Kính nể làng... 'ngân hàng máu sống' 10 năm cho máu cứu người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người dân xã Đại Cường (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) hầu hết làm nông, kinh tế chẳng mấy khá giả nhưng họ có chung một tấm lòng "hiến máu cứu người". Mỗi năm, nơi đây cung cấp hàng trăm đơn vị máu cho những người mắc bệnh.
Xã 10 năm cho máu 
Ông Nguyễn Văn Tám, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đại Cường, kể, địa thế xã nằm ở vũng thấp trũng. Một bên con sông Quảng Huế, một bên sông Thu Bồn, ở giữa là những ngôi làng người dân sinh sống. Vào mùa mưa lũ, Đại Cường bị biển nước bao vây, làng mạc biến thành sông, nhà cửa ngập gần hết.
Người dân Đại Cường sống bằng nghề nông nghiệp là chủ yếu, do đó cuộc sống không mấy khấm khá. Tuy nhiên, họ có chung một tấm lòng "hiến máu cứu người". Đã không ít người bệnh được người dân vùng này tiếp máu để giữ mạng sống.
Người dân xã Đại Cường trong một lần hiến máu
Theo ông Tám, để có được phong trào hiến máu lan rộng như bây giờ cần một quá trình "không đơn giản". Ông kể, trước 2005 để vận động người dân Đại Cường cho máu là rất khó! Hầu hết bà con lo sợ. Người dân có chung tâm lý lo ngại rằng, nếu hiến máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, người cho máu sẽ bị ốm đau, gầy yếu… Họ nói rằng, ăn uống không đầy đủ, máu trong cơ thể không sinh ra, khi cho thì sẽ thiếu máu khiến người suy kiệt.
Trước khó khăn này, chính quyền không đứng ngoài cuộc, nhất là Hội Chữ thập đỏ xã. Như bản thân ông Tám phải thường xuyên có những động thái để khiến cho người dân hiểu biết về việc cho máu. Mỗi ngày, ông thông qua hệ thống loa phát thanh tuyên truyền để người nhằm xua tan nỗi lo sợ. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ kết hợp những cuộc họp ở thôn để “phản bác” lại những suy nghĩ không đúng bản chất của bà con.
Với phương châm mưa dầm thấm lâu và cán bộ tiên phong hiến máu nên sau một thời gian nhận thức của người dân về việc cho mau đã thay đổi. Một số cán bộ xã tự đăng ký cho máu sau đó thì không bị đau ốm mà còn tăng cân thêm. Từ những thực tế như vậy người dân truyền tai nhau, người chưa đi thì đi để biết nhóm máu, xác định tình trạng sức khỏe thông qua việc thử máu.
Người đi rồi thì tự tin hẳn, đến đợt vận động sau cách chừng nửa năm lại xung phong đi tiếp. Cứ thế, phong trào lan khắp từng ngõ, từng nhà, bà con cứ thế xung phong đi hiến máu.
“Rất nhiều lần người dân bất chấp mưa gió, giá lạnh khi có người cần máu bà con Đại Cường đều có mặt đến bệnh viện để cứu người. Một người cho không đủ thì rủ thêm vài khác, đến lúc bệnh nhân đủ máu thì mọi người mới ra về”, ông Tám nói.
Hơn 10 năm nay vùng quê thuần này trở thành ngân hàng máu sống cho nhiều bệnh nhân. Mỗi lần hiến máu, Đại Cường luôn dẫn đầu huyện, có hôm người dân đến tham gia vượt quá chỉ tiêu, trong lúc thiết bị lấy máu không đủ đành quay về.
“Từ những ngày đầu còn phải đi từng nhà, từng ngõ vận động nhưng giờ Đại Cường giờ đã trở thành ngân hàng máu sống cho nhiều cơ sở y tế, bệnh viện. Ở địa bàn huyện Đại Lộc có xã kiếm một đơn vị máu không ra nhưng ở đây thì bà con tình nguyện cho rất nhiều. Đừng nói một vài đơn vị máu mà cần đến cả trăm đơn vị máu cũng có thể huy động được”, ông Tám chia sẻ.
Ngoài các phong trào, mới đây Hội Chữ thập đỏ Đại Cường thành lập câu lạc bộ hiến máu 25 người để thuận lợi cho việc cứu người. Đây là ngân hàng máu sống được lập thành một danh sách và có thông tin để liên hệ từng người. Một khi bệnh viện cần máu thì sẽ gọi điện các thành viên cho máu.
“Bất cứ giờ nào chúng tôi nhận điện thoại cần máu thì sẽ thông báo cho các thành viên trong câu lạc bộ đến cho máu”, ông cho biết và nói những người tham gia đi hiến máu được hội hỗ trợ chi phí tiền xe.
Trên địa bàn xã Đại Cường - thôn Quảng Đại 2 có nhiều người tham gia hiến máu. Trong làng có 250 hộ dân thì có hơn 60 hộ gia đình thường xuyên tham gia hiến máu, hay thôn Thanh Vân có 15 gia đình sẵn sàng cho máu bất cứ lúc nào.
“Cách mấy mấy năm có một người ở địa phương điều trị ở bệnh viện ở Đà Nẵng gặp căn bệnh biến lạ. Người này truyền máu vào cơ thể thì sau đó biến mất nên cần rất nhiều máu để cứu chữa. Khi nghe tin chúng tôi thuê một chiếc xe ô tô chở hơn 10 người đến cho máu nhưng không dùng hết, sau đó bệnh nhân này được cứu sống và người dân quay về”, ông Tám kể.
Vị lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ thông tin, năm 2018 xã Đại Cường giao chỉ tiêu 43 đơn vị máu, tuy nhiên có 135 người tham hiến, vượt gần gấp ba lần. “Đó là chưa kể nhiều con em ở địa phương lao động, học tập ở các thành phố tham gia hiến máu tại trường học, đơn vị mình”, ông Tám bày tỏ.  
Cả nhà hiến máu
Ở Đại Cường - ông Trần Rê, thôn Quảng Đại 2 là người hiến máu nhiều nhất với 26 lần tham gia. Những giọt máu nhóm A của ông Rê đã cứu được bao nhiêu sinh mạng, ông cũng không biết và không nhớ rõ.
Ông Trần Rê chia sẻ với phóng viên 26 lần hiến máu
Ông chỉ nhớ năm 1998 làm công nhân cấp thoát nước ở TP. Hồ Chí Minh đã hiến máu lần đầu tiên. Hôm đó, ông đang làm việc vào đêm khuya, đường phố ít người qua lại thì có một người mang quốc tịch Đài Loan gặp tai nạn mất máu nhiều.
Không có người thân thích đi cùng nạn nhân nên ông Rê đưa người gặp nạn đi cấp cứu. Khi đến bệnh viện các bác sĩ yêu cầu người nhà hỗ trợ máu nhưng không có ai. Dù không phải là thân nhân nhưng ông Rê vẫn vào thử máu. Rất may cùng nhóm máu với bệnh nhân, ông vào hiến máu cho người Đài Loan kia 350 ml máu.
Năm 2000, ông trở về địa phương và đã âm thầm tham gia hiến máu nhiều lần. “Thấy tôi đi hiến máu liên tục nên người nghi ngờ đi bán máu kiếm tiền, họ còn bảo có nghèo khó thì lao động, chứ sao đi bán máu để ăn”, ông kể và cho rằng mặc kệ cho người ta nói, ai cần máu ông sẵn sàng cho.
Không chỉ bản thân đi cho máu, ông Rê còn kêu gọi người thân trong gia đình tham gia. Như bà Nguyễn Thị Gọn (57 tuổi, vợ ông Rê) đến nay đã hiến 11 lần; ba người con của ông bà mỗi người hiến trên 10 lần. “Ngoài những đợt cán bộ y tế về xã lấy máu thì những lúc nhận được điện thoại hỗ trợ máu tôi luôn sẵn sàng. Không quản ngại đêm hôm, tôi chạy đến bệnh viện cho máu”, ông nói và cho biết hay sau mỗi đợt hiến máu thì ăn uống điều độ, sau ba tháng lại tiếp tục cho máu.
Bà Nguyễn Thị Tưởng (48 tuổi, thôn Thanh Vân) làm nghề kinh doanh vật liệu tại gia nhưng đã tham gia hiến máu 11 lần. Hai người con của bà đã hiến gần 10 lần mỗi người. “Trước đây bản thân rất lo ngại về việc cho máu nên tôi xuống bệnh viện hỏi. Họ cho rằng hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe, chỉ những người bị bệnh tim mạch không nên hiến”, bà nói và cho hay sau đợt đó bà đều đặn đi hiến máu.
Bà Nguyễn Thị Tưởng cùng kỷ niệm chương vì tham giam hiến máu nhiều lần
Theo bà Tưởng lần đầu tiên đi cho máy bị choáng khoảng 30 phút nhưng các lần sau không lặp lại. “Sau một đợt hiến mình ăn uống đầy đủ và sau từ 3 đến 6 tháng tiếp tục tham gia. Mỗi lần cho máu xong, tôi không thấy mệt mỏi mà vui vẻ, khỏe ra", bà chia sẻ và cho rằng bản thân đã vận động nhiều người hàng xóm đi tham gia hiến máu.
Nông nghiệp Việt Nam/Lộc Nguyễn (Kiến thức gia đình số 1)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.