1.000 ngày công đi chống tự tử ở xã trọng điểm Hang Chú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hờ A Dua-Chủ tịch xã Hang Chú (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) bảo: “Xã 6 tháng họp hội đồng nhân dân 1 lần, nghe 12-13 báo cáo mà cái nào cũng nêu về tình hình tự tử nhiều đến nỗi trùng lặp nên về sau chúng tôi chỉ thông tin ở 3-4 báo cáo”.
Cuộc họp nào cũng nhắc
Năm 2017 xã xảy ra 14 vụ tự tử với 4 người chết, 2018 xảy ra 17 vụ với 7 người chết, so với dân số trên 3000 người quả thực là quá nhức nhối.
Đường lên xã Hang Chú
Những con số ấy gần như tương đương với trước khi có “chiến dịch” nhổ bỏ cây lá ngón cách đây mấy năm. Hồi ấy, quãng năm 2010, 2011, 2012 hầu như năm nào Hang Chú cũng xảy ra hàng chục vụ tự tử, chết 5-7 người. Năm 2013 lãnh đạo xã phải phát động 2 “chiến dịch” nhổ bỏ cây lá ngón, mỗi hộ cử ra 1 người đi 1 ngày ven nhà, ven đường, ven đồi để thực hiện với tổng cộng khoảng 1.000 ngày công.
Kết quả là khi giận dỗi nhau, người Mông không còn có thể tìm thấy ngay, tìm thấy dễ dàng thứ cây độc đó nữa, cơn giận nguôi đi, số người chết cũng giảm hẳn trong 3 năm liền 2014, 2015, 2016, chỉ lác đác xảy ra mỗi năm 1-2 vụ chết người. Nhưng sau đợt tìm diệt lá ngón năm 2013, các năm khác xã không tổ chức được thêm một đợt nào nữa khiến cho loài cây này âm thầm mọc trở lại, phổ biến gần như là cỏ ở Hang Chú, tình trạng tự tử liên tiếp xảy ra.
Hờ A Dua-Chủ tịch xã bảo: “Địa phương mình thứ nhất là nhiều người tự tử thật, thứ hai là báo cáo hết, không giấu diếm nên mới nhiều như thế chứ không như một số xã khác”…
Bà Hờ Thị Tồng ngồi tần ngần một lúc trước khi trả lời tôi về cái chết của người con dâu Thào Thị Blia vào tháng 8/2018: Vợ chồng nó mới cưới nhau 1 năm vẫn chưa có con, trước đây chúng bình thường nhưng từ khi cả hai đi Hà Nội làm thuê rồi về thì tôi thấy con Blia cứ buồn bực cái gì đó, nhà cửa bỏ bê.
Bà Hờ Thị Tồng đang kể về cái chết bất ngờ của người con dâu
Sáng đó tôi cùng với con trai lên nương trước, con dâu đi sau nhưng nó không làm, trưa cũng không ăn. Con trai tôi dắt bò về thì con dâu cũng về theo, nói là ngủ trưa. Tôi lo lắng quá nên cũng bỏ về. Khoảng 4 giờ chiều tôi gọi con dâu dậy đã thấy nó không thấy bình thường, giọng nói méo. Hỏi thì nó vừa giằng co với tôi vừa bảo: “Không phải gọi tôi dậy làm gì, tôi không sao đâu”. Thấy mắt nó cứ lờ đờ, tôi mới bảo con trai đưa đi Trạm y tế xã cách nhà hơn 100 m nhưng khi họ cho ống thụt rửa vào mồm nước không chảy vào được nữa vì nó đã bất tỉnh rồi.
Gần đó là nhà ông Mùa A Nu cũng mới mất người con dâu là Hờ Thị Nô khi vừa hỏi cưới tốn kém đến 30 triệu đồng. Số là con dâu của ông Nu trong một dịp nghe phong thanh về chuyện chồng mình trước đây đi làm thuê ở nhà máy phân bón tại huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) có thích một cô gái nên đã tức giận lén ăn lá ngón lúc nào không biết. Tối đi ngủ Nô mới nói với chồng rằng: “Chúng ta yêu thương nhau chỉ đến đây thôi”. Gia đình đưa đến trạm y tế xã, khi nhân viên hỏi Nô cũng không khai, người cứ yếu dần, nước bơm vào mồm rồi lại trào ra, lịm dần rồi chết.
Phàn A Giảng-Phó Chủ tịch xã Hang Chú phân tích trước đây người ta tự tử vì ý thức thấp, bây giờ ý thức cao hơn nhưng do môi trường sống phức tạp hơn, nhu cầu vật cất, tinh thần cao hơn, phương tiện thông tin đa dạng hơn nên cũng vẫn tự tử: Thứ nhất là đi học thích nhau nhưng bảo mà đứa kia không nghe. Năm 2016, 2017 có mấy trường hợp học sinh đang học cấp hai ở xã đã tự tử là vì thế. Thứ hai là vợ chồng mâu thuẫn. Thứ ba là kinh tế khó khăn. “Sắp tới khi xây dựng quy ước, hương ước cho các bản chúng tôi sẽ lồng ghép nội dung nhổ lá ngón vào để phòng chống tự tử”.  
Chuyện ở Trạm y tế xã
Mùa A Sang-Cán bộ y tế xã Hang Chú bảo với tôi ngoài 17 vụ tự tử được xã thống kê trong năm 2018 còn có 3-4 vụ tự tử khác anh phải đi cứu ở nhà bằng bộ dụng cụ bơm rửa dạ dày rất thô sơ là một cái ống cao su với đầu vào hình cái phễu, ở giữa là quả bóng bóp khí. Trạm y tế xã có 3 bộ như vậy nhưng 2 bộ đã nát bươm vì nạn nhân cắn trong cơn hấp hối: “Y tế xã bình thường không được phép rửa dạ dày nhưng không rửa thì không cứu được người nên chúng tôi vẫn phải làm sai nguyên tắc”.
Bộ bơm rửa dạ dày cứu người của trạm y tế xã Hang Chú
Mới vài năm làm ở Trạm y tế nhưng đã có khoảng 50 ca cấp cứu vì tự tử bằng lá ngón được qua tay của Sang. Để tìm hiểu về lá ngón Sang đã nhai thử một cái lá rồi nhả ra: “Nó không có mùi, vị hơi chan chát, đăng đắng một tí”. Biểu hiện của người ăn lá ngón là hai mắt sưng, vạch ra thấy đỏ. Nếu ai ăn ít, đưa đến sớm còn sức để nôn ra thì cứu được và nhanh chóng trở lại bình thường. Còn những ai ăn cả nắm, để quá muộn, lúc sắp chết như bị người động kinh, phải giữ chặt chân tay lại. Mới đây, ngày 4/12/2018 ở bản Pá Đông có hai vợ chồng Mùa A X đi đám cưới, vợ về trước, chồng mải đi xem bóng về muộn nên cãi cọ nhau, tức quá vợ mới đi ăn lá ngón. Nhờ cứu kịp thời nên hôm tôi đến, chị vợ lại đang bận đi ăn cưới tiếp.
Hỏi chuyện phòng chống nạn tự tử Hờ A Lầu-Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Hang Chú bảo càng tuyên truyền chống lại nạn tự tử bằng lá ngón thì người ta lại càng chết nhiều bởi trước đây có người còn không biết cây lá ngón, nhưng sau khi nghe tuyên truyền rồi, về gặp mâu thuẫn lại nhớ đến nó để chết: “Ốm đau còn có thuốc chữa nhưng tự tử thì khó lắm vì người ta không muốn sống nữa rồi”.
Anh Mùa A Sang - Cán bộ y tế xã Hang Chú - đang mô tả biểu hiện của người ăn lá ngón
Còn Mùa A Sang-Cán bộ y tế xã thì lắc đầu bảo, mênh mông đồi núi quanh vùng toàn là lá ngón. Nhổ gốc đi còn hạt rơi xuống gặp mưa tháng 3, tháng 4 lại mọc lên xanh tốt nên ngay cả quanh Trạm y tế chuyên cứu người cũng có nhiều: “Giờ tôi chỉ ước có công ty nào chế từ lá ngón ra thuốc gì, thu mua cho bà con với đắt thì sẽ hạn chế được nguồn cây gây độc này”.  
Chuyện ở huyện Mai Sơn
Cuộc chiến chống lại nạn tự tử không chỉ căng thẳng ở huyện Bắc Yên mà ở huyện Mai Sơn cũng không kém phần quyết liệt, chỉ khác mỗi một điều là ngoài lá ngón ra còn có cả tự tử bằng thuốc trừ cỏ. Thống kê trên giấy tờ mấy năm nay địa phương này chỉ có lác đác một vài vụ nhưng thực tế xảy ra khá nhiều đến nỗi năm 2017 huyện ủy phải ra hẳn chuyên đề tuyên truyền về vấn nạn tự tử.
Mùa A Sao-cán bộ huyện ủy người Mông đồng thời là thành viên của tổ công tác tuyên truyền về lá ngón ở Mai Sơn giải thích: “Người Mông thật thà nhưng tính tự ái lại rất cao. Chính con chú ruột của tôi mới 11 tuổi một lần đi xin nước trong bản bị mắng gì đó đã về nhà mách mẹ và lên lán thắt cổ chết. Còn cháu họ tôi mới đang học cấp hai, chơi thân với một bạn nội trú, chúng hứa với nhau rằng: “Mình chơi thân với nhau thì về sau có chết cũng cùng nhau”. Chẳng may người bạn kia bỗng nhiên ốm rồi chết khiến cho nó cứ ám ảnh mãi về lời hứa ngày nào. 1 tháng sau trong lúc mọi người đi học, một mình nó ở trong phòng đã ăn lá ngón tự tử: “Bởi thế mà ngoài tuyên truyền ở bản còn phải tuyên truyền ở trường học, các chủ hộ phải quan tâm đến tư tưởng, tình cảm của con cái thật sát, đừng để xảy ra tự tử rồi lại hối hận”. Sao nhắn nhủ.
Ở vùng cao còn có chuyện một số đồng bào bị kẻ xấu lôi kéo bỏ quê hương đi lập nhà nước người Mông tự trị ở mãi bên Lào tự biến mình thành thổ phỉ. Mời bạn đọc theo dõi bài tiếp theo!

Năm 2017 có 3 học sinh lớp 1, lớp 2 ở bản Nậm Lộng xã Hang Chú đi học về, vào bụi cây rủ nhau hái lá ngón ăn vì không biết. Sau đó người nhà thấy con bị nôn, yếu dần tra hỏi mới biết, liền cấp cứu nhưng đã quá muộn, 2 đứa tử vong.

Dương Đình Tường (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.
Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hơn 500 cây sao đen được trồng trên khu rừng cộng đồng rộng 4ha ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là bước đệm đầu tiên của hành trình “cõng” cây gỗ lớn về rừng, trả lại mảng xanh cho núi rừng Hòa Bắc cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con Cơ Tu ở đây.