Để hương vị nước mắm truyền thống bay xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tuy gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, nhưng có nhiều thương hiệu nước mắm truyền thống vẫn đang ổn định và tăng trưởng đều đặn.
Với lợi thế bờ biển trải dài, có nguồn cung cấp hải sản dồi dào, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đã phát triển nghề làm nước mắm truyền thống từ hàng trăm năm qua.
Được coi là “linh hồn” của ẩm thực Việt, trải qua bao thăng trầm, nước mắm truyền thống vẫn giữ được những giá trị cốt lõi, được người tiêu dùng ưa chuộng, tin tưởng. 
Bài 3: Để hương vị nước mắm truyền thống bay xa 
Tuy gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, nhưng có nhiều thương hiệu nước mắm truyền thống vẫn đang ổn định và tăng trưởng đều đặn. Chỉ cần có những quy hoạch, định hướng phát triển đúng đắn thì nước mắm truyền thống luôn có được vị thế vững chắc trong lòng người tiêu dùng.
Nước mắm truyền thống vẫn giữ được những giá trị cốt lõi, được người tiêu dùng ưa chuộng, tin tưởng. Ảnh minh họa: TTXVN
Nghề chế biến nước mắm truyền thống ở Phú Yên giờ đây không chỉ dừng lại là giải quyết công việc lúc “nông nhàn” mà đang được định hướng để phát triển thành sản phầm hàng hóa. Cách làm đơn lẻ đã không còn phù hợp với xu thế hiện nay. Chính vì vậy ở mỗi làng nghề, những hộ làm mắm đang tìm cách gắn kết với nhau để sản xuất. 
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” theo Quyết định số 939/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã vận động 9 hộ gia đình sản xuất mắm nhỏ lẻ ở làng nghề Mỹ Quang tham gia tổ liên kết sản xuất. 
Bà Nguyễn Thị Nữ, một trong chín thành viên tổ phụ nữ liên kết sản xuất mắm ở Mỹ Quang cho biết, gia đình bà đã có 25 năm trong nghề chế biến nước mắm. Nhưng do chưa xây dựng được nhãn hiệu và phát triển thị trường nên nước mắm của gia đình chủ yếu bán ở các chợ truyền thống. Mỗi năm khoảng 2.000 lít đến 3.000 lít. Khi vào tổ liên kết sản xuất do Hội Liên hiệp phụ nữ xã tổ chức công việc của gia đình có thuận lợi nhiều hơn khi được chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ. Chất lượng mắm được nâng lên và có đầu ra ổn định giúp gia đình có thêm thu nhập. 
Cùng với việc giữ vững chất lượng sản phẩm, liên kết sản xuất, một số cơ sở chế biến nước mắm truyền thống đã đầu tư xây dựng nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm. Điều này giúp nước mắm truyền thống ở Phú Yên có thể cạnh tranh được với nước mắm công nghiệp. 
Ông Phạm Văn Cảnh, chủ cơ sở chế biến nước mắm Tân Lập, thị xã Sông Cầu, Phú Yên cho biết, khi có nhãn mác, xuất xứ cụ thể thì người tiêu dùng yên tâm hơn nên doanh thu cũng ổn định và tăng dần. Bên cạnh đó, nước mắm Tân Lập cũng như các cơ sở chế biến mắm khác của tỉnh thường xuyên được Trung tâm Khuyến Công và Xúc tiến Thương Mại (thuộc Sở Công thương tỉnh Phú Yên) tạo điều kiện tham gia vào các gian hàng đưa sản phẩm về vùng nông thôn và hội chợ quảng bá. Điều này giúp cho nước mắm truyền thống dễ dàng đến tay người tiêu dùng hơn. 
Không dừng lại ở việc xây dựng nhãn hiệu cho từng cơ sở chế biến mắm, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Phú Yên đã có nhãn hiệu tập thể “Nước mắm Phú Yên”. Nhãn hiệu này được 33 doanh nghiệp và cơ sở chế biến, kinh doanh mắm sử dụng.
Những doanh nghiệp, cơ sở muốn gắn nhãn hiệu tập thể “Nước mắm Phú Yên” vào sản phẩm phải có đủ điều kiện về nguyên liệu, chất lượng sản phẩm. Đây cũng là cơ sở để đưa đặc sản nước mắm Phú Yên phát triển thành hàng hóa trên quy mô thị trường lớn hơn và cạnh tranh với nước mắm công nghiệp. 
Cũng xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhưng tỉnh Bình Định lại chọn cách xây dựng nhãn hiệu riêng cho từng vùng. Đến giữa năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận số 281979 cho thương hiệu “Nước mắm Đề Gi”, do UBND huyện Phù Cát (Bình Định) làm chủ sở hữu. 
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định Nguyễn Hữu Hà nhận xét, với nhãn hiệu tập thể, các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã... sẽ được thực hiện nghiêm ngặt, các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh phải tuân thủ quy trình kỹ thuật chế biến, thực hiện đầy đủ các yêu cầu, điều kiện về sản xuất, kinh doanh theo quy định của UBND huyện Phù Cát. 
Đồng thời, các cơ quan chức năng địa phương cũng thường xuyên kiểm tra sản phẩm của những cá nhân, tổ chức được cấp giấy chứng nhận. Việc nhãn hiệu “Nước mắm Đề Gi” được bảo hộ độc quyền sẽ giúp người dân làng nghề có thêm điều kiện thúc đẩy phát triển, mở rộng thị trường sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập. 
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã Cát Khánh, huyện Phù Cát vui mừng cho biết, từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu “Nước mắm Đề Gi” thì việc sản xuất và buôn bán đạt hiệu quả cao hơn rõ rệt, mỗi năm cả xã sản xuất gần 50.000 lít nước mắm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm phụ nữ trong xã. Cả xã hiện có 10 hộ sản xuất được mỗi năm trên 1.000 lít nước mắm, ngoài ra có trên 100 hộ sản xuất nhỏ lẻ, dưới 1.000 lít mỗi năm. Việc phát triển thương hiệu “Nước mắm Đề Gi” tại xã Cát Khánh đang có tiềm năng rất lớn. Vì cả nguyên liệu cá lẫn muối đều được sản xuất trực tiếp tại địa phương, chi phí rất rẻ, không mất tiền chi phí vận chuyển. 
Còn tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), mỗi năm các doanh nghiệp trong Hiệp hội Nước mắm Nha Trang tiêu thụ khoảng 16.000 tấn cá cơm và 5.300 tấn muối. Nhờ đó, nghề làm nước mắm đã giúp người dân Nha Trang có cuộc sống ổn định, tăng thu nhập cho người lao động(khoảng 5,5 triệu đồng/tháng). 
Hiện tại, nước mắm Nha Trang được Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể “Nước mắm Nha Trang”, do Hiệp hội Nước mắm Nha Trang quản lý. Trong gần 50 cơ sở nước mắm của làng nghề, có đến 19 cơ sở là thành viên Hiệp hội, tập trung tại 3 phường: Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường và Phước Long. 
Để bảo tồn và phát triển hương vị nước mắm truyền thống, các địa phương phải tăng cường quảng bá các thương hiệu nước mắm truyền thống, thường xuyên tham gia trưng bày và bán hàng tại các hội chợ trên toàn quốc, kết hợp với tuyên truyền, quảng cáo trên các phương tiện thông tin truyền thông. Song song với đó và việc đảm bảo giữ gìn chất lượng, hương vị đặc trưng, không bị biến đổi, chạy theo lợi nhuận cũng là vấn đề hết sức quan trọng.
BNews.vn/TTXVN

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...