"Phù thủy" làng gốm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gốm như là “sợi chỉ” nối quá khứ với hiện tại, cái cũ với cái mới, con người với thiên nhiên… Từ những cục đất sét sần sùi, vô tri vô giác, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã trở thành những vật có hồn, mang đậm nét nghệ thuật. Để làm được điều đó, người ta phải mất  6 - 10 năm trời, có người đến già vẫn không học được, thế mà ở Bình Định từng có đứa trẻ mới 8 tuổi đã biết tạo mẫu gốm và chỉ chưa đầy 2 năm là học hết “gia phả” của nghề gốm.
 

 

“Thần đồng”

Làng gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn nằm ở phía Đông núi Long Cốt (nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), bên ngôi chùa cổ Nhạn Sơn rêu phong cổ kính. Có tư liệu chép rằng, làng gốm này có “dây mơ rễ má” với dòng gốm cổ Chămpa (400 - 500 năm trước). Thời cực thịnh, những thập niên 70 - 90 của thế kỷ trước, cả làng có đến 50 lò gốm thường xuyên đỏ lửa, với hàng trăm lao động. Thời ấy, gốm Nhạn Tháp làm ra bán đi khắp nước. Bây giờ, các lò gốm đã tắt lửa dần, chỉ còn khoảng 5 - 7 lò thoi thóp giữ nghề. Dẫu vậy, cứ đến mùng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm, con em trong làng vẫn họp lại đông đủ để giỗ tổ nghề gốm. Đến mùa thu, mùng 6-7 (âm lịch), cả làng gốm ngồi lại một lần nữa để “cúng ôn”, nghĩa là ôn lại chuyện xưa.

Hiện tại, làng gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn vẫn còn 5 cao niên đang rất tâm huyết, ngày qua ngày gắng níu giữ nghề xưa. Trong đó, người ta không thể không nhắc đến cái công của “phù thủy gốm” Võ Thị Lợi (74 tuổi).

 

 “Phù thủy” làng gốm Võ Thị Lợi với hơn 60 năm gắn bó cùng nghề
“Phù thủy” làng gốm Võ Thị Lợi với hơn 60 năm gắn bó cùng nghề



Bà Lợi sinh ra ở thôn Bắc Nhạn Tháp (xã Nhơn Hậu), từ nhỏ đã mồ côi mẹ, cha đi bước nữa, bà nội nuôi lớn. Trời phú cho cô bé Lợi một bàn tay khéo léo và trí nhớ khác người. Thuở còn nhỏ, bất kể cái gì chỉ cần nhìn qua vài lần là cô bé Lợi có thể đặt tay làm được ngay. Năm lên 8, Lợi thường phải phụ bà nội đạp bàn xoay, chuốt (tạo mẫu) gốm. Có lần, nhìn bà đang chuốt gốm, Lợi nói: “Bà để con thử làm xem có được không. Có khi lại còn nhanh hơn bà nữa đấy!”. Nghe vậy, bà nội tuy rất ngạc nhiên, bởi xưa nay nghề gốm có người học đến bạc tóc cũng chẳng làm được, nhưng bà vẫn để cho Lợi làm thử. Ai ngờ bàn tay nhỏ nhắn, thoăn thoắt chuốt gốm “bén” như diễn.

Bà Lợi nhớ lại: “Sau đó, tôi bắt đầu được bà nội cho học nghề luôn. Tháng đầu tiên, tôi học chuốt khuôn bánh xèo; tháng thứ 2, học chuốt cái vung đậy nồi; tháng thứ 3, chuốt được gụ nấu nước rồi tới cái ôm, nồi nấu cơm, ấm, hủ, bình… Chưa đến 2 năm, tôi học hết “gia phả” nghề gốm của làng. Nhiều người cứ hay gọi tôi là “thần đồng” của làng gốm, là con của “thần gốm, tổ gốm”. Tôi thì lại thấy mọi chuyện rất bình thường. Họ nói khó, nhưng tôi lại thấy dễ, đặt tay là tự làm được chứ chẳng phải học nhiều…”.

Đến năm 16 tuổi, nhận thấy cô Lợi khéo léo lại là kỳ tài làm gốm, bà Tám Thoi (mẹ chồng sau này của bà Lợi, nay đã mất) tìm đến nhà gặng hỏi, để “thả neo” cho con trai mình. Ở tuổi 16, cô Lợi về nhà chồng chỉ qua cái gật đầu của bà nội. Lấy được con dâu quý, thỏa mản ước nguyện, bà Tám Thoi mở ngay một lò gốm tại thôn Bắc Nhạn Tháp để cả gia đình cùng chuyển sang làm nghề gốm.

Chinh phục đỉnh cao

Trước thời bà Lợi, “gia phả” của làng gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn chỉ chép lại công thức làm một số món đồ gốm cũ, đơn giản. Song từ thời bà Lợi, khách đến làng gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn đặt hàng, ưa cái gì, hình dáng, hoa văn như thế nào đều được đáp ứng hết. Bà đã có công khai sinh thêm hàng chục món đồ mới, góp phần làm phong phú “gia phả” làng nghề gốm. Từ đống bùn đất, qua “bàn tay vàng” của bà Lợi đều hóa thành trăm thứ đồ gốm khéo léo, tinh xảo. Có những món đồ đòi hỏi kỹ thuật rất cao, bà vẫn làm tốt.

Có bận, một sư thầy ở ngôi chùa phía Bắc, nghe danh “phù thủy” Lợi đã tìm đến làng đặt hàng làm 10 chiếc bát đen ông sư. Bát của sư đòi hỏi phải tinh xảo từng đường nét, thành bát trơn láng. Vì đòi hỏi khó nên trước đó sư đi khắp nơi cũng chưa tìm ra người làm được chiếc bát như ý. Mọi chuyện bây giờ trông cả vào bàn tay của “phù thủy” Lợi. “Đến hạn, ông sư quay lại, 10 chiếc bát sư chín đỏ đã được mẹ tôi tạo ra. Sư gật đầu rất hài lòng. Thế là mỗi năm cứ đến kỳ hóa độ, sư thầy lại tìm về làng gốm chúng tôi để đặt bát đen ông sư. Bát này sau đó được gửi đi khắp nơi trong cả nước”, bà Nguyễn Thị Lượng (57 tuổi, con gái bà Lợi) kể.

Dù nay tuổi tác đã cao nhưng mỗi cử chỉ của bà Lợi vẫn toát ra nét duyên dáng ngày nào. Trước bàn xoay tạo mẫu gốm, bàn tay khéo léo ấy còn “gây mê” hàng trăm khách phương xa.

“Độc cô” cầu… hậu thế!

Ngoài bà Lợi, đếm hết làng gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn bây giờ, chỉ còn 4 thợ gốm, người trẻ tuổi nhất nay đã 55. Nhưng cũng chỉ mỗi bà Lợi tạo mẫu được hàng trăm món đồ, còn lại các thợ chỉ học được 4 - 5 món đồ là cùng. Cho đến bây giờ, vẫn chưa ai phá được kỷ lục của bà Lợi. Bà Lợi trăn trở: “Bây giờ tuổi đã cao, gần đất xa trời nhưng trong làng vẫn chưa tìm được một người để tôi truyền nghề. Kể cả con cháu ba đời của tôi cũng vậy, không có một đứa nào học được nghề này hết. Cố khuyên bảo chúng gắng giữ nghề xưa, thì chúng bảo: Làm được rồi nhưng đeo bám cái nghề ấy thì có ngày rồi cũng chết đói”.

 

Những thợ gốm hiếm hoi còn giữ nghề ở làng gốm cổ
Những thợ gốm hiếm hoi còn giữ nghề ở làng gốm cổ


Một số cao niên trong làng gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn cũng nói với chúng tôi, làng gốm của họ đang sắp lụi tàn. Nhiều người dự đoán, gắng lắm được khoảng 5 - 10 năm nữa là các lò gốm sẽ “tắt lửa” hết. Bởi khi lớp thợ gốm như bà Lợi khuất bóng thì nghề gốm cũng theo họ về với đất. “Một lý do nữa, nguyên liệu làm gốm đã cạn, trở nên đắt đỏ, trong khi sản phẩm gốm làm ra thì bèo bọt, đầu ra bí rị. Mai này, liệu còn ai đeo đẳng cái nghề nghèo khó này nữa chứ...”, ông Đặng Ngọc Minh (65 tuổi, chủ lò gốm lớn nhất Nhạn Tháp - Vân Sơn) buồn bã nói.

NGỌC OAI (sggp)
 

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...