Một lần đón Tết ở thủ đô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi nhập học ở Trường Sĩ quan Cơ yếu Xuân Hòa (tỉnh Vĩnh Phúc) được mấy tháng thì một hôm, Phân đội trưởng-Đại úy Nguyễn Văn Tập ghé chỗ ở của 6 anh em người miền Nam chúng tôi thăm hỏi, động viên. Khóa học chúng tôi có 80 học viên nhưng chỉ có 6 người quê miền Nam. Chúng tôi đều là cán bộ, nhân viên cơ yếu đi học. Đây là khóa học ngắn hạn để “xóa gạch vàng” từ sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp thành sĩ quan chỉ huy nên thời gian học chỉ một năm. Sau một hồi hỏi thăm gia đình, quê quán, Đại úy Tập hỏi: “Tết đến, các em có muốn về nhà?”. Chúng tôi đồng thanh: “Thưa thầy, có chứ”. Anh cười và chia tay chúng tôi sau khi “làm công tác tư tưởng” rằng, các em cũng cần đón một cái Tết cổ truyền ở thủ đô cho biết chứ!

Phố Tràng Tiền năm 1979 (ảnh tư liệu).
Phố Tràng Tiền năm 1979 (ảnh tư liệu).



...Hà Nội, Tết Ất Mùi năm ấy-1979 thật đáng nhớ, lần đầu và cũng là lần duy nhất được vui Tết ở thủ đô, mọi thứ với tôi đều lạ lẫm. Trong 6 anh em học viên người miền Nam, duy nhất tôi không có gia đình, bà con thân thích ở Bắc; các bạn còn lại đều về quê ngoại ở các tỉnh lân cận đón Tết cùng gia đình. Dù họ tha thiết mời tôi cùng về nhà bà con chơi, nhưng tôi không thể làm khó cho bạn mình. Lãnh đạo Trạm 66, đường Phan Đình Phùng-Nhà khách quân đội dành cho tôi một phòng ở và một suất Tết hạng... Trung tá, cấp một số vé vào các rạp chiếu phim, rạp xiếc, các khu vui chơi giải trí ở nội thành, nếu buồn tôi có thể đến đó mà không mất tiền vào cổng. Nhưng, làm sao chỉ một mình lại có thể đến những nơi ấy. Đêm cuối năm, gió và lạnh, cái lạnh mà người ta gọi là buốt. Đúng là buốt thật, bởi nó cuộn từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong như cắt da cắt thịt. Người thủ đô hình như đêm 30 không ở nhà như trong Nam; ngoài đường, từng tốp các bạn trẻ nắm tay nhau vui đùa thỏa thích; những người già và trẻ nhỏ, có lẽ trong một gia đình, cũng từng nhóm nói cười thật vui vẻ. Một mình trong không gian ấy, tôi cảm thấy thật cô đơn, lặng lẽ bước trước Quảng trường Ba Đình. Bất chợt nghe có giọng con gái gọi đúng tên mình. Đó là Tịnh và Tuyết.

Dương Thị Đức Tịnh hồi đó đang học năm thứ 2 Trường Máy tính điện tử (Thanh Trì, Hà Nội). Sau ngày giải phóng, ba mẹ Tịnh trở về Nam công tác, Tịnh ở lại Hà Nội cùng chú thím tiếp tục con đường đèn sách. Chúng tôi quen nhau trong một lần dã ngoại ở hồ Đại Lải-núi Thằn Lằn (Xuân Hòa, Vĩnh Phúc). Nghe chúng tôi nói tiếng miền Nam, Tịnh, Tuyết và các bạn lớp đã chủ động làm quen và từ ấy chúng tôi trở thành bạn thân.

Thư của Dương Thị Đức Tịnh gửi cho tác giả. Ảnh: BÍCH HÀ
Thư của Dương Thị Đức Tịnh gửi cho tác giả. Ảnh: Bích Hà



Trắng đêm Giao thừa, chúng tôi cùng nhau đi bộ gần như khắp phố thủ đô, vui thật vui. Với tôi, mọi điều trước mắt đều “bí ẩn”, nào các tụ điểm ca nhạc trên đường phố, pháo hoa ở bờ hồ Hoàn Kiếm, nhất là chuyện hái lộc đầu năm. Phố đông đúc là thế, nhà mặt đường không người cửa vẫn mở, cửa hàng mậu dịch quốc doanh lớn nhất nhì Hà Nội phía cửa Nam đã cận Giao thừa mà vẫn đông khách... Tuyết và Tịnh trở thành hướng dẫn viên rất nhiệt tình, giúp tôi hiểu nhiều về Tết ở miền Bắc, ở thủ đô... Tịnh đưa tôi về nhà chú thím ruột của cô ấy, tôi nhớ hình như ở khu tập thể Ban Thống Nhất Trung ương cũ, phía sau Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay. Sau vài lời giới thiệu tôi với chú thím, Tịnh và thím vội đi làm bữa điểm tâm đầu năm mới, chú thì hỏi tôi rất nhiều chuyện về Bình Định, Quảng Ngãi, về Tây Nguyên, Gia Lai... Khi còn học ở Hội An, tôi hay theo các bạn về Quảng Ngãi chơi nên cũng biết ít nhiều một số địa danh vùng quê và sản vật của xứ này. Chú của Tịnh quê ở thị xã Quảng Ngãi, thím thì dĩ nhiên quê Hà Nội rồi. Sau ngày thống nhất đất nước, ông cũng đã có ý định xin cấp trên về quê làm việc, nhưng do các con còn dở dang chuyện học hành nên ông lần lữa chưa về luôn mà chỉ vài lần về phép với thời gian hạn chế, chưa thỏa nỗi nhớ quê sau 20 năm xa cách. Cuộc trò chuyện thân tình đã giúp tôi nhanh chóng hòa đồng với không khí gia đình trong ngày đầu năm mới.

Người ta nói “Con F1 thì vừa xinh vừa thông minh” là chính xác. Tịnh có cả 2 điều đó, lại rất biết quan tâm đến người khác. Lần đầu ăn Tết ở thủ đô, 2 thứ mà tôi thích nhất là đào và quất. Đưa tôi đến nhà bạn chúc Tết, thấy tôi có vẻ thích những quả quất treo từng chùm trĩu cành, vàng óng nơi phòng khách, Tịnh len lén đợi khi chủ nhà sơ ý, vặt lấy 2 quả nhét vào túi áo tôi. Ngượng lắm, nhưng tôi chỉ biết nhìn em với hàm ý biết ơn. Tịnh rất vui khi làm được việc gì đó cho tôi. Có lẽ, em nghĩ tôi xa nhà, xa quê, lại không bà con thân thích, một mình nơi xứ lạ trong những ngày Tết cổ truyền sẽ buồn biết mấy, nên tìm mọi cách để làm cho tôi vui chăng?

Phố Hàng Giấy năm 1979 (ảnh tư liệu).
Phố Hàng Giấy năm 1979 (ảnh tư liệu).



Hết mấy ngày nghỉ Tết, trở lại trường, Đại úy Nguyễn Văn Tập cho gọi 6 anh em học viên người miền Nam chúng tôi lên Ban Giám hiệu nhà trường gặp mặt đầu năm. Cho dù cái thời bao cấp trăm bề thiếu thốn nhưng trước Tết chúng tôi cũng đã được ưu tiên đúng mức về vật chất trong khả năng có thể của nhà trường. Đã thế sau Tết còn được tổ chức gặp mặt thăm hỏi, động viên. Tình đồng đội, tình người của cái thời khó khổ, gọi là bao cấp ấy, bây giờ kể lại không ít người trong cuộc tiếc nuối, bảo rằng “bao giờ cho đến... ngày xưa”. Sau khi nghe từng thành viên chúng tôi kể lại câu chuyện Tết ở miền Bắc, ở thủ đô mà mình vừa trải qua, anh Tập đã chia sẻ buồn vui của anh em chúng tôi, còn các bạn thì cứ ước trong mấy ngày Tết xa quê được như... Đoàn Minh Phụng.

Cuối năm Ất Mùi-1979 ấy, tôi ra trường về Gia Lai công tác. Anh Tập cũng mấy lần viết thư thăm hỏi, kể chuyện nhà, chuyện trường. Riêng Tịnh cũng bước vào năm thứ 3 đại học. Thỉnh thoảng chúng tôi có liên lạc qua thư, hỏi thăm nhau về sức khỏe, động viên chuyện công tác, học hành của mỗi người... Rồi chúng tôi bặt tin nhau. Đến Tết Kỷ Hợi-2019 này là ngót 40 năm rồi còn gì. Hy vọng ở phương trời nào đó, Tịnh đọc được bài báo này.


ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.