Độc đáo nhà cổ Huỳnh Phủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tọa lạc tại ấp Khu Phố, xã Đại Điền, H.Thạnh Phú, Bến Tre, Huỳnh Phủ được xem là ngôi nhà xưa nhất còn tồn tại trên đất cù lao xứ dừa cho đến nay. Được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 trên diện tích hơn 500 m2, trải qua hơn thế kỷ, ngôi nhà vẫn còn giữ được vẻ đẹp kiến trúc và nghệ thuật chạm trổ độc đáo của người xưa.
Câu chuyện đứt quai chèo...
Nằm cạnh hương lộ dẫn vào trung tâm xã Đại Điền, cách cầu Tân Phong chừng 2 km, Thoạt nhìn ít ai nghĩ đây là ngôi nhà cổ, bởi bao bọc xung quanh là lớp kiến trúc tường vôi cùng với mái ngói mới trùng tu còn đỏ chói. Vì vậy chỉ những khách du lịch mê nhà cổ mới để ý tìm đến.
Nhà Huỳnh Phủ hiện do ông Huỳnh Ngọc Thu, cháu đời thứ 6 của chủ nhân ngôi nhà quản lý. Nhưng do ông bị bệnh nên mọi việc trong ngoài, kể cả việc thuyết minh hướng dẫn cho du khách đều do vợ ông, bà Lê Thị Hai đảm trách.
Bà Hai kể: “Ngày xưa ông bà ở miền Trung dùng ghe bầu vào nam, cặp mé sông Hàm Luông đến ngã rẽ cách đây chừng 2 cây số thì liên tiếp bị đứt quai chèo. Ông cụ nói trời đất cho mình lên đây lập nghiệp. Ông cắm sào lên bờ đốt rừng khai phá. Làm ăn dành dụm, thời gian sau điền sản của ông có gần 2.000 mẫu đất. Hiện ngôi mộ ông tọa lạc ở xã Phú Khánh, gần sông Hàm Luông, nơi ông bước chân lên đất liền lập nghiệp. Theo bia mộ, ông tên là Huỳnh Ngọc Khiêm, sinh năm 1843, mất năm 1927”.
Lại có thuyết kể rằng ông Huỳnh Ngọc Khiêm vốn là người ở làng Hương Mỹ, Mỏ Cày. Do làm ăn thất bại nên ông cùng vợ và 9 người con, rủ thêm một số bạn bè xuống ghe đi tìm đất mới. Khi đến vàm Giồng Luông thì gặp nước xoáy, quai chèo hai lần bị đứt. Mệt mỏi vì chống chọi với nguy hiểm, ông nói với vợ con “phận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo” và quyết định dừng ghe, đổ bộ lên đất Giồng Luông, tức Đại Điền ngày nay để khai rừng lập ruộng.
Nhờ chí thú làm ăn, chẳng bao lâu gia đình ông đã biến vùng đất còn rừng hoang thú dữ này thành hàng trăm mẫu ruộng. Quan trên nghe tiếng đồn, giao cho ông tiếp tục khai phá để di dân vào lập nghiệp. Vào một buổi trưa hè, trong lúc lo sợ khai phá không đúng hạn định sẽ bị quan phạt vạ thì bất ngờ khu rừng già phát hỏa, cháy suốt mấy ngày, thú dữ bỏ đi, cỏ cây bị thiêu rụi. Thời cơ đã giúp ông cùng mọi người bứng gốc, vỡ hoang, mở mang thêm ruộng rẫy. Không bao lâu ông trở thành người giàu có nhất vùng, được quan trên trọng dụng. Khi lập làng, ông được mời vào bàn hương chức, từ đó dân làng gọi ông là Hương Liêm, kính ông như bậc tiền hiền có công khai hoang lập ấp.
Mặt trước và gian tiền sảnh ngôi nhà
Mặt trước và gian tiền sảnh ngôi nhà
20 Năm tạo dựng ngôi nhà
Khi cuộc sống ổn định, khá giả, ông Hương Liêm tính tới chuyện cất nhà. Theo lời kể của bà Lê Thị Hai, vào khoảng năm 1884 ông ra miền Trung mua gỗ, thuê bè chở vào. Ngày dỡ gỗ, ông mua mâm trái cây cúng. Sau đó đám thợ ăn rồi ném hạt bưởi xuống sân, đến khi cây bưởi có trái mà ngôi nhà mới gác đòn dông. Và phải đến năm 1904 ông Hương Liêm mới tổ chức mừng tân gia.
Đây là ngôi nhà xuyên trính, nền xây tam cấp, lót gạch tàu, kiến trúc theo hình chữ nhất, 3 căn 2 chái. Gian thứ nhất là nơi thờ tự và sinh hoạt gia đình, bề ngang rộng chừng 17 m, dài 25 m. Ngôi nhà có tất cả 48 cây cột lớn bằng gỗ căm xe và 32 cây cột xây bằng gạch phía hành lang. Người trong gia đình cho biết, số cột gạch này thay cho cột gỗ đã bị hư hỏng theo thời gian, nhưng thay vào lúc nào thì không rõ.
Nhìn tổng quát, hệ thống vì kèo, xuyên trính đều được chạm trổ công phu, ngay cả dạ cây xuyên cũng được chạm khắc tỉ mỉ. Đặc biệt, mái ngói âm dương, phần mặt âm (dạ ngói) đều vẽ hoa văn, mây nước bằng chất liệu men màu. “Nhưng cơn bão Durian vào cuối năm 2006 đã làm tốc mái, ngói hư bể khá nhiều, đến khi trùng tu vào năm 2013 lại bị bể thêm một số. Gia đình phải lựa những viên ngói còn nguyên, còn chắc lợp ở gian giữa để kỷ niệm”, bà Hai cho biết.
Hầu hết các tác phẩm mỹ thuật ở ngôi nhà Huỳnh Phủ đều được thuê thợ từ Huế vào thực hiện. Các đôi liễn được bổ từ những thân gỗ to, ôm sát thân cột, chạm trổ công phu với các đề tài nhị thập tứ hiếu, ngư tiều canh mục... Chân cột, chân bao lam chạm các đề tài bình dân như trái mãng cầu, trái điều, trái lê, hoa sen, con vịt... là những thổ sản địa phương. Đặc biệt, các tấm trám trên vách mặt tiền gian chính đều có hai lớp. Lớp mặt trước chạm các loại hoa trái, chim muông, lớp sau chạm lọng lưới tổ ong.
Theo bà Lê Thị Hai thì nhiều người làm nghề mỹ thuật đến xem cũng lắc đầu với kỹ thuật chạm trổ nói trên. Do vậy khi chùi lau bà dặn mọi người phải rất cẩn thận tránh bị bể. Theo lời kể lại, ngày xưa ông Hương Liêm mướn nghệ nhân chạm khắc không tính ngày công mà tính bằng khối lượng dăm bào, mỗi chén dăm bào được trả 5 cắc bạc, thời điểm này một giạ lúa giá 2 cắc.
Gian thờ tự bên trong ngôi nhà
Gian thờ tự bên trong ngôi nhà
Nghèo nhưng không bán
Trong gian thờ phượng của ngôi nhà bố trí 3 khánh thờ cũng là tác phẩm mỹ thuật độc đáo. Mỗi khánh thờ cao khoảng 3 m, xếp thành 2 lớp. Khánh thờ Phật đặt chính giữa chạm tứ linh. Hai khánh thờ hai bên thờ Cửu huyền thất tổ và chân dung cụ ông, cụ bà Hương Liêm. Cả hai khánh này đều chạm hoa trái, loan phụng, sơn son thếp vàng rực rỡ.
Trân quý với di sản của người xưa, con cháu phải ra công gìn giữ. Bà Hai cho biết hằng tuần bà phải thuê người lau chùi vệ sinh sàn nhà. Riêng hoành phi, câu đối, mỗi năm làm một lần, sợ lau chùi nhiều sẽ bị bong tróc. Trong nhà cũng còn một số đồ vật quý hiếm như lư trúc chạm bách điểu rất to và một số bình cắm hoa bằng đồng... nhưng được cất giữ kỹ, không dám đem ra trưng bày. Tuy nhiên, gần như toàn bộ ốc xà cừ trên các hoành phi, câu đối, biển liễn... đều đã bị cạy lấy mất từng mảng lớn.
“Khi chồng tôi quản lý, coi giữ ngôi nhà này thì ốc đã bị mất rồi, gia đình cũng rất tiếc. Năm 2011 Bộ VH-TT-DL xếp hạng ngôi nhà thuộc di tích quốc gia. Đến năm 2013 nhà nước đã cho trùng tu thay rui mè, mái ngói... nhưng không đủ kinh phí để thực hiện tiếp phần cẩn lại ốc”, bà Hai nói.
Cũng theo lời kể của bà Hai thì tới đời ba chồng của bà là ông Huỳnh Ngọc Chất mỗi năm thu được khoảng 500 giạ lúa từ việc cho mướn ruộng và dùng để tu bổ chăm sóc ngôi nhà. Đến đầu thập niên 1970, khi chính quyền VNCH ra luật “Người cày có ruộng” thì toàn bộ số ruộng của gia đình đều bị truất hữu. “Bấy giờ ba chồng tôi dùng tiền được bồi thường để mua một chiếc xe hơi chở khách làm kế sinh nhai. Một hôm xe chạy đến Hương Mỹ thì bị cháy. Bao nhiêu tiền dồn vô chiếc xe bị mất trắng. Sau đó con cái phải làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh. Riêng ngôi nhà, dù có người tới trả giá cao nhưng ông nhất quyết không bán, dù nghèo”, bà Hai chia sẻ.
Hoàng Phong-Ngọc Phan (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.