Đổ xô học lái xe "siêu tốc", "bao đậu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đúng như lời cam kết “bao đậu”, có bằng cấp tốc của nhân viên trung tâm dạy nghề lái xe từ TP. Hải Phòng khi vào tận xã vùng biên giới Ia Kha giới thiệu, chỉ sau 2 tuần học và thi, nhiều người dân đã có tấm bằng lái xe ô tô hạng C trong tay.
Học lái xe “siêu tốc”
Nghe theo những lời “đường mật” này, anh Rơ Chăm Huyh (làng Jăng Krái 2) đã nộp hồ sơ tham gia khóa đào tạo lái xe ô tô hạng C tại Trung tâm Dạy nghề lái xe H. P. (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) và dự kỳ thi sát hạch ngày 28-9-2018 do Sở Giao thông-Vận tải TP. Hải Phòng tổ chức. Kết quả, phần thi sát hạch lý thuyết của anh Huyh đạt điểm tuyệt đối 30/30; kỹ năng lái xe trong hình đạt 95/100 điểm; kỹ năng lái xe trên đường đạt 93/100 điểm và được Sở Giao thông-Vận tải TP. Hải Phòng cấp giấy phép lái xe ô tô hạng C ngày 26-10-2018.
Theo anh Huyh, ngoài số tiền học phí phải nộp là 14 triệu đồng, anh còn tự bỏ chi phí đi lại, ăn, ở trong thời gian 2 tuần tại Hải Phòng để vừa học, vừa thi. Số tiền này cộng dồn lại xấp xỉ 10 triệu đồng. Anh cho biết, qua người giới thiệu, trong làng có rất nhiều người thi và được “bao đậu” nên anh cũng tham gia. “Thuận lợi nhất là mình chỉ tốn thời gian 2 tuần, không cần biết chữ cũng thi được. Lý thuyết thì được “bao đậu”, giấy khám sức khỏe cũng không cần lo, lại còn được hỗ trợ phần thi thực hành sát hạch kỹ năng lái xe trong hình”-anh Huyh nói.
Anh Rơ Lan Tinh, làng Jăng Krái 1 (bìa phải) cho biết thi sát hạch lái xe ở Hải Phòng dễ đậu hơn bởi không cần quan tâm đến phần lý thuyết nhờ đã được “chống trượt”. Ảnh: M.T
Anh Rơ Lan Tinh, làng Jăng Krái 1 (bìa phải) cho biết thi sát hạch lái xe ở Hải Phòng dễ đậu hơn bởi không cần quan tâm đến phần lý thuyết nhờ đã được “chống trượt”. Ảnh: M.T
Tương tự, cũng qua lời giới thiệu hấp dẫn, anh Rơ Lan Tinh (làng Jăng Krái 1) cũng bỏ ra 2 tuần để khăn gói đi học lái xe ô tô tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp lái xe N. T (quận Kinh Dương, TP. Hải Phòng), sau đó tham gia kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe ô tô hạng C tại Hải Phòng vào ngày 27-9-2018. Anh Tinh đạt số điểm tuyệt đối 30/30 ở thi lý thuyết, phần thi thực hành cũng đạt điểm tương đối cao. Anh được Sở Giao thông-Vận tải TP. Hải Phòng cấp giấy phép lái xe ô tô hạng C ngày 22-10-2018. “Nhiều người trong làng nghe nói học lái xe ở Gia Lai chi phí cao, hết gần 30 triệu đồng, còn thi ở Hải Phòng thì dễ lấy bằng hơn, không cần quan tâm đến phần lý thuyết bởi được bao “chống trượt”, phần thi thực hành cũng được hướng dẫn qua điện thoại”-anh Tinh cho hay.
Theo anh A Huân-Phó Trưởng Công an xã Ia Khai, qua thống kê sơ bộ, trên địa bàn xã có đến gần 40 người dân tham gia học và thi giấy phép lái xe tại Hải Phòng. Hiện vẫn có nhiều người đang làm hồ sơ để tham gia thi lấy bằng lái xe ở địa phương trên bởi cho rằng, việc thi lái xe ở Hải Phòng dễ hơn, người lơ mơ chữ nghĩa cũng có bằng. “Những năm gần đây, giá hạt điều cao nên đời sống người dân ngày càng khá giả. Trên địa bàn xã đã có 15 người dân tộc thiểu số sắm được xe ô tô. Do vậy, cứ hết mùa điều là nhân viên trường lái từ Hải Phòng lại vào tận đây chiêu mộ học viên với những lời mời gọi hấp dẫn, “bao đậu” 100%. Hiện chưa thể thống kê đầy đủ có bao nhiêu người đã thi giấy phép lái xe tại Hải Phòng và các tỉnh thành khác”-anh Huân cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phương-Bí thư Đảng ủy xã Ia Khai-lo ngại: “Chắc họ (người của trung tâm đào tạo lái xe-P.V) lo lót được nên hầu như người dân tộc thiểu số ở đây đi thi là đậu. Họ đánh vào tâm lý của người dân sợ thi lý thuyết không đậu nên chấp nhận học phí cao, đó là chưa tính đến tiền ăn, ở, đi lại. Đảng ủy xã đã giao lực lượng Công an nắm lại số lượng người dân trên địa bàn học lái xe ngoài tỉnh, trong đó chú ý đến các trường hợp học lái xe ở Hải Phòng. Đồng thời xem hình thức học, thi sát hạch lái xe như thế nào, chứ người dân không nắm được luật, thậm chí không biết chữ mà thi vẫn đậu là rất nguy hiểm khi tham gia giao thông”.  
Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Phan Trung Tường-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho biết: “Trên cơ sở báo cáo của Công an huyện về danh sách các trường hợp người dân tộc thiểu số ở xã Ia Khai học và thi sát hạch giấy phép lái xe ở Hải Phòng, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, thống kê đầy đủ hơn. Đồng thời báo cáo UBND tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải đề nghị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn vào cuộc kiểm tra, xác minh lại những trường hợp này nhằm ngăn chặn nguy cơ mất an toàn giao thông”.
Đào tạo không theo quy trình?
Ngay sau khi phát hiện tình trạng bất thường này, Công an huyện Ia Grai đã tổ chức lực lượng đến các làng ở xã Ia Khai kiểm tra, khảo sát. Kết quả cho thấy, có 91 trường hợp người dân ở các làng Jăng Krái 1, Jăng Blo, Jăng Krái 2, Ếch, Yom, Tung, Nú tham gia học và thi lấy giấy phép lái xe ô tô tại một số trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe ở các tỉnh, thành. Qua xác minh, những bằng lái xe được cấp đều đúng quy định, tuy nhiên số công dân tham gia học tại các trung tâm này có thời gian không đảm bảo. Trong số này, có đến 38 trường hợp người dân tộc thiểu số thi sát hạch lái xe ở TP. Hải Phòng. Trung tá Trần Dũng Sĩ-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện Ia Grai-cho rằng: Việc nhiều người dân tộc thiểu số ở xã Ia Khai thi lấy giấy phép lái xe ô tô tại TP. Hải Phòng là hiện tượng bất thường, cần xem xét lại.

Đúng như người dân phản ánh, khi P.V tìm hiểu thì thấy website của Trung tâm Dạy nghề lái xe H.P. (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) công khai đăng tải thông tin mời gọi những ai có nhu cầu học, thi lấy bằng lái xe ô tô hoặc nâng bằng chỉ cần nộp hồ sơ trước 2-3 tháng, đến ngày thì tới thi sát hạch mà không cần học, đảm bảo bằng thật 100%. Ngoài ra, trong vai người muốn thi lấy bằng lái xe ô tô hạng C, phóng viên nhờ người liên hệ qua số điện thoại ghi trên card visit thì được nhân viên tên Đậu Đức B. của Trung tâm Dạy nghề lái xe N.T. tự tin giới thiệu: “Tôi sẽ lo cho anh trọn gói, từ lý thuyết, hồ sơ khám sức khỏe, xe học và hỗ trợ phần thi sát hạch kỹ năng lái xe trong hình với giá là 10 triệu đồng; ăn uống, tiền xe đi lại thì anh tự lo. Lý thuyết tôi “bao đậu” 100%. Ở đây thi dễ hơn, cơ chế thi thoáng hơn, người dân ở huyện Ia Grai ra đây thi rất nhiều”.

Trung tá Sĩ cũng cho biết, theo quy định, thời gian học lái xe ô tô hạng C là 6 tháng, nhưng nhiều người dân ở đây chỉ cần 2 tuần là đã có bằng lái xe. “Thời gian học như vậy không đảm bảo chất lượng, những người có bằng kiểu này liệu có đủ kỹ năng lái xe tham gia giao thông? Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tình hình tai nạn giao thông tăng nhanh trong thời gian qua. Do vậy, ngoài việc tăng cường tuần tra kiểm soát, chúng tôi đề nghị cần có chuyên đề khảo sát về vấn đề này”-Trung tá Sĩ đề nghị.
Trước thực trạng này, ông Tăng Xuân Kiên-Trưởng phòng Quản lý Phương tiện-Người lái (Sở Giao thông-Vận tải) khẳng định, thời gian học và thi chỉ 2 tuần chắc chắn không đảm bảo tiêu chuẩn cấp giấy phép lái xe. Ông Kiên khẳng định, sau khi nắm thông tin, Sở sẽ tiến hành kiểm tra, đồng thời có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị làm rõ vấn đề này. “Tôi chưa nghĩ ra tại sao cùng một quy trình học và thi sát hạch như nhau nhưng người dân ở huyện Ia Grai lại ra tận các cơ sở đào tạo ở địa phương khác để thi, trong khi tiền ăn ở, đi lại tốn khá cao, gấp 3 lần thi tại Gia Lai”-ông Kiên nói.
Ông Kiên cũng thông tin thêm, trong rất nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh, qua đối chiếu với hồ sơ quản lý người lái thì đa số tài xế ô tô gây tai nạn được đào tạo ở ngoài tỉnh. “Các hồ sơ người lái cho thấy tỷ lệ người đào tạo ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, Hải Phòng gây tai nạn giao thông cao. Đây là điều đáng báo động về chất lượng đào tạo”-ông Kiên lo ngại.
Minh Triều

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...