lên TP, lâu lâu lại về Bến Tre thăm mẹ và người thân nhưng dường như không ai chào đón bà. Cảm thấy cuộc đời chẳng có ý nghĩa, bà đốt nhà mình để tự thiêu. Đám cháy được dập, bà không chết nhưng phải ở tù ba năm với tội danh cố ý phá hoại tài sản vì đám cháy đã lan sang nhà bên cạnh.
Năm 2009 bà được ra tù, lang bạt rồi dạt về khu Hương Quê. “Tôi thanh thản vì ở đây ít người biết quá khứ của tôi, mà giá nhà trọ cũng rẻ”. Ở khu Hương Quê, bà là người cô độc nhất. Nhà nào cũng con đàn cháu đống, còn bà ốm đau gì chỉ thui thủi. Bà tìm vui bên những ván cá ngựa, mỗi ván vài chục ngàn, thua nhiều khiến bà chìm trong nợ nần.
Có hôm tôi xách mền gối qua nhà bà, thấy cửa khóa ngoài, tôi đợi tới gần nửa đêm. Người hàng xóm thấy vậy hất mặt: “Bả ở trong nhà chứ đâu”. Hóa ra, cứ tới cữ đóng tiền nhà, tiền góp bà H. lại nhờ người khóa cửa ngoài rồi nằm trong nhà hồi hộp chờ chủ trọ và người thu tiền góp về rồi mới dám ra. Ở xóm ngụ cư này, người trốn nợ theo cách bà H. rất nhiều.
Người trong xóm thường tụ họp giấc khuya vì lúc này họ mới đi làm về. ẢNH: LAM NGỌC
Mưu sinh đến gần sáng
Quá nửa đêm, các phòng ở khu Hương Quê vẫn sáng đèn, không khí cũng nhộn nhịp hơn. Phía cuối dãy trọ, bà Trần Thị Nhu (70 tuổi, quê An Giang) cùng các cháu vừa đẩy xe về tới: “Hôm nay mưa, kiếm chẳng được là bao”, bà nói rồi đưa hai bàn tay sần sùi vuốt những giọt mưa còn đọng lại trên mặt, lụm khụm mở khóa cửa, thúc giục ba đứa cháu ướt như chuột lột vào nhà. Lúc này, kim đồng hồ đã chỉ 1 giờ 30 sáng.
Mò mẫm trong ánh sáng mờ đục phát ra từ chiếc đèn cũ kỹ, bà Nhu lấy mấy bộ quần áo, hối từng đứa cháu đi tắm. Trần Thanh Tùng (12 tuổi), Trần Thanh Vinh (10 tuổi) và Trần Thị Hương (9 tuổi) là cháu nội, cháu ngoại nhưng đều bị ba mẹ bỏ rơi, nên mang họ bà. Vì nghèo, không thể đi học nên cả ba đứa đều không viết được tên mình. Để có cái ăn hằng ngày, bà phải dẫn các cháu ra bãi rác lượm lặt ve chai. Ngày nào cũng vậy, bốn bà cháu đẩy xe đi từ giữa trưa hôm trước tới 2 - 3 giờ sáng hôm sau.
Quá nửa đêm nhưng trẻ con ở xóm ngụ cư vẫn còn thức
Với bà cháu bà Nhu, phòng trọ chỉ là chỗ đặt lưng trong vài tiếng đồng hồ nên chẳng cần ngăn nắp. Đồ dùng trong nhà và quần áo của vợ chồng bà, người con gái và ba đứa cháu chất thành đống khiến nơi sinh hoạt chung của cả gia đình chỉ còn vỏn vẹn 1 - 2 m2. Đêm tôi đến, nền nhà lớp nhớp nước mưa và bụi bẩn, còn in đầy dấu chân của bọn trẻ.
Tôi hỏi, vậy tối nay mấy bà cháu ngủ thế nào? Bà Nhu với tay lấy chiếc quần mới thay của cháu lau qua quít: “Tàm tạm thế này được rồi cô ơi. Con nhà nghèo đặt lưng xuống là không biết gì nữa”. Nói đoạn, bà lấy trong túi ra năm cái bánh bao chia cho từng đứa: “Ăn đi rồi ngủ, cái này để dành cho dì mày”, rồi nheo mắt nhìn vào chiếc điện thoại “đập đá” nhờ tôi xem giúp mấy giờ. “2 giờ 20”, tôi nói rồi bước khỏi phòng, dành chỗ để bà cháu ngủ.
Đã giờ này mà người trong xóm tụ tập càng lúc càng đông, vài đứa trẻ vẫn bồng em đi lang thang. Một số người đi làm thợ hồ, kết cườm cũng vừa về tới, trên tay xách theo vài bịch đồ ăn. Với họ lúc này mới thảnh thơi nhất để ăn bữa chính, gặp mặt con cái và nói vài câu chuyện trong ngày. (còn tiếp)
(Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Nửa đêm là lúc nhộn nhịp nhất

Hiện tại, đường ở khu Hương Quê vẫn không có đèn, người ta đi lại nhờ ánh sáng từ những lỗ thủng, khe hở xuyên ra từ vách tôn. Chị Chi (quê Châu Đốc, An Giang) than phiền: “Phòng trọ dù dột nhiều, báo chủ nhà cũng không hề sửa. Muốn nhà hết dột, người thuê phải tự leo lên mái nhà, lấy keo bắn vào lỗ hổng rồi dùng bạt và vài viên gạch vỡ cố định lại”.

Dù tồi tàn nhưng mấy chục phòng trọ ở đây lúc nào cũng kín người thuê. Một dân ngụ cư ở đây cho biết nhiều lý do nhưng quan trọng nhất là sinh hoạt ở những xóm ngụ cư này thường ngược với sinh hoạt của người bình thường. Với họ, nửa đêm mới là lúc nhộn nhịp nhất bởi sự có mặt của các sòng bài, bàn nhậu và là lúc dân lao động nặng trở về nhà.

Lam Ngọc (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.