Chợ Âm phủ: Chuyện bây giờ mới kể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phố sách Hà Nội (phố 19 tháng 12) cùng phố cổ, phố cũ, phố đi bộ quanh Hồ Gươm là nét duyên điểm tô cho Hà Nội thêm dịu dàng, nhất là những ngày cuối thu hanh hao nắng vàng và heo may về bên phố.
Phố sách ra đời hồi giữa năm ngoái, dài khoảng hơn 120 mét, cạnh Tòa án nhân dân TP Hà Nội, một đầu thông ra phố Lý Thường Kiệt, đầu kia là Hai Bà Trưng. Thời Pháp, phố có tên Rue Simoni - tên quan Pháp giữ chức Thống sứ Bắc Kỳ (1909-1912). Sau Cách mạng tháng 8/1945, phố đổi tên Lê Chân, lòng đường và vỉa hè rộng rãi, có hàng dã hương xanh mát.
Nhiều bạn trẻ, người già, khách du lịch thích đến nơi này dạo bộ, mua sách, hay đơn giản chỉ là ngồi nhâm nhi cà phê, lặng nhìn thời gian trôi. Có ai đang đi dạo trên phố kia lưu giữ trong mình ký ức về phố chợ Âm Phủ một thời nơi đây? 
Chợ Âm phủ 
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Hàng nghìn chiến sĩ cảm tử, đồng bào Thủ đô anh dũng hy sinh, được đưa về khu phố Lê Chân chôn cất trong nấm mồ chung sơ sài. Sau năm 1954, khu mộ được đặt tên là Mồ Liệt sĩ và nhân dân hy sinh trong Ngày toàn quốc kháng chiến. Năm 1981, thành phố tổ chức khai quật và chuyển hài cốt lên nghĩa trang Bất Bạt (Ba Vì, Hà Tây). Phố cũ được khôi phục đặt tên là Phố 19/12 để kỷ niệm sự kiện Toàn quốc kháng chiến. 
Loạt bài trên báo Tiền Phong
Loạt bài trên báo Tiền Phong
Nhiều năm sau, người dân kéo về đây họp chợ, đến năm 1985 Thành phố  chính thức lập chợ tạm với tên gọi Chợ 19/12. Vì chợ họp trên nền nghĩa địa cũ nên người dân gọi là chợ Âm phủ. Chợ có đủ hàng tươi, hàng khô và cả món mộc tồn  đưa từ Hà Tây ra phục vụ người ưa thích. Trong chợ vẫn giữ được hai hàng cây dã hương xanh tốt trồng từ đầu thế kỷ, một cây bồ đề có từ bao giờ không ai  biết
Năm 2008, do một quyết định hành chính bất chấp Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, 3.054m2 chợ Âm Phủ bị Thành phố thu hồi giao cho Cty TNHH Thủ đô II làm trung tâm thương mại,văn phòng cho thuê. Tổ hợp công trình gồm 2 khối cao ốc, tổng diện tích sàn 19.013m2. Một khối nhà cao 7 tầng làm văn phòng, khối kia 17 tầng,  5 tầng dưới là chợ truyền thống kết hợp nhà hàng. 
Phố hay cao ốc
Khi người ta cho máy xúc đào vào lớp đất đầu tiên thì dư luận bùng lên. Nhà sử học Dương Trung Quốc gửi thư ngỏ tới lãnh đạo thành phố không đồng tình với dự án. Biết đây là đề tài nóng, tôi đề nghị lãnh đạo báo được vào cuộc. Tôi đồng cảm với ý kiến của Nhà sử học Dương Trung Quốc: Xây trung tâm thương mại đè lên một khu phố có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, văn hoá và cả tâm linh như Phố 19-12 là không nên. 
Loạt bài trên Tiền Phong xoáy vào mấy vấn đề: Việc chuyển đổi đất Chợ 19-12 để giao không đấu thầu cho Cty tư nhân theo luật nào? Có ưu ái đến trái luật vì lợi ích nhóm nào đó hay không? Không khó để chỉ ra rằng Thành phố thu hồi chợ Âm phủ giao cho Cty TNHH Thủ đô II thuê với giá bèo - chưa tới 1USD/m2/tháng (tức chưa bằng 1 bát phở lúc đó); nhưng Thành phố có sai không, sai ở đâu là một câu hỏi khó. Trên diễn đàn Tiền Phong, KTS cảnh quan Nguyễn Thanh Vân, Hiệu trưởng ĐHKT Trần Trọng Hanh, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc và nhiều ý kiến tâm huyết đều lo ngại, khuyến nghị thành phố nên bảo tồn giá trị lịch sử văn hoá.
Phố sách có những ngày tĩnh lặng, yên bình
Phố sách có những ngày tĩnh lặng, yên bình
Sức nóng công luận phả vào kỳ họp Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo phải trả lời chất vấn ngay tại kỳ họp đó. Bí thư Phạm Quang Nghị viết thư cho ông Dương Trung Quốc, KTS Hoàng Đạo Kính và nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho biết sẽ xem xét các khía cạnh dự án trên cơ sở bảo tồn các giá trị văn hoá, đồng thuận xã hội. Tuy nhiên, trả lời tại giao ban báo chí Thành uỷ các cơ quan giúp việc Thành phố lại bao biện Thành phố đã làm  đúng, dự án có đầy đủ tính pháp lý.
Có một chuyện mà tôi sẽ không bao giờ quên được, chính lúc tưởng như bế tắc ấy, có một người dấu danh tính nhắn tin cung cấp manh mối cho tôi. Từ mẩu tin đó, tôi lần ra Bản quy hoạch về mạng lưới chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn quận Hoàn Kiếm phê duyệt năm 2000. Không có Trung tâm thương mại nào đặt tại chợ Âm phủ, chính chợ này cũng phải giải toả, trả lại Phố 19-12 theo đúng quy hoạch của Thủ tướng.
Hôm sau bài báo đó được đăng trang nhất với hàng tít: “Trong quy hoạch phê duyệt, Chợ 19-12 là một đường phố”. Bài báo phát hành ngày 19/12/2008, đúng ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 62 năm trước. Bản quy hoạch làm lộ ra sự không chính danh của dự án. 
Tâm và tầm
Chiều 6/1/2009 tôi nhận được tin lãnh đạo Thành phố Hà Nội chính thức quyết định dừng dự án, giữ lại Phố 19/12. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nói “Vì lợi ích chung có thể phải hy sinh cái nhỏ: Mục tiêu của Thành phố bây giờ là tìm mọi giải pháp, vắt óc suy nghĩ, để làm sao đạt được các mục tiêu: Bà con có chợ buôn bán, để tiếp tục làm ăn, sinh sống; còn thành phố có đường giao thông, đảm bảo đúng quy hoạch. Tất nhiên thành phố cũng xem xét lợi ích của chủ đầu tư”. Để đi đến quyết định dũng cảm ấy, ông Thảo chia sẻ “không chỉ có tâm mà phải có cả tầm và nhất định phải làm vì cái tâm”. Bí thư Thành uỷ Phạm Quang nghị nói rõ: “Trong từng trường hợp cụ thể phải ưu tiên nhiều hơn cho bảo tồn, thậm chí là ưu tiên tối đa cho bảo tồn, nếu như giá trị bảo tồn ấy cực kỳ quan trọng, quý hiếm, mất cái đó không thể thay thế”. 
Về ý tưởng khôi phục Phố 19/12, lãnh đạo Thành phố cho biết, sẽ đầu tư nơi đây thành phố đi bộ, có vườn hoa, một bức phù điêu hay tấm bia ghi lịch sử đường phố vì đấy cũng là tâm nguyện của người dân.
Tôi gọi điện báo tin cho Nhà sử học Dương Trung Quốc, ông rất vui và nói ngay: “Đó là một quyết định sáng suốt, một kết thúc có hậu”.

Để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư và các hộ tiểu thương, dự án được chuyển về 41 Hai Bà Trưng liền kề vị trí cũ (1 Cty khác nhường đất cho dự án). Tại đây, chủ đầu tư xây dựng trung tâm thương mại 9 tầng, chợ dân sinh nằm phía dưới. Tám năm sau thành phố phê duyệt Phố sách (đặt tại Phố 19 tháng 12), khai trương 30/4/2017. Đây là một trong những con phố đẹp giữa Thủ đô, hoạt động các ngày trong tuần, không chỉ bán sách, còn là nơi giao lưu của người yêu sách.

Cây Bồ đề vô danh

Ngay khi thành phố Hà Nội quyết định dời dự án đến nơi khác, một cuộc khai quật quy mô lớn phát hiện thêm hàng trăm bộ hài cốt nằm sâu dưới nền phố cũ. Tối 20/1/2009, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội chủ trì, cùng các tăng ni, phật tử làm lễ cầu siêu hương hồn những người còn nằm lại đây. Những ngày sau, nhiều người dân đến thắp hương dưới gốc bồ đề cổ thụ, tưởng nhớ những người ngã xuống vì Tổ quốc. Có một chuyện xảy ra với cây bồ đề. Đêm nọ, người ta đào trộm và mang cây đi. Bị người dân phát giác, công luận lên tiếng, nhóm người vội chuyển cây về trồng lại. Cây bị chặt trơ cành trông rất thảm thương, nhưng vẫn sống, trổ cành lá non xanh. Vậy mà, một thời gian sau, người ta lại cố bức cây mang đi đâu mất. Hàng cây dã hương cũng bị chặt hết, chỉ còn lại vài ba cây.

Nguyễn Tuấn (TP)

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).