Vào thế giới bán trứng, mang thai hộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi được đưa đến Phòng khám Sản phụ khoa Madame, người phụ nữ xưng là bác sĩ yêu cầu trình bày lý do muốn làm "đối tác đẻ thuê" và cam kết phải mang thai đến khi "vượt cạn thành công"
Mang thai hộ (MTH) là quy định được ghi nhận trong Luật Hôn nhân - Gia đình năm 2014. Luật mở ra niềm hy vọng mới cho các cặp vợ chồng không thể sinh con nhưng cũng có nhiều quy định để ngăn chặn việc MTH vì mục đích thương mại. Dù vậy, trên thực tế, bằng nhiều con đường, "thị trường" bán trứng, MTH vẫn rất nhộn nhịp.
Bán trứng: 25 triệu, mang thai hộ: 200 triệu
Ngày 17-12, trong vai nữ sinh viên cần tiền trang trải nợ nần, chúng tôi đến trước cổng Bệnh viện (BV) Từ Dũ (đường Cống Quỳnh, quận 1, TP HCM) lân la tìm hiểu nhu cầu mua trứng, MTH. Một người đàn ông mặc đồng phục xanh chạy xe ôm nhanh chóng bắt chuyện với chúng tôi. Sau vài câu dò hỏi, người này ngỏ ý muốn "giúp đỡ".
Ông lấy điện thoại ra nói chuyện bằng những câu thoại ngắn gọn: "Bên cô có cần người MTH không? 22 tuổi. Tự tìm đến, không quen. Cần tiền". Vừa dứt cuộc gọi, ông quay sang nói với chúng tôi: "Cổ đủ người rồi con". Tỏ vẻ thất vọng, chúng tôi nài nỉ ông kiếm mối khác nhưng ông khuyên nên đợi thêm 1, 2 tuần nữa. "Nếu con thật sự cần tiền thì để số điện thoại lại, ai có nhu cầu thì chú điện cho con. Vấn đề này không đơn giản. Mỗi ca mấy trăm triệu đồng nên không nhiều người thuê và phải đậu thai thì người ta mới đưa tiền". Vừa nói, ông vừa nhanh chóng lưu lại số điện thoại của chúng tôi, nhấn mạnh chỉ "làm phước" chứ không có lợi lộc gì.
 
“Cò” Sơn tự xưng “trùm Từ Dũ”, hành nghề được 40 năm, chuyên nhận “kế hoạch” (phá thai), bán trứng, “đẻ thuê”… Ảnh: SỸ HƯNG
Lân la hỏi chuyện một người phụ nữ bán nước giải khát trước bãi giữ xe của BV Từ Dũ, chúng tôi được người này nhận lời giới thiệu giúp một người chạy xe ôm chuyên lo MTH. Sau khi nhận được "ám hiệu", một người đàn ông tiến lại gần, đánh mắt dò xét chúng tôi rồi nhanh nhảu bắt chuyện. Ông tự xưng tên Sơn, "trùm Từ Dũ", hành nghề được 40 năm, chuyên nhận "kế hoạch" (phá thai), bán trứng, "đẻ thuê"…
Ông Sơn giải thích các bước MTH rồi ra giá: "Nếu bán trứng thì 25 triệu đồng, MTH 200 triệu đồng. Sinh nở thành công sẽ được bồi dưỡng từ 10 đến 20 triệu đồng, sinh đôi được "thưởng" 60 triệu đồng. Suốt thời gian mang thai phải ở lại nhà bác sĩ (BS), chi phí ăn ở do bên thuê lo. Toàn bộ giấy tờ cá nhân phải giao cho BS giữ và không được liên lạc với gia đình".
"Ông trùm" nói nếu chấp nhận thì sẽ dẫn chúng tôi đến phòng khám của BS Hiền làm các thủ tục xét nghiệm. "BS Hiền là Trưởng Khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ" (thực tế Trưởng Khoa Hiếm muộn của BV Từ Dũ là người khác - PV). Sức khỏe con tốt và phù hợp với người có nhu cầu sẽ tiến hành tiêm thuốc kích rụng trứng. Chi phí làm xét nghiệm 1,8 triệu đồng được BS miễn phí, 37 triệu đồng tiền thuốc tiêm do bên cần người MTH trả. Có kết quả xét nghiệm đậu thai, người "đẻ thuê" mới được trả trước 20 triệu đồng" - ông Sơn nói.
 
“Cò” Sơn giải thích với phóng viên các bước mang thai hộ và giá cả. Ảnh: SỸ HƯNG
Muốn có tiền nhanh thì quan hệ trực tiếp
Nghe chúng tôi bày tỏ mong muốn được ứng trước một khoản tiền để trang trải nợ nần, "ông trùm" chép miệng ra vẻ thông cảm rồi "vạch đường sống" cho chúng tôi: "Chú đang có 2 ca cần người sinh, quan hệ trực tiếp với người thuê luôn. Cách này có khả năng đậu thai cao hơn". Cũng theo ông Sơn, chấp nhận quan hệ, người được thuê sẽ nhận "tiền tươi" 10 triệu đồng. Qua 17 ngày, nếu chưa đậu thai sẽ tiến hành tiếp. Mỗi lần quan hệ như vậy đều được trả 10 triệu đồng. Nếu đậu thai và sinh nở thành công cũng sẽ được 200 triệu đồng.
Ra vẻ cân nhắc, chúng tôi xin số điện thoại và hẹn "ông trùm" vào ngày hôm sau.
 
Không khó để dò hỏi thông tin “cò” mang thai hộ thông qua những người bán hàng rong trước cổng Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngày 19-12, sau nhiều lần bị "ông trùm" cảnh giác từ chối gặp với lý do BS không nhận vì không rõ lai lịch người "đẻ thuê", cuối cùng ông Sơn mới đồng ý đưa chúng tôi đến phòng khám của BS Hiền để được tư vấn.
Chúng tôi được đưa đến Phòng khám Sản phụ khoa Madame (đường Điện Biên Phủ, quận 10). Tiếp chúng tôi, người phụ nữ tên Hiền thận trọng yêu cầu trình bày lý do muốn làm "đối tác đẻ thuê" và cam kết phải mang thai đến khi "vượt cạn thành công". "Bên cô rất cần người nhưng phải có lai lịch rõ ràng, không nhận người vớ vẩn" - bà Hiền nói.
Sau khi nghe kể về hoàn cảnh khó khăn của chúng tôi, người xưng là BS này đặt điều kiện: "Cô sẽ trả hết nợ cho con để con yên tâm dưỡng thai nhưng phải có cha mẹ đứng ra bảo lãnh, bảo đảm không trốn". Bà cũng cho biết thêm chỉ làm việc thiện nên "đối tác" phải bảo đảm lai lịch rõ ràng, thực hiện đúng cam kết để không làm mất uy tín BS. Trường hợp có người bảo lãnh thì đợi thương lượng được giá cả sẽ tiến hành thực hiện ngay. Thấy chúng tôi không tìm được người bảo lãnh, bà Hiền "mồi chài" nên cho trứng để được nhận tiền ngay, lại không phải đòi hỏi điều kiện bảo lãnh: "Cô đang cần người cho trứng, 30 triệu đồng".
Mong muốn hợp thức hóa thủ tục, chúng tôi nhờ ông Sơn lo giúp thủ tục bảo lãnh MTH, ông từ chối với lý do: "MTH là ngoài pháp luật. Làm giấy bảo lãnh giả, người ta mang ra tố công an thì sao?".
Sau cuộc thương lượng bất thành với BS Hiền, ông Sơn chở chúng tôi về và bàn riêng sẽ giới thiệu 2 trường hợp cần người MTH khác nhưng phải quan hệ trực tiếp và ăn ở tại nhà người thuê trong thời gian mang thai. Ngay sau đó, người này kết nối cho chúng tôi nói chuyện với một người phụ nữ thông qua ứng dụng Zalo. Người phụ nữ cho biết đang ở miền Tây Nam Bộ, cần tìm người mang thai với chồng mình và mong muốn được gặp mặt trực tiếp chúng tôi ở Bình Dương hoặc TP HCM. Sau khi chắc chắn chúng tôi đồng ý "mối làm ăn" này, ông Sơn không quên mách nhỏ chúng tôi phải lấy giá 250 triệu đồng, trả cho ông 50 triệu đồng tiền "mối lái".
Trong khoảng 45 phút ngồi tại phòng khám, chúng tôi nghe được ít nhất 5 trường hợp có nhu cầu tìm người MTH nhưng chưa thương lượng được giá cả. Trong đó 2 trường hợp tiến hành thụ tinh nhân tạo, 3 trường hợp yêu cầu quan hệ trực tiếp, giá từ 200-250 triệu đồng. 
Triệt phá băng môi giới MTH

Ngày 28-12, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết đã ra lệnh bắt tạm giam Cai Guo Lin (SN 1982, quốc tịch Trung Quốc), Hoàng Thị Thu Trang (SN 1992, quê Đắk Lắk), Triệu Thị Hằng (SN 1978, quê Thanh Hóa) và Nguyễn Thị Mai Anh (SN 1995, quê Nam Định) về tội "Tổ chức MTH vì mục đích thương mại".

Theo hồ sơ vụ án, Cai Guo Lin và Cai Guo Fang (SN 1965, quốc tịch Trung Quốc) làm thuê cho Cai Guo Yong (quốc tịch Trung Quốc, chưa rõ lai lịch). Trong thời gian làm thuê, Cai Guo Yong kêu Guo Lin và Guo Fang sang Việt Nam tìm người MTH; đồng thời đến phòng khám có tên Thiên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) gặp BS người Trung Quốc tên Apo để nhờ tìm người phiên dịch.

Đầu tháng 9-2018, Guo Lin sang Việt Nam, được bác sĩ Apo giới thiệu Thu Trang (y tá Phòng khám Thiên Hòa) làm người phiên dịch. Guo Lin nói cho Trang biết mục đích sang Việt Nam để tìm người MTH bằng biện pháp cấy phôi thai, thuê Trang tìm người có nhu cầu MTH và phiên dịch trong quá trình thỏa thuận giá. Mỗi lần môi giới thành công người MTH, Trang sẽ được trả công 5 triệu đồng.

Trang đến cổng BV Phụ sản Trung ương (TP Hà Nội), được giới thiệu gặp Triệu Thị Hằng (bán báo dạo trước BV). Trang thỏa thuận với Hằng tìm người MTH với giá 300 triệu đồng, Hằng tự thỏa thuận giá với người MTH; đồng thời giới thiệu Hằng gặp Gou Lin.

Tháng 9-2018, Hằng giới thiệu chị N.T.T để Guo Lin đưa sang Campuchia MTH. Guo Lin đưa Hằng 100 triệu đồng, Hằng chia lại cho chị T. 50 triệu đồng.

Tháng 11-2018, một người tên Trang "mập" (chưa rõ lai lịch) gặp Hằng nói có người muốn MTH và giới thiệu Nguyễn Thị Mai Anh đến gặp. Hằng nói Mai Anh kiếm thêm người MTH, nếu giới thiệu thành công sẽ trả 100 triệu đồng. Từ đó, Mai Anh giới thiệu thêm 6 phụ nữ MTH.

Ngày 11-12, Guo Lin, Hằng, Trang và Mai Anh đưa 6 phụ nữ MTH từ Hà Nội vào TP HCM để đưa sang Campuchia. Khi đến TP HCM, cả nhóm thuê khách sạn ở quận 3 để lưu trú. Do sợ bị nhóm người Trung Quốc lừa bán, một phụ nữ đã gọi điện kêu gia đình báo công an. 

P.Dũng

Kỳ tới: Đường đến phòng khám bác sĩ Hiền
Nhóm Phóng viên (Người Lao Động)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.