"Từ mẫu" của A Vao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau thời gian được các bác sĩ cùng ăn, cùng ở để vận động, người dân mới lục đục rủ nhau đến trạm y tế chữa bệnh và dần dần bỏ luôn việc cúng bái, đuổi "ma rừng" khi đau ốm.
Thoắt cái, "thời gian đầu" ấy đến nay đã gần 20 năm đối với bác sĩ Trịnh Đức Thiện. Ông đã 50 tuổi và gắn bó với vùng đất biên ải này chỉ với một chức vụ duy nhất: Trưởng Trạm Y tế xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Chật vật "trồng tỉa"
Tôi hết ngồi ở Trạm Y tế xã A Vao lại đến nhà riêng của ông chỉ để nghe ông kể về những viên thuốc, mũi tiêm cứu người đầu tiên mà ông chật vật "trồng tỉa" trên vùng đất được ví là vùng lõm y tế này.
Vườn thuốc nam do bác sĩ Trịnh Đức Thiện lập ra để phục vụ cho việc chữa bệnh cho dân bản
Vườn thuốc nam do bác sĩ Trịnh Đức Thiện lập ra để phục vụ cho việc chữa bệnh cho dân bản
"Đó là vào cuối năm 1998, tôi được phân công đến nhận công tác tại Trạm Y tế xã A Vao. Hồi đó, nhắc đến A Vao là nhiều người rất ngán bởi đường sá trắc trở, hoang vu đến rợn người. Tôi lúc đó tuổi mới đôi mươi, chưa vướng bận chuyện gia đình nên khi nhận được quyết định cái là lên đường ngay" - bác sĩ Thiện mở đầu câu chuyện.
Ngoài giờ khám bệnh ở trạm y tế, bác sĩ Trịnh Đức Thiện vẫn thường đến nhà người dân để vận động đến trạm y tế khám chữa bệnh
Ngoài giờ khám bệnh ở trạm y tế, bác sĩ Trịnh Đức Thiện vẫn thường đến nhà người dân để vận động đến trạm y tế khám chữa bệnh
Xã A Vao lúc bác sĩ Thiện đặt chân đến chỉ thưa thớt những nóc nhà của đồng bào dân tộc Pa Kô sinh sống. Mỗi bản làng đều nằm cách biệt với bên ngoài, lọt thỏm giữa những cánh rừng già hoang vu. Do địa bàn cách trở, dân cư không tập trung nên bấy giờ nhiều phong tục lạc hậu vẫn tồn tại.
"Ngày ấy, hầu hết bà con nơi đây đều chưa biết viên thuốc chữa bệnh là gì. Khi ốm đau họ chỉ biết mời già làng đến cúng bái để đuổi con "ma rừng" ra khỏi người mà thôi" - ông kể.
Nửa tháng đầu tiên đến Trạm Y tế xã A Vao, hầu như ngày nào bác sĩ Thiện cũng chịu cảnh "thất nghiệp", bởi quan niệm của dân nơi đây là "đói ăn rau, đau phải cúng" nên khi ốm đau chẳng có người nào đến trạm y tế điều trị. "Nghề gì cũng vậy, khi không có việc làm phải ngồi bó gối một chỗ ai mà chịu nổi. Quá sốt ruột, tôi đã cùng một đồng nghiệp vượt suối, lội rừng tìm đến các bản làng để vận động người dân đến trạm y tế khám chữa bệnh" - bác sĩ Thiện nhớ lại.
Bác sĩ mê tín
Sau thời gian được các bác sĩ cùng ăn, cùng ở để vận động, người dân ở các thôn bản của xã A Vao mới lục đục rủ nhau đến trạm y tế chữa bệnh. Tuy nhiên, trước khi đưa người ốm đến trạm y tế để bác sĩ "bắt cái bệnh", gia đình họ vẫn không quên mời già làng về nhà cúng bái, đuổi "ma rừng" trong nhiều ngày liền.
"Cũng vì việc làm này nên bệnh nhân khi đưa đến trạm y tế thì bệnh tình thường đã nặng hơn. Thêm nữa, người ốm cũng không được ăn các lễ vật dùng để cúng bái như thịt gà, lợn nên sức khỏe suy kiệt" - bác sĩ Thiện tiếp lời.
Để ngăn chặn tình trạng này, bác sĩ Thiện đã nảy ra sáng kiến là tiếp tục tìm đến từng bản làng tuyên truyền bà con khi đau ốm phải đến trạm y tế điều trị lập tức và việc cúng quảy cũng phải diễn ra tại đây. Theo bác sĩ Thiện, việc này để giải quyết 2 vấn đề là tâm lý và dinh dưỡng.
"Khi đến trạm y tế, có y - bác sĩ ở bên thì bệnh nhân sẽ bớt lo lắng, gia đình họ cũng yên tâm hơn. Sau khi cúng, những lễ vật như gà, lợn sẽ được mang nấu cháo ngay tại trạm để người ốm bồi dưỡng sức khỏe. Cũng bởi sáng kiến này mà nhiều người gọi tôi là bác sĩ mê tín" - bác sĩ Thiện vừa cười vừa giải thích.
Tin về những người ốm được các y - bác sĩ của trạm y tế chữa lành bệnh sau vài mũi tiêm, vài viên thuốc khiến người dân tìm đến khám chữa bệnh ngày một đông hơn. Khi đưa người ốm đến trạm, gia đình họ vẫn mang theo đồ cúng nhưng theo hướng dẫn của bác sĩ Thiện nên đồ cúng ngày càng giản tiện.
"Đó là phong tục lâu đời nên mình không thể khuyên họ bỏ trong ngày một ngày hai được mà phải làm trường kỳ theo kiểu "mưa dầm thấm đất". Cho đến nay, việc cúng quảy để đuổi "ma rừng" đã dần được bãi bỏ và nếu có thì chỉ diễn ra đơn giản, không cầu kỳ, kéo dài ngày này sang ngày khác như trước" - bác sĩ Thiện khẳng định.
"A-vộ" của 14 đứa trẻ
Ngoài công việc chuyên môn, bác sĩ Thiện còn được nhiều người dân xã A Vao gọi là "A-vộ" (tiếng Pa Kô nghĩa là ông) của hàng chục đứa trẻ. Gọi thế bởi gần 4 năm qua, nhiều học sinh ở các bản làng xa khi đến học tại trung tâm xã A Vao đều được vợ chồng bác sĩ Thiện đưa về nhà lưu trú, lo lắng từ miếng ăn đến giấc ngủ.
Đến nay, có 14 em học sinh các cấp tiểu học, trung học trên địa bàn xã A Vao được vợ chồng bác sĩ Thiện nhận nuôi. Các em đều có chung một điểm là nhà ở các thôn, bản cách trung tâm xã A Vao hàng chục cây số và hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Ngoài việc nuôi ăn, ở miễn phí, mỗi năm học mới vợ chồng bác sĩ Thiện còn bỏ tiền ra mua sắm dụng cụ học tập, cặp sách cho các cháu.
Nhớ hôm tôi đến nhà bác sĩ Thiện, ông trải chiếu tiếp ở căn phòng khách rộng khoảng 25 m2, xung quanh có rất nhiều phản, giường, kệ sách. Ông bảo đang kỳ nghỉ hè nên các học sinh về nhà hết chứ không thì căn phòng này chật ních. "Chỉ 3 tháng hè nhà tôi mới có phòng khách và yên ắng nhất. Chứ vào kỳ học các cháu đến ở, sinh hoạt tại đây nên khá ồn ào. Vắng các cháu, nhiều lúc cũng thấy buồn và thiếu cái gì đó" - bác sĩ Thiện bộc bạch.
Hôm ấy, chuyện trò đến non trưa thì chúng tôi gặp bố con em Hồ Xong Noi (năm nay là học sinh lớp 7 Trường Tiểu học và THCS A Vao), ghé vào thăm nhà bác sĩ Thiện. Noi cho biết hôm nay hai bố con đi chợ huyện nên ghé thăm "A-vộ" và luôn tiện lấy vài quyển truyện tranh về nhà đọc.
Nhà Noi ở tận bản Ba Lin, cách trung tâm xã A Vao khoảng 20 km, đường sá cực kỳ khó khăn, trắc trở. Để thuận lợi cho việc học tập, Noi cũng như nhiều học sinh khác phải ở lại nhà bác sĩ Thiện gần 2 năm nay. "Ở nhà của A-vộ, em thấy thoải mái như ở nhà của mình bởi được A-vộ lo lắng, chăm sóc chu đáo. Không những vậy, việc học tập của chúng em cũng tiến bộ hơn trước rất nhiều bởi được vợ chồng A-vộ kèm cặp tận tình" - Noi tâm sự. 
Nói về tâm huyết cống hiến cho dân nghèo, bác sĩ Trịnh Đức Thiện nói: “Tôi được sinh ra trên gốc rạ, lớn lên trên đường cày nên rất thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của người dân. Hơn nữa, trong thời gian đầu lên nhận công tác, tôi được bà con giúp đỡ từ cái ăn đến chỗ ở nên nay giúp được gì cho bà con dân bản là tôi luôn sẵn lòng”. 

Ba năm đi xin xây trạm
Trạm Y tế xã A Vao lúc bác sĩ Trịnh Đức Thiện đến nhận công tác chỉ có một bàn sinh, dụng cụ y tế thiếu thốn vô cùng. "Có nhiều hôm người dân đến khám chữa bệnh phải ngồi đợi chật cả hành lang. Dụng cụ y tế ít ỏi nên sau khi dùng xong, chúng tôi phải luộc nước sôi 20 phút rồi đem sử dụng lại" - bác sĩ Thiện kể.
Dù các năm sau đó được sửa chữa, nâng cấp nhưng điều kiện của trạm vẫn không thể đáp ứng nhu cầu lưu trú, điều trị bệnh của người dân. Vì vậy, trong các năm 2007-2009, bác sĩ Thiện đã nhiều lần lặn lội, kiên trì vượt hàng chục cây số ra UBND huyện Đakrông, trực tiếp gặp lãnh đạo huyện để xin xây dựng trạm y tế.
"Cho đến năm 2010, UBND huyện Đakrông quyết định bố trí nguồn vốn, khởi công xây dựng Trạm Y tế xã A Vao gồm 2 tầng, 14 phòng. Ngày đặt viên đá đầu tiên để xây trạm, chúng tôi mừng đến rơi nước mắt. Có trạm y tế mới nên việc khám chữa bệnh cho người dân thuận lợi vô cùng" - bác sĩ Thiện phấn khởi nói.
Hà Phong (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).