Lên xứ ngựa của người Mông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm nay, đua ngựa Bắc Hà tình cờ đúng vào ngày mưa. Nhưng hàng vạn người vẫn che đầu xem đua ngựa, đủ thấy sức hấp dẫn của hội đua ngựa miền núi Bắc Hà.
Con ngựa Mông đang từ xó núi nẻo đường xa bước vào lễ hội có quy mô quốc gia, vươn đến tầm quốc tế. Khách quốc tế đến Bắc Hà nườm nượp, phần lớn đi từ Lào Cai lên xem lễ. Có thể thấy, “cái áo” Bắc Hà là quá nhỏ so với tầm vóc một lễ hội quốc gia. Nhưng đó chỉ là bề nổi, đậm màu sắc “lễ”, còn phần sâu sắc của truyền thống đua ngựa gắn liền với lịch sử văn hóa con ngựa Mông thì còn chưa được khai thác bao nhiêu.  
Ngựa Mông và Mông Cổ
Nói về lễ hội đua ngựa, tất nhiên phải nói về con ngựa Bắc Hà. Hay nói đúng hơn là con ngựa Mông. Con ngựa gắn liền với đời sống dân tộc Mông vùng núi cao phía Bắc. Đây là một điều rất đặc biệt của cộng đồng dân tộc Mông. Sinh sống trên các triền núi cao, nhưng lại gắn bó với ngựa, loài vật cần có một  khoảng không gian rộng rãi để tung vó. Đó là loài vật chúa tể thảo nguyên.
Ngựa là người bạn thân thiết của đồng bào vùng cao Bắc Hà
Ngựa là người bạn thân thiết của đồng bào vùng cao Bắc Hà
Do gắn bó với ngựa, nên cộng đồng Mông có chợ ngựa Bắc Hà, cũng là một nét văn hóa đặc sắc. Tôi đã đưa ông Dastseven, chủ tịch Hội hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Mông Cổ, đến chợ ngựa Bắc Hà. Ông Dastseven rất xúc động, coi như sống lại ký ức lịch sử về dân tộc Mông, một dân tộc có sợi dây liên hệ sâu xa với cư dân Mông Cổ. Theo ông, người Mông Việt Nam cũng như người Mông khắp Đông Nam Á, mới di cư khoảng 400 năm là lâu nhất, từ chân dãy núi Himalaya. Có cứ liệu lịch sử để biết, đó là cộng đồng người Mông Cổ định cư ở lại qua các cuộc di cư bắt đầu từ nhà Nguyên Mông cai trị Trung Quốc. Như vậy, người Mông chính là hậu duệ xa xôi của các dân tộc du mục Mông Cổ. Họ dù có bị đẩy lên cư trú vùng núi cao, vẫn mang theo con ngựa truyền thống.
Tại chợ ngựa, ông Dastseven rất thích thú khảo sát những từ ngữ liên quan đến ngựa. Cũng như người Kinh gắn bó với con trâu, con gà, thì từ ngữ về con gà, con trâu rất phong phú. Người Mông Cổ thảo nguyên cũng vậy, và người Mông Việt còn giữ lại những từ chỉ ngựa non, ngựa phi, ngựa cái, ngựa chạy, và chỉ các bộ phận con ngựa. Đặc biệt, món “thắng cố” ruột ngựa là một tinh hoa ẩm thực của người Mông, cũng có một mẫu số chung với người Mông Cổ thảo nguyên, đó là, khi thịt con ngựa, món ruột là quý nhất. Có thể sau  khi di cư, những phụ gia ẩm thực như thảo quả, quế… của phương Nam đã làm nên thứ thắng cố đặc biệt riêng.
Nếu hội đua ngựa Bắc Hà không chỉ khuôn vào các cuộc đua ngựa, mà ngành văn hóa làm cho nó thành một lễ hội về con ngựa Mông, thì không gian lễ hội, cơ hội thu hút khách du lịch sẽ lớn hơn nhiều. Trước tiên là phục dựng lại các chợ ngựa thực tế, ngay trong những ngày lễ hội. Nó sẽ không nhôm nhoam như các chợ ngựa thường, hoặc kết hợp với chợ trâu, chợ bò, lợn gà của vùng cao Bắc Hà thì sẽ có một sản phẩm rất đặc biệt. Ngoài ra, nếu có những nghiên cứu chuyên sâu, giới thiệu lịch sử con ngựa Mông, hoặc dựng lại sinh hoạt của người Mông với con ngựa, thì thật sự thú vị.
Các nài ngựa đua nhau tranh tài trong giải đua ngựa truyền thống của Bắc Hà
Các nài ngựa đua nhau tranh tài trong giải đua ngựa truyền thống của Bắc Hà
Bởi vì, nếu không chuyên chở những nội dung sâu sắc, thì không thể nâng trò đua ngựa lên một lễ hội đặc sắc. Nếu ngồi ở phố Bắc Hà những ngày đua ngựa, sẽ thấy các nài ngựa phi nhong nhong qua  phố. Người quen với hình ảnh con ngựa cao lớn, đẹp đẽ của phim ảnh Trung Quốc, Âu, Mỹ sẽ  không khỏi bật cười. Người Mông cưỡi ngựa như thể người Tây cưỡi một con ngựa con, hoặc như người Kinh cưỡi nghé.
Con ngựa Mông qua chọn lọc tự nhiên, rời xa thảo nguyên, không cần phải phi nước đại thi với gió, mà có nhiệm vụ leo trèo, thồ hàng và chở người… say khi xuống chợ. Hình hài của nó dần dần nhỏ bé lại, mà cơ gân của nó thì dẻo dai, leo trèo núi giỏi. Không mang một nội dung đặc sắc, không thổi vào lễ hội đua ngựa một cái hồn thì lễ hội chẳng đi đến đâu, có nguy cơ mai một.  
Lễ và hội đua ngựa Bắc Hà
Cách đây dăm năm, tôi và nhà văn Lê Văn Thảo, Ngọc Bái có đến Bắc Hà ngày đua ngựa, và nếm mùi cực khổ của du khách tìm khách sạn, nhà trọ. Năm đó đường Bắc Hà - Lào Cai chưa tốt lắm, nên ngại không về Lào Cai ngủ, loanh quanh tìm nơi ngủ mất mấy tiếng đồng hồ. Đây là một bài toán khó của Bắc Hà. Xây nhà nghỉ khách sạn chỉ dùng một lần một năm thì quá phí. Hồi đó, tôi đã đặt câu hỏi với một lãnh đạo: Sao không tính đến việc toàn dân tham gia du lịch, sẽ có hàng ngàn cái “homestay” cho khách?
Ảnh: X.H
Ảnh: X.H
Năm đó là năm đầu tiên bán vé cho khách xem đua ngựa. Việc này hẳn là một cuộc đấu tranh kịch liệt của nội bộ địa phương. Tôi đã nghe một cán bộ văn hóa cấp hơi cao nói: Tôi không đến lễ hội đua ngựa, vì tôi phản đối bán vé. Lý do là đồng bào Mông có lễ hội, phải cho họ xem, sao lại đi thu tiền. Hồi đó, tôi thấy lý luận đó có mùi dân túy, chưa chắc đã đúng. Vậy thì phải làm cho đồng bào thu được lợi nhờ lễ hội chứ, còn đi xem thì sao phân biệt được du khách tỉnh khác và đồng bào Mông? Năm nay (2018) tôi thấy chuyện bán vé đã thành bình thường. Nói điều này, để thấy bất kỳ một việc làm mới nào, cũng sẽ có những trở ngại khách quan phải vượt qua.
Bắc Hà còn có một sản vật đặc biệt, đó là quả mận. Mận Bắc Hà vào kỳ đua ngựa cũng là cuối vụ, vậy làm sao kỳ đua ngựa còn mận để làm chợ mận, hoặc dời đua ngựa sớm lên, hoặc gây được giống mận chín muộn? Đó cũng là một bài toán của Bắc Hà.
Năm nay, nhà văn Lê Văn Thảo đã thành người thiên cổ, tôi đi chợ Bắc Hà, lại nhớ ông Thảo da diết. Ông Thảo đi chợ như một lão nông Nam Bộ, dạo qua các hàng thắng cố, hỏi mãi người này người kia, tìm một hàng thắng cố truyền thống. Chả là hồi xưa, đã có lần ông Thảo được mời một bữa thắng cố ở bản Mèo, ông nhớ rõ trông bát thắng cố phải như thế nào, mùi vị như thế nào. Cuối cùng ông Thảo không đạt được nguyện vọng. Ông nói: Cái mùi cứ lạ lạ. Đôi khi nhà văn cũng khó tính, nhưng một lễ hội không có chỗ cho những người am hiểu văn hóa và khó tính, thì cũng là một thiếu sót rất lớn.
Ông Dastseven đến Bắc Hà không đúng dịp đua ngựa, thì hỏi rất cặn kẽ về hội đua ngựa. Hội đua ngựa ở thảo nguyên có thi phi ngựa nhanh thì thông thường, còn có phi ngựa bắt ngựa, phi ngựa nhặt đồ vật, thi vắt sữa ngựa, lại có nơi thi ẩm thực ngựa, các sản phẩm sữa ngựa. Ông Dastseven bảo: Sao không thi ngựa trèo núi, thi ngựa thồ hàng… là những việc mà con ngựa Mông làm hàng ngày. Tôi đã xem người Mông Cổ cưỡi ngựa, vung cái thòng lọng dài bắt ngựa trong đàn, bắt đúng con đánh dấu, hoặc xem người ta vắt sữa ngựa, bao giờ cũng kèm theo con ngựa con đứng cạnh con ngựa cái, vào lễ hội thì uống bia sữa ngựa, ăn bánh sữa ngựa… vân vân. Con ngựa Mông sao không thể thi trèo núi? Có thể làm một cái núi giả cho nó leo. Hoặc cho con ngựa thồ đi vài trăm mét, con nào đi nhanh thồ nặng là được giải… Lễ hội là sản phẩm của cuộc sống, do cuộc sống đẻ ra, đó mới là sức sống của lễ hội. Với trường hợp Bắc Hà, lễ hội chưa khai thác cái sức sống bền bỉ, kỳ vĩ của cộng đồng Mông với con ngựa của họ.
Nguyễn Xuân Hưng (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.