Chuyện về người 3 lần gặp Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 5 giờ chiều, khi cán bộ, công chức phường Trà Bá (TP. Pleiku) vào giờ tan tầm, ông lại lặng lẽ đến trụ sở, tiếp quản công việc của mình là trông coi, bảo vệ. Nhìn dáng vẻ cặm cụi, lặng lẽ và cẩn thận của người đàn ông ấy, ít ai biết rằng, phía sau lưng ông là cả một quãng đường dài với những câu chuyện đáng tự hào.
Ông là Rơ Mah Hoen đang sinh sống tại hẻm 48 đường Bà Huyện Thanh Quan (phường Trà Bá). Nhiều năm nay, sau khi nghỉ hưu, ông gắn bó với công việc bảo vệ trụ sở Đảng ủy-HĐND-UBND phường Trà Bá. Ông từng là học sinh Trường Dân tộc Trung ương, là người lính lái xe dọc tuyến lửa Quảng Trị trong những năm chiến tranh ác liệt nhất. Sau khi hòa bình, ông lái xe cho các vị lãnh đạo tỉnh.
10 tuổi đã tham gia cách mạng
Ông Hoen sinh năm 1948 tại làng Kom Ngó (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) trong một gia đình có 3 anh em. Cha ông là Ksor Blơn-nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Chía, bị địch giết hại năm 1964 và được Nhà nước công nhận liệt sĩ. “Nhà tôi ở sát bìa rừng nên rất tiện làm cơ sở liên lạc với cán bộ. Lên 10 tuổi, tôi đã được cha huấn luyện làm liên lạc, hàng ngày lùa trâu lên rừng và đưa cơm cho bộ đội”-ông Hoen nhớ lại.
Mỗi sáng, ông được giao dẫn đàn trâu lên núi với túi cơm đem theo. “Đồ nghề” không thể thiếu của cậu bé Hoen khi ấy là chiếc mõ nên người làng khi ấy hay gọi là “thằng gõ mõ”. Thế nhưng, không ai biết rằng, đó lại là phương tiện dùng làm ám hiệu để cán bộ của ta nhận ra Hoen mỗi khi tiếp tế. Mỗi hôm, cậu gõ một số tiếng nhất định để làm ám hiệu thông báo ngầm giữa hai bên. Trong số những cán bộ mà ông từng tiếp tế, ông nhớ nhất 2 người: ông Pran (nguyên Bí thư Huyện ủy Chư Pah) và ông Thứ (người Hre).
 Ông Rơ Mah Hoen. Ảnh: L.H
Ông Rơ Mah Hoen. Ảnh: L.H
Cậu bé Hoen khi ấy rất thích đi học. Hoen từng đòi bỏ nhà để đến lớp học do chính quyền Mỹ-Diệm tổ chức ở gần làng nhưng cha ông kiên quyết không đồng ý. Thương con, ông Blơn nhiều lần tâm sự với các chú ở “trên núi” về nguyện vọng của Hoen. Vào một ngày mưa tháng 7-1960, sau khi cùng 2 người em dự lễ cúng trong làng trở về, Hoen mệt quá lăn ra ngủ bên bếp lửa... Tỉnh dậy, Hoen thấy mình đã được đưa đến bờ suối, nơi có khá nhiều bạn ngang tuổi đang đợi sẵn: Hoen được đưa ra miền Bắc học tập.
Ký ức 3 lần được gặp Bác Hồ
Đoàn ra Bắc chuyến ấy có tất thảy 12 người cùng ở Khu 4 (huyện Chư Pah cũ). 12 đứa trẻ dưới sự dẫn dắt của các cán bộ luồn qua những khu rừng không lối mòn. Không ai được phép để lại dấu vết trên đường đi. “Có lần, đoàn vượt qua một khe suối đặt bẫy chông trong đêm tối. Tất cả mọi người được lệnh phải nắm chặt áo nhau, nếu ai bước lệch dù chỉ một chút cũng sẽ mất mạng”-ông Hoen bồi hồi nhớ lại. Đoàn di chuyển đến Quảng Nam, ông lên cơn sốt rét và buộc phải nghỉ lại ở một trạm giao liên. Sau này, ông Đinh Tiết (nguyên Bí thư Huyện ủy Kông Chro) và một người khác trên đường hành quân đã ghé đưa ông tiếp tục hành trình ra Bắc. Đến Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), vượt sông Bến Hải qua bờ bên kia vĩ tuyến 17, trên người cậu bé Hoen khi ấy chỉ còn độc chiếc áo ba lỗ do một cán bộ thương tình nhường cho, bởi bộ đồ mặc trước đó đã rách mướp. Từ đây, Hoen được đưa ra Hà Nội bằng xe cơ giới.
…Ra đến Hà Nội, vì trường học đang xây nên Hoen cùng các bạn được đưa đến ở tạm tại một ngôi chùa gần hồ Hoàn Kiếm, sau đó di tản lên Nông trường Chè Phú Thọ. Cuối năm 1961, Trường Dân tộc Trung ương được xây dựng xong, Hoen bước vào học lớp 1. Đây cũng là lần đầu tiên cậu được gặp Bác Hồ trong dịp Người về thăm trường.
Đến giờ, sau gần 60 năm, ông Hoen vẫn còn nhớ như in từng chi tiết về lần đầu tiên được gặp Bác. Lần đó, Bác mặc bộ quần áo màu nâu giản dị. Cả trường tập trung tại sân trường để nghe Bác nói chuyện. Bác hỏi: “Các cháu có đoàn kết không?”, “Các cháu có học giỏi không?”, “Các cháu ăn có no không?”… Một số bạn còn lém lỉnh trả lời Bác: “Cháu đói lắm ạ”, rồi tất cả cùng cười vang. Bác dặn dò: “Các cháu là hạt giống đỏ của miền Nam, phải cố gắng học tập để sau này quay về phục vụ quê hương” rồi bắt nhịp cho các cháu hát bài ca Kết đoàn. Năm 1962, Bác Hồ lại cùng với bác Tôn Đức Thắng về thăm trường. Lần về thăm này diễn ra rất nhanh và không tổ chức gặp gỡ, nói chuyện với các cháu. Ông Hoen chỉ nhớ lần ấy Bác mặc một chiếc áo ka ki giản dị.
Lần thứ 3 ông Hoen được gặp Bác là vào năm 1963. Bác vẫn mặc bộ quần áo nâu giản dị. Khi Người đến kiểm tra khu vệ sinh, nơi ở và học tập của các cháu, nhận ra Bác nên các cháu chạy theo rất đông. Ông Hoen nhỏ con nên không chen được, chỉ được nhìn Bác từ khá xa. Cũng trong năm này, nhờ thành tích học tập tốt, ông Hoen được nhận một phần quà gồm nhiều kẹo bánh do Bác Hồ gửi tặng các cháu học sinh giỏi. Lần đó, ông vui sướng đem quà của Bác về chia cho các bạn… “Đã rất nhiều năm trôi qua, cuộc sống đã có nhiều đổi khác nhưng hình ảnh của Bác trong trái tim tôi vẫn vẹn nguyên. Bác luôn giản dị, ân cần và dành sự quan tâm đặc biệt tới các cháu thiếu nhi, nhất là thiếu nhi miền Nam”-ông Hoen chia sẻ.
Khó khăn không làm nhụt chí
Tốt nghiệp THPT, ông Hoen theo học lái xe tại Xí nghiệp 2 (phố Lò Đúc, Hà Nội), sau đó được phân về Xí nghiệp Vận tải 26 (Cục Vận tải Đường bộ) nhận nhiệm vụ chở nhu yếu phẩm, đạn dược, trang-thiết bị vào chiến trường Quảng Trị. Khi Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc năm 1972, ông làm nhiệm vụ lái xe đưa người dân đi di tản. “Đáng nhớ là chuyến vào Quảng Trị, qua dốc “đầu lâu” (làng Ho, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) ai cũng ngán ngại vì địa hình hiểm trở, trực thăng địch quần đảo trên đầu, dưới đất là bom từ trường… Có lần nghe thanh niên xung phong báo có bom, chúng tôi nhào xuống đất vừa kịp lúc bom phát nổ. Ngày ấy, với những chuyến xe đêm, chúng tôi chỉ dùng đèn gầm, đèn rùa (loại đèn chỉ chiếu sáng trong phạm vi 5 m đổ lại) nên rất vất vả, mỗi người phụ trách một xe, chạy xuyên ngày đêm nhưng không nhụt chí”-ông Hoen nhớ lại.
Sau giải phóng, ông Hoen công tác tại miền Bắc một thời gian rồi chuyển về Gia Lai-Kon Tum. Từ năm 1985, ông chuyển về Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum, rồi về Phòng Nghiệp vụ Thi đua-Khen thưởng (nay là Ban Thi đua-Khen thưởng). Ở vị trí nào ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen. Đặc biệt, năm 2007, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong công tác thi đua-khen thưởng. Nhờ những đóng góp cho cách mạng trong chiến tranh gian khó, ông Hoen còn được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì. Vợ ông-bà Nguyễn Thị Ngân Hà, người đồng đội từng tham gia hoạt động cách mạng những năm 1972-1974 tại Hà Nội-cũng được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì. Các con của ông giờ đã trưởng thành.
Ông Hoen không thích kể về thành tích, bởi vậy, khi tôi đề cập chuyện viết báo, ông rất ngại. “Tôi có làm được gì nhiều đâu, hãy viết những người đã có những cống hiến, đóng góp nhiều cho tỉnh nhà”-ông nói. Sự giản dị, khiêm nhường ấy của ông quả thực đáng quý!
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).