Ký ức về Cách mạng Tháng Tám của cán bộ tiền khởi nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm nay đã 86 tuổi nhưng ông Nay Pum-cán bộ tiền khởi nghĩa-vẫn còn khá minh mẫn. Trong căn nhà nhỏ ở phường Sông Bờ (thị xã Ayun Pa, Gia Lai), ông bồi hồi kể lại cho tôi nghe về những ngày tháng lịch sử hào hùng cách đây đúng 73 năm.
Đầu năm 1945, Nay Pum (tên thường gọi bây giờ là Ama Lam) đang là học sinh trường tỉnh ở Pleiku. Được gần gũi với những trí thức yêu nước, đặc biệt là người bạn học lớn tuổi Siu Pui (Ama Thương)-lúc đó đã tham gia cách mạng, Nay Pum đã sớm giác ngộ và đi theo cách mạng. Từ tháng 6-1945, Nay Pum là chiến sĩ Tiểu đoàn Nơ Trang Lơng, trực thuộc Trung đoàn 48, bao gồm con em các dân tộc Tây Nguyên được tập hợp lại để đấu tranh du kích vũ trang hậu thuẫn cho phong trào của nhân dân chống lại thực dân, phát xít. Địa bàn hoạt động của Nay Pum lúc đó ở quê nhà-Plei Kly, xã Phú Nhơn (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh ngày nay).
   Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn đến thăm ông Nay Pum.      Ảnh: Đ.P
Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn đến thăm ông Nay Pum. Ảnh: Đ.P
Ông Ama Lam nhớ lại, chớp thời cơ Nhật đầu hàng quân đồng minh, Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã phát lệnh tổng khởi nghĩa trên toàn quốc. Trong khí thế cách mạng ngút trời, từ ngày 14 đến 18-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, tại các tỉnh miền Bắc, một số tỉnh miền Trung và miền Nam, nhân dân đã nổi dậy cướp chính quyền thành công. Ngày 19-8, hai mươi vạn nhân dân TP. Hà Nội dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ đã tiến hành tổng khởi nghĩa dưới hình thức biểu tình quần chúng có vũ trang giành chính quyền thắng lợi. Cùng thời gian, thông tin khởi nghĩa ở các tỉnh cận kề như: Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định giành thắng lợi càng cổ vũ mạnh mẽ, thúc đẩy phong trào cách mạng ở Gia Lai lên cao.
Ở Gia Lai lúc này, bộ máy cai trị của địch hoang mang cực độ. Lực lượng quân đội Nhật, bọn hiến binh đóng ở Pleiku, An Khê, Cheo Reo, Plei Kly và các đồn binh lần lượt rút về Quy Nhơn chờ quân đồng minh giải giáp. Lính bảo an không còn ủng hộ chính quyền thân Nhật, đã dần dần ngả về phía cách mạng, đồng tình và ủng hộ các hoạt động của quần chúng và thanh niên yêu nước. Chớp thời cơ đó, sáng 20-8, Đoàn Thanh niên An Khê kêu gọi quần chúng đứng lên khởi nghĩa, tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Chính quyền cách mạng lâm thời huyện An Khê được thành lập do ông Trần Sanh làm chủ tịch… Đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh Gia Lai, lực lượng khởi nghĩa đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Sáng 22-8, đoàn quân khởi nghĩa của An Khê có lực lượng vũ trang tự vệ tiến lên thị xã Pleiku phối hợp với Đoàn Thanh niên Gia Lai khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ.
Ông Ama Lam kể, chiều 22-8, nhận được điện của Việt Minh tỉnh Bình Định với nội dung: “Bảo Đại chấp nhận thoái vị, Việt Minh giành chính quyền, yêu cầu thanh niên Gia Lai tổ chức biểu tình ủng hộ Việt Minh”, Đoàn Thanh niên Gia Lai lập tức hành động, yêu cầu tên tỉnh trưởng Bửu Phu ký lệnh trưng dụng xe ô tô đưa cán bộ thanh niên đến các công sở trong tỉnh và các đồn điền, vùng nông thôn phụ cận tuyên truyền, huy động quần chúng vũ trang biểu tình giành chính quyền. Tổ chức thanh niên phân công các đồng chí đến các đồn điền, địa phương thông báo tin Nhật đầu hàng, Bảo Đại thoái vị, Việt Minh giành chính quyền và huy động công nhân, nông dân, thanh niên, đồng bào dân tộc về thị xã Pleiku để mít tinh, biểu tình giành thắng lợi.
Nhận được tin vui, suốt đêm 22-8, các địa phương trong tỉnh gần như không ngủ. “Chúng tôi hơn trăm người trong Đoàn Thanh niên và phụ nữ, quần chúng ở Plei Kly thức suốt đêm để lo may cờ đỏ sao vàng, dán cờ đuôi nheo bằng giấy và khẩu hiệu: “Toàn dân đứng lên đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền, giành độc lập tự do”. Tôi và các chiến sĩ Tiểu đoàn Nơ Trang Lơng chịu trách nhiệm vũ trang bảo vệ và phối hợp với Ban Chấp hành Thanh niên tổ chức trang bị gậy gộc, dao mác, cuốc xẻng cho đàn ông đi biểu tình. Nhiều người chuẩn bị thêm dây dừa để khi bắt được kẻ địch chống đối thì trói lại. Chừng 4 giờ sáng 23-8, hơn trăm thanh niên, phụ nữ, công nhân và quần chúng cách mạng ở xã Phú Nhơn tập hợp ở suối Djiek bắt đầu xuất phát, khí thế rợp trời, giương cao cờ đỏ sao vàng tiến về thị xã Pleiku”-ông Ama Lam nhớ lại.  
Sáng 23-8, gần một vạn quần chúng gồm công nhân đồn điền, nông dân người Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số, cùng các tầng lớp nhân dân thị xã đã tập trung mít tinh tại Tòa khâm sứ. Sau đó, lực lượng quần chúng chia thành hai cánh tuần hành qua các phố chính trong thị xã. “Chúng tôi vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh”-ông Ama Lam  kể… Bọn tay sai trong bộ máy bù nhìn của chính quyền địch bỏ trốn để trụ sở trống không hoặc run rẩy đầu hàng lực lượng cách mạng.
Đúng 10 giờ sáng 23-8, gần một vạn người tập trung về sân vận động thị xã Pleiku dự cuộc mít tinh dưới rừng cờ đỏ sao vàng. Từ trong biển người, ông Ama Lam xúc động chứng kiến ông Trần Ngọc Vỹ đứng trên bục cao đại diện lực lượng quần chúng khởi nghĩa dõng dạc tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng, kêu gọi nhân dân các dân tộc trong tỉnh triệt để thi hành các chủ trương, chính sách đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh, ủng hộ Ủy ban Dân tộc Giải phóng do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch…
Buổi lễ kết thúc, dòng người chia nhỏ ra các nhóm đi tuần hành và kéo về các địa phương vùng nông thôn, các đồn điền để lập ra chính quyền mới. Ông Ama Lam là chiến sĩ Tiểu đoàn Nơ Trang Lơng phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Phú Nhơn cướp chính quyền thành công ở xã Phú Nhơn. Sau khi thành lập chính quyền cách mạng xã này, ông Ama Lam tiếp tục là chiến sĩ vũ trang Tiểu đoàn Nơ Trang Lơng.
Đêm 23-8-1945, Hội nghị đại biểu các lực lượng khởi nghĩa tại Dinh Quản đạo đã nhất trí thông qua danh sách Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Gia Lai gồm 5 thành viên với đủ các thành phần đại diện do ông Trần Ngọc Vỹ làm Chủ tịch.
Chỉ trong vòng hơn 1 tuần lễ, từ huyện An Khê, thị xã Pleiku, quần chúng nhân dân đã đồng loạt khởi nghĩa giành thắng lợi trên toàn tỉnh. Chính quyền của thực dân phong kiến bị xóa bỏ hoàn toàn, chính quyền cách mạng bước đầu được thiết lập trong toàn tỉnh.
Cuộc nổi dậy giành chính quyền của nhân dân các dân tộc Gia Lai là mốc son chói lọi có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với phong trào cách mạng ở địa phương, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trên cả nước. Nhân dân các dân tộc Gia Lai từ cuộc đời nô lệ tăm tối, tủi nhục trong xã hội thực dân phong kiến đã đứng lên làm cách mạng giành chính quyền, trở thành người dân của một đất nước độc lập, tự do. 
Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.