Theo dấu người tiền sử (*): Khai phá tiềm năng du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tỉnh Đắk Nông đang chờ những nghiên cứu tiếp theo về người tiền sử ở hệ thống hang động núi lửa Krông Nô để biết được phải bảo tồn thế nào để vừa giữ được giá trị khoa học vừa phục vụ du lịch.
Tỉnh Đắk Nông đang xây dựng Công viên Địa chất núi lửa trên diện tích dự kiến khoảng 4.000 km2 mà điểm nhấn là hệ thống hang động núi lửa Krông Nô. Việc các nhà khoa học vừa phát hiện di cốt người tiền sử trong hang động núi lửa này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng công viên địa chất toàn cầu nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tái hiện môi trường sống
TS La Thế Phúc - Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, chủ nhiệm đề tài khảo cổ ở hang động núi lửa Krông Nô - cho rằng việc tiếp tục khai quật hang C6-1 vào năm tới hy vọng sẽ tìm được bằng chứng chính xác về người tiền sử tại Tây Nguyên. Theo ông, kết quả nghiên cứu vừa qua đã bổ sung tài liệu để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên Địa chất núi lửa Krông Nô là công viên địa chất toàn cầu - dự kiến vào tháng 11-2018.
Tuy nhiên, nghiên cứu vừa qua mới chỉ là bước đầu, cần mở rộng diện tích khai quật, phân tích ADN mẫu xương người, giám định thành phần chủng tộc để làm rõ chủ nhân các nền văn hóa cổ nơi đây. Đồng thời, phải phân tích niên đại tuyệt đối, bào tử phấn hoa để phác dựng quá khứ của cư dân tiền sử trên đất Đắk Nông.
Vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của hang động núi lửa Đắk Nông Ảnh: NGỌC BẢO
Vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của hang động núi lửa Đắk Nông Ảnh: NGỌC BẢO
Thực tế, khi các nhà khoa học Việt Nam tham khảo ý kiến của một số chuyên gia nước ngoài như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Úc, Indonesia..., họ đều cho rằng muốn xác định được rõ ràng chủng tộc thì cần khai quật tiếp để tìm sọ người lớn. PGS-TS Nguyễn Lân Cường - Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, một trong những nhà khoa học tham gia cuộc khai quật - khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm sọ người lớn để có cơ sở chắc chắn hơn". Ông cho hay đã phát hiện được xương người trưởng thành trong hang, tiếp theo chỉ cần khai quật mở rộng thêm để tìm kiếm.
"Dựa trên những kết quả đã thu về cũng như những nghiên cứu sắp hoàn thành, chúng tôi hy vọng sẽ có đủ thông tin để tái hiện môi trường sinh cảnh của người tiền sử trong hang động tại chính nơi này" - TS La Thế Phúc bày tỏ.
Các nhà khoa học cho rằng cần có hành lang pháp lý để bảo tồn và phát huy di sản hang động núi lửa Krông Nô. Trước mắt, cần lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia, tiến tới cấp quốc gia đặc biệt. Hiện vật khai quật được cần lưu giữ cẩn mật trong điều kiện tối ưu để sử dụng lâu dài. Riêng hiện vật quý hiếm, độc bản cần được chế tác nhiều phiên bản để trưng bày tại bảo tàng ngoài trời, bảo tồn tại chỗ, khai thác phát triển.
Ngoài ra, cần nghiên cứu chi tiết để phục dựng, tái hiện môi trường sinh cảnh của người tiền sử trong hang động để phục vụ bảo tồn và trưng bày tại chỗ khi khai thác du lịch. Thay cho việc di dời hiện vật về các bảo tàng, theo các nhà khoa học, cần từng bước xây dựng một bảo tàng tại chỗ để phục vụ công tác bảo tồn cũng như khai thác du lịch.
TS Phúc cho biết lãnh đạo tỉnh Đắk Nông rất tâm đắc với ý tưởng nêu trên. Tuy nhiên, xây dựng một bảo tàng hiện đại và hấp dẫn sẽ là một vấn đề phức tạp bởi cần kinh phí để đầu tư rất nhiều hạng mục. Theo ông Phúc, nếu chỉ trông chờ nguồn kinh phí từ nhà nước thì khó thành hiện thực nên rất cần huy động các nguồn lực xã hội hóa.
Bảo tồn tất cả giá trị
Bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban Quản lý Công viên Địa chất núi lửa Đắk Nông, nhìn nhận ngoài vấn đề khai thác du lịch, mục đích lớn nhất phải là bảo tồn. "Bảo tồn tất cả các giá trị về khoa học, văn hóa, lịch sử, thiên nhiên. Các vị trí phát hiện di cốt người tiền sử phải được bảo tồn nghiêm ngặt để phục vụ nghiên cứu khoa học. Đắk Nông đang chờ những nghiên cứu tiếp theo để biết được phải bảo tồn thế nào để vừa giữ được giá trị khoa học vừa phục vụ du lịch. Có thể chúng tôi sẽ xây dựng trung tâm thông tin ở ngoài hang, mô phỏng đời sống người tiền sử để du khách tham quan được rõ" - bà nói.
Bà Hồng An cho biết theo UNESCO, điều kiện để trở thành công viên địa chất toàn cầu là phải hội tụ đầy đủ 3 yếu tố: Sự đa dạng về địa chất và di sản địa chất; đa dạng sinh học; đa dạng về văn hóa xã hội và di sản văn hóa.
Địa chất, di sản địa chất ở Đắk Nông thì đã thấy rõ với hệ thống hang động núi lửa, đồi núi lửa, nhiều hóa thạch khuôn cây. Đối với đa dạng sinh học, trong vùng có nhiều khu bảo tồn, rừng đặc dụng với cả ngàn loại động vật, thực vật, trong đó có hơn 100 loài được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Riêng yếu tố đa dạng về văn hóa xã hội và di sản văn hóa thì khu vực này đã có không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, 1 di sản cấp quốc gia đặc biệt là đường mòn Hồ Chí Minh, 6 di sản cấp quốc gia và nhiều di tích cấp tỉnh khác.
"Như vậy, tiềm năng di sản thiên nhiên và văn hóa trong khu vực là vô cùng phong phú, hội tụ đầy đủ các tiêu chí để thành lập công viên địa chất toàn cầu. Hồ sơ đăng ký công viên địa chất toàn cầu cho Công viên Địa chất núi lửa Đắk Nông đã được Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nộp nhưng hiện mở rộng thêm ranh giới nên Viện Địa chất Khoáng sản đang hỗ trợ để bổ sung. Tháng 11-2018, hồ sơ sẽ được trình lên UNESCO để tháng 6-2019 họ thẩm định" - bà Hồng An cho hay. 
Tạo cú hích phát triển
Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, xây dựng công viên địa chất núi lửa là nhằm bảo tồn di sản địa chất, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên - đồng nghĩa với việc tạo sản phẩm du lịch, tạo cú hích động lực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Bà Lê Thị Hồng An cho biết quan điểm của tỉnh Đắk Nông là xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Lúc này, người dân sẽ là chủ thể bảo tồn các giá trị quý báu này. "Bảo vệ di sản không phải là xây dựng hàng rào bê-tông khoanh vùng, có người canh giữ mà là bảo vệ "mềm" - tức là ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ các di sản" - bà giải thích.
Cao Nguyên - Yến Anh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).