Buôn bán thận người: Đường dây dài đến đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong quá trình lần theo các hồ sơ xin hiến thận cứu người, chúng tôi còn phát hiện nhiều hồ sơ khả nghi hoặc giả tạo vi phạm luật pháp nghiêm trọng khác nữa.
Lộ mặt “cô vợ” được thuê mướn?
Ngày 5.1.2018, chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Hà An - Chủ tịch UBND Thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Nhóm Phóng viên cũng đã so sánh chữ ký của ông “Chủ tịch Lê Hà An” với dấu triện của “UBND Thị trấn Phú Phong” trong “Giấy chứng nhận kết hôn” ngày 25.1.2018 của một đối tượng khả nghi với chữ ký và con dấu hợp pháp mà hiện nay cán bộ Phú Phong đang sử dụng. Chúng hoàn toàn khác nhau. Đến mức, khi trả lời các văn bản gửi về để điều tra xác minh, UBND thị trấn đã phải tức tốc đính kèm cả mẫu chữ ký của Chủ tịch với con dấu ủy ban ra để đối chứng.
Chữ ký ông Chủ tịch và con dấu của Ủy ban mà các đối tượng làm giả trong Hồ sơ ghép tạng (dưới); và chữ ký con dấu do UBND Thị trấn Phú Phong gửi để đối chứng. Ảnh: H.Q. 
Cuối cùng thì, không còn nghi ngờ gì nữa: việc làm giả chữ ký và con dấu này là hết sức nghiêm trọng, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bình Định sớm vào cuộc xử lý nghiêm khắc các đối tượng. Các tài liệu bị làm giả trong hồ sơ chắc chắn không chỉ dừng lại ở mức độ trên.
Cụ thể, một Bệnh viện lớn nhận được bộ hồ sơ dày cộp, đủ mọi giấy tờ về việc anh Nguyễn Trung H (SN 18.2.1986, ở thị trấn Phú Phong) xin hiến thận để cứu sống một bệnh nhân hiểm nghèo. Anh này khai mình là Kỹ thuật viên nha khoa ở “Phòng khám Nha khoa Sài Gòn - Đà Nẵng”. Lại có công an thị trấn Phú Phong xác nhận vào “Đơn xin xác nhận hạnh kiểm” của Nguyễn Trung H, do “Trung tá Nguyễn Thanh Hải” ký. Có hộ khẩu gia đình H được photo gửi đến. Có chứng minh thư và đăng ký kết hôn giữa Nguyễn Trung H và Nguyễn Thị Mai Phương. Phương, với tư cách là vợ H cũng ký đồng ý cho H hiến thận cứu người. Một cô gái trẻ SN 1991 như Phương chấp nhận cho chồng hiến thận cứu một người xa lạ chăng? Hay đó chỉ là một “cô vợ được thuê mướn”?
Đăng ký kết hôn đã được chính quyền sở tại xác nhận là bị làm giả trong hồ sơ ghép thận. Hành vi làm giả giấy tờ, con dấu không thể rõ ràng hơn. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý tận gốc.
Trước những thắc mắc về các chi tiết khả nghi của bộ hồ sơ này, UBND thị trấn Phú Phong đã có công văn nói rõ “Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn ngày 25.1.2018 của ông Nguyễn Trung H và bà Nguyễn Mai Phương là không hợp pháp. Ông Chủ tịch UBND thị trấn Lê Hà An đã ký, đóng dấu xác nhận luôn: Con dấu và chữ ký của lãnh đạo UBND thị trấn Phú Phong trong giấy chứng nhận đăng ký kết hôn trên “là giả mạo”.
Vậy, Nguyễn Trung H là ai? Theo “Giấy kết hôn” mà H và Phương cung cấp thì H SN 1986, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. CMND số 2118155 (...) do CA tỉnh Bình Định cấp ngày 4.6.2016. Anh này đăng ký kết hôn (giả) với Nguyễn Mai Phương SN 1991, số CMND 101277..., địa chỉ tại P. Cao Xanh, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cũng không ai dám chắc các dữ liệu trên có bị làm giả không.
Nỗi đau của các chuyên gia ghép tạng
Giữa ma trận làm giả giấy tờ, con dấu, núp bóng “nhân đạo cứu  người” để dụ dỗ, hãm hại người khác, thực hiện các hành vi phạm pháp nghiêm trọng để trục lợi trên, đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận lại các vấn đề.
Thứ nhất, các đường dây buôn bán thận người là có thật và chúng hoạt động dựa trên việc làm giả giấy tờ, con dấu, dùng người đóng thế để qua mặt cơ quan hữu trách. Cụ thể: Một người đủ điều kiện hiến thận cho người khác, thì ít nhất họ phải được sự đồng ý của bố (mẹ) họ hoặc vợ (chồng). Và các đối tượng cứ thế bịa ra đủ thứ “thân nhân” của người hiến. Muốn thế người kia phải có giấy chứng minh thư, có tên trong hộ khẩu, có đăng ký kết hôn, có chứng nhận của chính quyền rằng đủ tư cách đạo đức chưa vi phạm luật pháp. Bọn chúng đã làm giả một, một số hoặc tất cả các giấy tờ trên.
Vậy bản chất câu chuyện ở đây là tình trạng làm giả giấy tờ, con dấu, chữ ký của tổ chức cá nhân, cơ quan nhà nước nói chung. Trách nhiệm quản lý vấn đề này thuộc về ai? Lực lượng công an, các tổ chức chính quyền nói chung cần phải xử lý triệt để vấn đề này. Chứ không thể dồn toàn bộ “gánh nặng” tìm ra thủ phạm cho các bệnh viện.
Thứ hai, lật lại các trang báo: Nhiều đối tượng bị bắt, chúng khai đã tổ chức mua bán thận và ghép thành công ở nhiều bệnh viện lớn. Nhưng sau đó lãnh đạo các bệnh viện kia trả lời báo chí là họ ghép thận với đầy đủ hồ sơ. Vậy, rõ ràng hồ sơ "đầy đủ" đó đã bị làm giả. 
Các bệnh viện cũng không nên nói rằng mình hoàn toàn không thể biết các hồ sơ “đầy đủ” trên được làm giả tới mức nào. Mà ngược lại, họ hoàn toàn có thể xử lý được vấn đề, đồng hành với người tốt trong xã hội để vạch mặt kẻ xấu.
Cụ thể,  ở BV Đa khoa Trung ương Huế, lâu nay đang có một mô hình rất đáng cảm kích. Các y bác sĩ ở đây đã soạn công văn gửi về các địa phương mà các đối tượng khả nghi đăng ký hộ khẩu, làm thủ tục kết hôn, lấy dấu xác nhận... Công văn hỏi rõ: Chứng minh thư này của công dân xã, thị trấn mà ông bà đang làm chủ tịch có thật không? Đăng ký kết hôn này có đúng không, hiện có có hồ sơ lưu ở xã, thị trấn không? Chỉ bằng một động thái nhỏ như vậy với vài nghìn đồng tiền công quỹ gửi công văn qua bưu điện, sự thật đã có thể lòi ra. Các đối tượng có thể đối mặt với vành móng ngựa!
Với các sự làm giả tày đình ở trên, người ta có quyền đặt câu hỏi, các giấy tờ này có bị H và Phương cùng đồng bọn tổ chức làm giả tiếp không? 
Một giáo sư đầu ngành về ghép tạng cảnh báo nguồn tạng phải được lấy từ những người chết não. Chứ vì lầm lạc, bị dụ dỗ lừa phỉnh, một người trẻ ngoài hai mươi tuổi, vì hai trăm triệu đồng phải bán một quả thận. Rồi họ ân hận, trác táng, sức khỏe suy tàn, họ sẽ đổ đời vào tội ác hết sức dễ dàng. Đó là mối nguy lớn của toàn xã hội. Nó làm các thành quả ghép tạng cứu người xuất hiện mặt trái mà chính các trí thức ngành y cực kỳ trăn trở. Đấy là chưa kể, khi mà giấy tờ, con dấu giả tràn lan, hồ sơ buôn bán nội tạng bịa tạc như trên, nó sẽ làm xói mòn niềm tin của người ta về một xã hội thượng tôn luật pháp.
Tâm Am-Hoàng Quân (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.