Heo hút Nà Pàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Điểm trường Nà Pàng nền đất đỏ, mái lợp fibro xi măng, cột gỗ, tường phên nứa, khi mùa đông lạnh gió rất mạnh không đảm bảo cho học sinh học tập... Học sinh cũng sợ đến lớp vì lo sập.
Điểm trường Nà Pàng rách nát, nằm heo hút trong rừng vắng ẢNH: MAI THANH HẢI
Điểm trường Nà Pàng rách nát, nằm heo hút trong rừng vắng ẢNH: MAI THANH HẢI
Ai dưới xuôi lên trung tâm xã Mậu Long (Yên Minh, Hà Giang) cũng bảo: “Núi này toàn đặc sản cua”. Đấy là những đoạn cua tay áo, gấp khúc liên tục suốt 11 km từ đỉnh đèo Nậm Sọc (đường tỉnh 176 từ Yên Minh đi Mèo Vạc) vào xã. Ở đó, có những bản làng như Nà Pàng của người Giáy, heo hút đến đơn côi.
Trống hơ trống hoác
Cô giáo Nguyễn Thị Đào, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Mậu Long (Yên Minh, Hà Giang) miệng lúc nào cũng tươi rói nhưng mắt thì cứ buồn rười rượi. Hỏi mới biết, nhà Đào ở TT.Yên Minh, mỗi ngày phóng xe máy đi về 64 km và cô là số ít người giữ kỷ lục gắn bó với xã miền núi vùng 3 này, chỉ mấy tháng nữa là tròn 10 năm. Đào kể: “Toàn trường tiểu học hiện có 819 học sinh học tại 17 điểm trường thôn xóm. Cũ kỹ đến tồi tàn và đáng lo nhất là điểm trường Nà Pàng” và rủ tôi: “Anh đi xem không?”.
Gần cuối giờ sáng, Phó chủ tịch UBND xã Mậu Long Sìn A Chung chở tôi trên chiếc xe máy dã chiến, lục khục đi về hướng đông bắc lên bản Nà Pàng. “Trời nắng như mấy hôm nay, mới đi được xe máy. Giờ chỉ cần mưa nửa tiếng là phải để xe máy ven đường, đi bộ. Mưa cả tiếng là phải vòng đường Lũng Phìn của H.Đồng Văn gần 50 km, gấp hơn 7 lần đường đi hiện tại, bởi nước dâng nhanh trên suối, có khi còn gây lũ quét”, Chung kể và cười buồn: “Có mấy chương trình từ thiện cũng đến tận nơi khảo sát xây tặng điểm trường, nhưng thấy đường vất vả quá nên về là im bặt, không phản hồi”.
Hơn tiếng đồng hồ đánh vật với quãng đường núi rừng 7 km, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bãi đất trống đầu bản. Giật áo hỏi: “Điểm trường đâu?”, cả Phó chủ tịch Chung và cô giáo Đào cười phá, chỉ cho tôi căn nhà mái fibro xi măng, nền đất mấp mô, tường chỉ đơn giản là 3 tấm phên nứa tạm bợ, phía nhìn ra ngoài đường trống hơ trống hoác. Cô giáo Đào buồn buồn: Điểm trường có 2 lớp ghép với 24 học sinh (nữ 13). Phòng học tạm bợ được người dân dựng cả chục năm nay, mỗi mùa mưa bão càng hư hỏng xuống cấp, thậm chí tấm phên nứa còn bị gió mạnh kéo đổ nên cứ mưa là nước hắt đầy lớp, cô trò không thể dạy - học; những ngày mưa gió, giáo viên phải cho học sinh nghỉ học vì sợ lớp học đổ sụp.

“Các thầy cô giáo chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm tạo điều kiện giúp đỡ, đầu tư tài trợ xây dựng điểm trường thôn Nà Pàng với quy mô nhà lắp ghép 60 - 70 m2, sàn bê tông với 2 phòng học, 1 phòng lưu trú giáo viên, bếp nấu để học sinh người Giáy an tâm đến trường học và giáo viên an tâm dạy. Kinh phí xây dựng khoảng hơn 100 triệu đồng. Mặt bằng đất làm trường do người dân hiến tặng và được cấp ủy chính quyền địa phương nhất trí. Đồng bào dân tộc trong bản sẽ hiến đất nếu diện tích không đủ, đảm nhiệm phần công san nền tạo mặt bằng và tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng”…

(Cô giáo Nguyễn Thị Đào, Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học Mậu Long)

Đốt lửa dạy học

Thầy giáo Mua Mí Lử, giáo viên dạy điểm trường Nà Pàng thở dài: “Mấy năm trước, mình phải dạy toàn bộ học sinh tiểu học từ lớp 1 - 5. Năm học này, lớp sắp sập nên mình đề nghị đưa 9 học sinh lớp 1 và lớp 5 về trường chính, chỉ dạy 15 học sinh lớp 1 và lớp 3 thôi”.
Thầy Lử năm nay 44 tuổi, người Mông ở Lũng Phìn, được Ban Giám hiệu Trường PTDTBT tiểu học Mậu Long chuyên trách giao nhiệm vụ dạy lớp ghép Nà Pàng mấy năm học qua. Nguyên do cũng chỉ vì đường xa, điểm trường heo hút và trường lớp xập xệ, không có chỗ ở cho giáo viên ở xa lưu trú trong tuần. Mỗi ngày, thầy đánh vật với con đường đất nhão ngập ngang bánh xe máy trời mưa, bụi mù mịt mùa hè, mỗi lần đi về hơn 1 tiếng đồng hồ, tròn 30.000 đồng tiền xăng. “Mình mà không dạy, cô giáo người Kinh dưới xuôi lên, không chịu được khổ đâu”, thầy Lử nói và bấm ngón tay liệt kê: “Mùa hè thì phải bẻ cành cây dấp vào tường che nắng. Mưa thì chăng tấm ni lông chắn nước hắt. Mùa đông trên này lạnh đến vài độ, phải đốt củi giữa lớp cho học sinh ôn bài xung quanh. Hôm nào hết củi, phải năn nỉ học sinh xin phụ huynh mang củi đến”.
Cứ mỗi sáng thứ hai đầu tuần, các thầy cô Trường PTDTBT tiểu học Mậu Long lại nhấp nhổm nhìn xuống chân dốc, chờ 2 cái bóng bé tẹo, quần ống thấp ống cao, tay xách túi quần áo, tay quẹt lên mặt nhoe nhoét nước mũi và nước mắt. Đó là Nùng A Tống và Nùng A Hải, năm nay tròn 6 tuổi, người dân tộc Giáy của bản Nà Pàng ra trường chính theo học lớp 1. Hôm nào không quá bận việc sản xuất, gia đình thì anh Nùng A Lỷ và Lùng A Lo phân công nhau đưa 2 đứa trẻ từ bản ra trường. Hôm nào bận quá, chị Vi Thị Sèn và Vầy Thị Thanh là mẹ của 2 đứa, dắt qua con suối nước sâu, cánh rừng già bất thường trăn rắn độc, đến thung lũng có đường đất, để 2 đứa tự lên trường.
Anh Nùng A Lỷ, bố cháu Nùng A Tống kể: “Nó khóc lắm, cứ đòi ở nhà. Mẹ thương con, cũng bảo cho ở nhà. Nhưng ở nhà thì thất học, lại lầm lũi như con trâu trên nương, con lợn trong chuồng, nên khổ thế nào cũng phải cho con đi học cái chữ” và thần mặt: “Sáng thứ hai nó đi, mãi chiều thứ sáu mới về. Tối nào mẹ nó cũng tấm tức khóc nhớ con và chắc tối nào nó cũng khóc đòi bố mẹ”.
Cô giáo Nguyễn Thị Đào, thở dài: “Năm học 2018 - 2019, do không có chỗ ngồi và một mình thầy giáo không xoay xở nổi với 24 học sinh học đủ các lớp từ 1 - 5 trong nhà lán chật chội, nguy hiểm, nên nhà trường phải mở chiến dịch vận động 9 gia đình học sinh, đồng ý cho 9 học sinh (lớp 1 và 5) tập trung về điểm trường chính học tập. Trong số này, khó khăn nhất là vận động thuyết phục phụ huynh của 2 học sinh lớp 1, mất vài tuần liền mới thành công bởi các cháu còn quá nhỏ, bố mẹ ông bà lo lắng mọi thứ từ sinh hoạt đến ăn uống, ngủ nghỉ cả tuần trên trường”. “Năm học 2019 - 2020 tới đây, có 10 học sinh lớp 1 và lớp ghép 3+4, với tổng số 25 trẻ học tại thôn Nà Pàng. Chúng tôi không biết xoay xở ra sao đây”, cô Đào thở dài.
Học sinh lớp ghép tiểu học ở điểm trường tiểu học Nà Pàng
Học sinh lớp ghép tiểu học ở điểm trường tiểu học Nà Pàng
Xin mỏi xin mòn
Trước khi bước vào năm học 2018 - 2019, ngành chức năng xã Mậu Long đã khảo sát, kết luận: Toàn xã có 4 điểm trường khó khăn xuống cấp là Bản Mà, Nà Đé, Lầu Khắm và Nà Pàng. Điểm Bản Mà trường đã xin Dự án Plan 2 năm nay nhưng chưa được đầu tư sửa chữa; Nà Đé trường đã sửa được cửa 2 phòng học; Lầu Khắm, giáo viên phải đi xin sơn về sơn quét trường lớp và vận động nhân dân sửa lại mái nhà.
“Riêng điểm Nà Pàng nền đất đỏ, mái lợp fibro xi măng, cột gỗ, tường phên nứa, khi mùa đông lạnh gió rất mạnh không đảm bảo cho học sinh học tập. Nhà trường không có khả năng xây dựng điểm trường nên đã nhiều lần báo cáo xã nắm bắt và có kế hoạch trình lên cấp trên xin kinh phí xây dựng điểm trường, nhưng xã cho biết huyện không có kinh phí, cứ chờ khi nào có nguồn sẽ xét”, ông Sìn A Chung nói vậy với tôi và cầm cái mõ tre gắn trên vách lớp, giơ ra: “Giờ thầy có gõ gọi suốt, học sinh cũng sợ đến lớp vì lo sập”…
Mai Thanh Hải (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.
Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hơn 500 cây sao đen được trồng trên khu rừng cộng đồng rộng 4ha ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là bước đệm đầu tiên của hành trình “cõng” cây gỗ lớn về rừng, trả lại mảng xanh cho núi rừng Hòa Bắc cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con Cơ Tu ở đây.