Mang nhà từ đỉnh núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Nhận chỉ thị của Tỉnh ủy Gia Lai, 50 chiến sĩ, cán bộ của tiểu đoàn 50, trung đoàn 991 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai) đã lên đỉnh núi, di dời 13 căn nhà cho người dân
 
Chúng tôi đến thăm làng Hek (xã Chư A Thai, H.Phú Thiện, Gia Lai) vào một sáng cuối năm se lạnh. Theo ông Phùng Trung Toàn, Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, nơi đây có hàng chục chiến sĩ bộ đội đang thực hiện nhiệm vụ dựng lại nhà cho dân.
Đón chúng tôi tại trụ sở UBND xã, ông Toàn chỉ kịp chào hỏi rồi leo lên xe máy dẫn chúng tôi đến làng Hek. Trên đường đi, ông Toàn vừa lái xe vừa kể: Năm 2004, do tập tục du canh du cư, một nhóm cư dân của làng D’lâm (xã Chư A Thai) kéo nhau lên đỉnh Cheng Leng dựng chòi. Do thấy đất đai màu mỡ, nhóm cư dân này liền định cư ở đây và không muốn xuống núi nữa.
 
Những người lính khẩn trương dựng lại nhà cho người dân
Con đường duy nhất lên đỉnh Cheng Leng chỉ rộng chừng 2 m với lởm chởm đá núi, rất khó đi. Chính vì nằm khá biệt lập, trở ngại trong việc đi lại nên suốt 15 năm qua, cuộc sống của người dân thiếu thốn, khó khăn trăm bề: không điện, đường, trường, trạm…
“Đợt mùa mưa vừa rồi, tôi cùng một số cán bộ lái xe máy lên thăm và vận động bà con xuống núi. Ấy vậy mà vừa vào đến chân núi đường lầy quá, xe không nhúc nhích được, cả đoàn đành phải bỏ xe lại rồi cuốc bộ lên núi. Lên đến nơi, chỉ thương mấy đứa nhỏ lê lết dưới đất, bẩn thỉu. Các cháu không được đi học nên chẳng biết tương lai sẽ về đâu. Nhìn quanh cả làng không có gì hết, nói 5 không là còn thiếu”, ông Toàn thở dài.
 
Ông Rmah T'rông trao đổi với một vị chỉ huy về cách dựng nhà
Người dân nơi đây chỉ trồng lúa cạn và củ mì cao sản. Những ngày nông nhàn, đàn ông còn ra góc núi săn bắt. Đàn bà ở nhà chỉ ăn và… đẻ. Thêm vào đó, bà con nơi đây lại thích uống rượu, ít lao động nên cuộc sống càng thêm khó khăn. Những đứa trẻ sinh ra như cái cây trên rừng, như hòn đá trong núi. Chúng không có giấy tờ tùy thân, không được đến trường và không được tiếp xúc với thế giới văn minh dưới chân núi.
Không kìm được lòng trước những đứa trẻ thất học, ông Toàn cùng một số cán bộ xã vận động người dân cho con em xuống núi đến trường. UBND xã trích một phần kinh phí thuê xe công nông đưa đón 12 em học sinh độ tuổi từ 6 - 13 tuổi đến lớp. Vì đường đi khó khăn nên UBND xã đã sắp xếp cho các em được học nội trú tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nay Der. Xe đón các em vào thứ hai và đến thứ bảy lại chở về đến chân núi.
 
Những người lính tham gia nhiệm vụ di dời nhà dân
Trước thực trạng trên, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo H.Phú Thiện và xã Chư A Thai tập trung vận động nhân dân trở về làng tái định cư. Cuối cùng, sau nhiều lần vận động, UBND H.Phú Thiện đã quyết định di dời nhà dân trên đỉnh núi Cheng Leng về lại làng Hek.
Để thực hiện việc di dời nhà dân, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai đã điều động hơn 50 chiến sĩ từ Tiểu đoàn 50, Trung đoàn 991 đến làm nhiệm vụ.
 
Sau khi vượt qua gần chục cây số đường đất bụi mù, cuối cùng làng Hek cũng dần hiện ra với những nóc nhà đủ sắc màu. Chiếc xe máy của ông Toàn dừng lại trước cửa nhà rông của làng. Trước mắt chúng tôi là hàng chục đôi dép rọ của các chiến sĩ bộ đội lấm lem bùn đất nhưng vẫn được sắp xếp ngay ngắn ở một góc.
Ông Toàn giới thiệu, đây là nơi ăn uống, ngủ nghỉ của các chiến sĩ đến đây làm nhiệm vụ. Công việc của họ là leo lên đỉnh Cheng Leng, dỡ nhà rồi đem xuống làng Hek dựng lại nguyên bản cho gia chủ. Với công việc đầy gian truân, vất vả này các chiến sĩ có 10 ngày để tháo dỡ cũng như dựng lại hơn 13 căn nhà bằng gỗ.
 
Những ngôi nhà được dựng lại bằng tình quân dân dưới chân núi Cheng Leng
Theo ông Toàn, trước đây cả làng Hek có gần trăm nóc nhà nằm túm tụm lại với nhau. Nhà nọ nối nhà kia, khiến việc trồng trọt, chăn nuôi rất khó khăn. Thêm vào đó, đồng bào Ba Na có phong tục nuôi nhốt vật nuôi ngay dưới sàn nhà. Thậm chí họ đi vệ sinh tại chỗ. Điều này dễ gây ra nhiều bệnh, không đảm bảo được vệ sinh môi trường.
Khoảng tháng 6.2018, Trung đoàn 991 đã phối hợp cùng Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) về làng Hek làm nhiệm vụ “cõng làng”. Để di chuyển một căn nhà sàn có diện tích và khối lượng lớn, các công đoạn thực hiện là rất nhiều. Nhà sàn của người Ba Na dựng lên từ những khung gỗ nặng, tuy nhiên khá thô sơ. Các chiến sĩ phải tháo bớt những lớp ván thô sơ, chỉ để lại phần khung nhằm giảm bớt trọng lượng. Đồng thời, gia cố chằng buộc những điểm nối trước khi khiêng nhà, tránh trường hợp hư hại trong quá trình di chuyển.
 
Những người lính không ngại nặng nhọc thực hiện nhiệm vụ
Chưa kể, vì nhiều căn nhà lớn, các chiến sĩ phải dọn dẹp hết những vật cản trên đường đi, tháo cả cột trụ hay đường dây điện chắn lối. Công đoạn này chỉ có thể do bộ đội thực hiện.
Khi đã đảm bảo nhà được gia cố chắc chắn, đường đi đã thông thoáng, những người lính bắt tay vào công đoạn vất vả, khó khăn và nguy hiểm nhất là di chuyển căn nhà. Các chiến sĩ nhận nhiệm vụ chính xếp hàng trong cùng, đứng dưới những thanh xà nặng nhất. Người dân trong làng xếp vòng quanh phía ngoài “tác chiến” với bộ đội. Cả trăm người cùng ghé vai nâng căn nhà nặng hàng tấn trên vai. Quân và dân tập trung nghe mệnh lệnh của vị chỉ huy, nhích từng bước để di dời căn nhà đến địa điểm đã định trước.
 
Quân và dân chung tay dựng nhà
Sau 40 ngày, các chiến sĩ đã giúp 22 hộ gia đình di dời 26 nóc nhà theo kế hoạch. Làng Hek được quy hoạch lại, ngay hàng thẳng lối. Nói về nhiệm vụ cõng nhà dân này, ông Toàn phải thốt lên: “Chẳng khác nào công việc của thần đèn”.
Tiếp theo, Tiểu đoàn 50, Trung đoàn 991 tiếp tục di dời 13 căn nhà trên đỉnh núi Cheng Leng về lại làng Hek.
Cả đơn vị chia làm hai nhóm, một nhóm vượt núi dỡ làng và đem vật dụng về chân núi. Nhóm khác ở lại làng Hek cùng người dân tham gia dựng làng. Người đào hố, người chôn cột. Mỗi người một việc, mỗi người một tay. Dân làng cũng xắn tay áo vào phụ giúp.
 
Trung tá Nguyễn Thành Dũng, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 991, cho biết sau khi nhận nhiệm vụ giúp địa phương di dời làng trên núi Cheng Leng về nơi ở mới, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng nên đã làm tốt công tác chuẩn bị, đồng thời cử 50 cán bộ, chiến sĩ xuống giúp địa phương.
 


Người lính trẻ tỉ mỉ đóng đinh dựng nhà

 

Bụi đất, vất vả không ngăn được người lính trẻ 

Đứng bên căn nhà được dựng lại ở làng Hek, anh Nay Bhin (36 tuổi) tâm sự: “Ở trên núi thiếu nhiều thứ lắm. Nước cũng thiếu, điện cũng thiếu, hạt mưa rơi xuống là đường khó đi. Bộ đội nó lên giúp mình là mừng lắm, vui lắm. Cái gì bộ đội nó cũng giúp hết, dỡ cái nhà, đem nhà xuống núi, rồi dựng lại cái nhà này. Xuống dưới làng Hek, dân làng có cái nước uống, đường đi tiện lợi. Nhà mình có 4 đứa con, trước đây ở trên núi nó không được đi học. Bây giờ xuống dưới đây con mình được đi học rồi. Được nhà nước cho xe này, cho sách báo này, nhiều lắm. Người làng mình vui nhiều lắm!”.
Chúng tôi chia tay những người lính làm nhiệm “cõng làng” qua núi. Những đứa trẻ tan trường cười đùa tíu tít ở đầu làng. Ngày mai, người dân sẽ có một mái nhà yên ổn, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. Những đứa trẻ sẽ được no cái bụng, được đến trường và vươn xa ra khỏi góc núi Cheng Leng. 
Đức Nhật (Thanh Niên)
Đồ họa: Lâm Nhựt. Ảnh: Đức Nhật

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).